Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

09:12, 28/12/2015

Do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đang tăng cả về tần suất và cường độ. Vào mùa khô thường gặp hạn hán kéo dài, kèm theo triều cường, nước mặn lấn sâu vào các cửa sông lớn từ 30-40km. Ước tính mỗi năm có trên 11 nghìn ha đất canh tác chân ruộng cao bị thiếu nước và 52 nghìn ha đất trồng lúa của 6 huyện phía nam gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới. Có gần 38 nghìn ha đất canh tác của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh hằng năm đều bị ảnh hưởng do hạn hán, triều cường và xâm nhập mặn, đe doạ an ninh lương thực và ảnh hưởng đến tài nguyên nước, vệ sinh môi trường.

Để chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn tỉnh đã giao cho ngành NN và PTNT tập trung triển khai xây dựng, nâng cấp vững chắc các tuyến đê biển và đê sông xung yếu. Trong đó, ưu tiên đầu tư tuyến đê biển Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) và nhiều đoạn đê biển xung yếu ở Giao Thủy, Nghĩa Hưng, khu tránh, trú bão Ninh Cơ, Nghĩa Thắng. Đồng thời quan tâm củng cố, chống xuống cấp các tuyến đê biển đã được đầu tư nâng cấp nhằm tăng cường khả năng chống bão lũ, triều cường dâng. Hiện toàn tỉnh đã nâng cấp, kiên cố hóa được 56,8/76,6km đê biển, có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê. Tỉnh cũng đang xây dựng 21 mỏ kè mới; tu bổ, nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển; xây mới 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km kè bảo vệ đê và bê tông hóa mặt đê. Các địa phương quan tâm đầu tư củng cố, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh theo hướng đồng bộ, tăng khả năng điều tiết nước phục vụ sản xuất, ngăn mặn, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu và có khả năng khai thác nguồn nước từ lưu vực sông Hồng. Các huyện ven biển tập trung nâng cao chất lượng rừng ngập mặn, bảo vệ diện tích rừng hiện có và mở rộng diện tích nhằm phủ xanh đất trống, tăng độ che phủ, ứng phó với hạn hán, hoang mạc hóa, thiếu nước; trong đó ưu tiên bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Từ 2007 đến nay, toàn tỉnh đã trồng 3.600ha rừng ngập mặn; đang tiếp tục triển khai Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 tỉnh Nam Định”; phấn đấu đến năm 2020 đạt 5.713ha rừng ngập mặn. Ngành chức năng còn nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất của vùng nằm trong khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu, chịu tác động của tình trạng xâm nhập mặn. Từ đó đã căn cứ vào khả năng ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, khuyến khích các địa phương ven biển áp dụng mô hình sử dụng đất theo thứ tự từ cao xuống trung bình và thấp gồm: mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với rừng ngập mặn, mô hình trồng rừng ngập mặn, mô hình sử dụng đất giao thông và mô hình sử dụng đất du lịch sinh thái; mô hình nuôi trồng thuỷ sản, mô hình sử dụng đất ở; mô hình chuyên lúa và mô hình chuyên màu. Khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng cây rau màu; khu vực bị nhiễm mặn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, ngành NN và PTNT, các địa phương còn tăng cường khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân đưa mạnh những giống cây có khả năng chống chịu cao với hạn, mặn vào trồng cấy.

Nạo vét, kiên cố hóa kênh Ngô Đồng 3, đoạn qua xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Nạo vét, kiên cố hóa kênh Ngô Đồng 3, đoạn qua xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Mùa khô 2015-2016, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh dự báo lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4-2016 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước hạ du các tuyến sông trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng mực nước cửa sông ven biển cao hơn, khả năng hạn hán và ảnh hưởng của xâm nhập mặn là rất lớn. Trước các nguy cơ được dự báo, tỉnh đã yêu cầu ngành NN và PTNT, các địa phương chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn mặn, các công trình sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để ứng phó kịp thời tình hình hạn, mặn. Đặc biệt, tỉnh đã xác định giải pháp quan trọng để chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn là phải làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn, xâm nhập mặn các cấp để chủ động chỉ đạo công tác làm thuỷ lợi nội đồng, công tác làm đất đảm bảo phù hợp với lịch gieo cấy vụ đông xuân năm 2015-2016. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh đảm bảo kênh thông thoáng tới mặt ruộng. Có kế hoạch đắp đập, chuẩn bị đủ máy bơm để bơm trữ nước trên kênh, trên đồng trước khi cống đầu mối đóng ngăn mặn, tổ chức bơm khi mực nước xuống thấp. Tuy nhiên, đầu vụ năm nay, các địa phương còn rất chủ quan, chưa tích cực chủ động trong công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2015-2016. Kết quả làm thuỷ lợi nội đồng đến giữa tháng 12 chưa đạt theo yêu cầu, khối lượng thực hiện mới đạt trên 50% kế hoạch ở các tuyến kênh cấp 1 và cấp 2 của các Cty TNHH một thành viên KTCTTL, còn lại các tuyến kênh cấp 3, kênh nội đồng chỉ đạt dưới 30% kế hoạch. Để đôn đốc các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo phòng chống hạn, xâm nhập mặn đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra tại các địa phương và chỉ đạo phương hướng khắc phục tồn tại, đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng. Yêu cầu ngành NN và PTNT, các đơn vị chức năng và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, điều chỉnh hợp lý kế hoạch cấp nước, khi xảy ra thiếu hụt nguồn nước hoặc xâm nhập mặn, phải đảm bảo cung cấp theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, các trạm bơm điện do các Cty TNHH một thành viên KTCTTL quản lý cũng đã khẩn trương sửa chữa duy tu, lập phương án dự phòng các vật tư máy móc thiết bị để thay thế trong trường hợp sự cố có thể xảy ra; chủ động các phương án sẵn sàng bơm nước phục vụ vụ đông xuân năm 2015-2016. Cty Điện lực tỉnh tập trung kiểm tra đường dây tải điện, các trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm và chủ động các phương án (cấp điện, khắc phục sự cố về điện) phục vụ tốt nhất cho vụ đông xuân năm 2015-2016. Các ngành, các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đang tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của cấp trên đến các cấp chính quyền, người dân trong khu vực để chủ động phòng tránh. Tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn; điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cho sản xuất.

Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 thành công cần có sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, sự nỗ lực vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn theo hướng dẫn./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com