Cùng với tốc độ phát triển giao thông đường bộ, những năm qua, vận tải hành khách bằng ô tô ở tỉnh ta gia tăng nhanh về số lượng và chủng loại phương tiện. Tuy nhiên, do phát triển “nóng”, công tác quản lý phương tiện tại các đơn vị vận tải còn nhiều yếu kém. Nhiều đơn vị vận tải trên thực tế không quản lý được phương tiện cả về quá trình hoạt động cũng như tình trạng kỹ thuật. Công tác quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ở nhiều đơn vị còn mang tính hình thức. Doanh nghiệp không trực tiếp tuyển chọn, quản lý, giáo dục nên cũng chưa quan tâm phát hiện và xử lý các vi phạm của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Nhiều đơn vị vận tải chưa thiết lập được quy trình tiếp nhận, giải quyết các ý kiến phản ánh, khiếu nại của hành khách. Bộ phận theo dõi, quản lý về ATGT ở nhiều đơn vị vận tải chưa hoạt động thực chất; có đơn vị không bố trí cán bộ, không có hệ thống sổ sách, biểu mẫu để tập hợp, phân tích các dữ liệu về ATGT và chất lượng dịch vụ. Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách, giúp người dân được cung cấp dịch vụ đi lại bằng ô tô đạt chất lượng cao, an toàn, năm 2015 Sở đã đặt mục tiêu hàng đầu là phải đổi mới nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vận tải.
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra việc chấp hành quy định vận tải hành khách của xe khách trên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. |
Sở đã tập trung đổi mới phương pháp quản lý; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sau khi cấp phép hoạt động cho phương tiện. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở kết hợp triển khai, phổ biến hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững, giúp các doanh nghiệp vận tải tự giác bảo đảm các quy chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và đảm bảo ATGT. Trong đó, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ hành khách; đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên tuyến; niêm yết các thông tin có liên quan về hoạt động kinh doanh vận tải. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe, các điểm đón, trả khách theo quy định và chạy đúng hành trình; không chở quá số người và không vượt quá khối lượng toàn bộ được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô… Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ tin học, khai thác và sử dụng hiệu quả các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải, xác định chính xác việc dừng, đỗ, tốc độ xe… bảo đảm phát hiện, xử lý các đơn vị vận tải, lái xe vi phạm; tăng cường công tác đảm bảo ATGT và giúp các doanh nghiệp vận tải tự giác nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Trong năm, Sở đã đình chỉ hoạt động của một số đơn vị kinh doanh vận tải từ 1 tháng đến 3 tháng khi các đơn vị để xảy ra các vi phạm như: có 10% số lượng phương tiện vi phạm chở quá số người hoặc quá tải trọng cho phép trên 100% trong 1 tháng; có từ 10% phương tiện đưa vào khai thác khi chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu… Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Sở còn tập trung tuyên truyền giúp các doanh nghiệp vận tải khách nhận thức được yêu cầu phải tổ chức, sắp xếp lại quy mô để có thể áp dụng phương thức quản lý hiện đại, quan tâm đến chất lượng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ việc thực hiện ATGT trong vận tải không những gắn với trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp mà còn là hiệu quả của kinh doanh lành mạnh, bền vững. Qua việc áp dụng chính sách khuyến khích, thúc đẩy quá trình nâng cao tính cạnh tranh của thị trường vận tải, từ đó sàng lọc loại bỏ dần các đơn vị yếu kém, giúp khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn được dịch vụ vận tải phù hợp với nhu cầu, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất trật tự ATGT, va chạm, TNGT. Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý, nhiều chủ xe, lái xe, doanh nghiệp vận tải hành khách đã nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn cho hành khách. Một số doanh nghiệp đầu tư khai thác bến, nâng cấp phương tiện hiện đại, lấy hành khách là trung tâm để phục vụ. Cty CP Trường Duy đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng đưa vào khai thác bến xe khách phía Nam mới, quy mô loại III với tổng diện tích hơn 10 nghìn m2 tại địa bàn xã Nghĩa An (Nam Trực). Mới đây, Cty CP Trường Duy tiếp tục đề xuất và được ngành GTVT hỗ trợ khảo sát để hoàn tất thủ tục đầu tư mở tuyến vận tải hành khách cố định liên vận Nam Định - Viêng Chăn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân Nam Định và các tỉnh phía Bắc tới Viêng Chăn (Lào) công tác, làm việc, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Dự kiến đầu năm 2016 Cty có thể đi vào khai thác tuyến, phục vụ nhu cầu của hành khách. Cty CP Đầu tư liên hiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh và Cty Phương Trang đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại tuyến xe khách chất lượng cao Hà Nội - Nam Định, duy trì nền nếp việc bố trí xe trung chuyển đưa, đón hành khách tận nhà tại Thành phố Nam Định; thực hiện nghiêm các quy định về bán và kiểm soát vé, không bán vé trên xe, vừa bảo đảm văn minh, lịch sự, vừa bảo vệ quyền lợi cho hành khách, nhờ đó số lượng hành khách vào bến mua vé, lên xe đã ngày một tăng lên; giảm tình trạng dừng xe bắt khách ngoài cổng bến xe. Đến thời điểm hiện nay, chất lượng vận tải hành khách tuyến Nam Định - Hà Nội đã được cải thiện so với năm trước.
Trong năm 2016, Sở GTVT xác định tiếp tục tuyên truyền để các doanh nghiệp vận tải hành khách nhận thức rõ nguy cơ phải cạnh tranh với các loại hình vận tải khác và với doanh nghiệp vận tải ô tô nước ngoài khi các hiệp định vận tải đường bộ được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới. Sở tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường áp dụng hiệu quả mọi quy chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thủ tục hành chính đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các quy định về thủ tục và quy trình đăng ký khai thác tuyến, Sở sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 2-11-2015 của Bộ GTVT quy định về bỏ thủ tục chấp thuận tuyến tổ chức. Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ theo hướng: căn cứ vào quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, công bố công khai, minh bạch biểu đồ chạy xe chi tiết trên trang thông tin điện tử của Sở; tạo thuận lợi các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trên tuyến đăng ký khai thác; áp dụng đúng quy trình lựa chọn đơn vị khai thác trên tuyến. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành ở tất cả các loại hình vận tải hành khách, bao gồm: taxi, xe buýt, các hãng xe khách tuyến cố định và kiểm tra ở tất cả các huyện, thành phố. Đẩy mạnh triển khai đề án Tái cơ cấu vận tải chuyên ngành nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải; đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng; phát triển thị trường vận tải đa phương thức nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy