Xuân sớm trên những công trình giao thông trọng điểm

05:01, 01/01/2016

Giữa đông nhưng Thành Nam dường như ấm áp hơn bởi sắc vàng đã nhuộm dần trên các vườn quất, vườn đào đang đua nhau hé nụ lốm đốm sắc hồng. Trên các công trường thi công cầu vượt Tân Phong, đường nối cầu Tân Phong, tỉnh lộ 488, tiếng máy rộn rã và khí thế lao động hăng say của các kỹ sư, công nhân để cầu kịp nối những bờ vui đón xuân mới.

Đi dọc công trường thi công dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 488, đoạn từ  tỉnh lộ 488C đến Thị trấn Thịnh Long, trong cái rét như cắt da cắt thịt, khí thế lao động dường như không giảm. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, kể từ khi khởi công xây dựng, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, máy móc, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt trên công trường, giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, tiến độ triển khai từng hạng mục; giám sát đảm bảo mạng lưới an toàn lao động, vệ sinh môi trường, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Phong trào thi đua “Lao động đạt năng suất cao, chất lượng tốt và bảo đảm an toàn” được phát động và duy trì liên tục trong suốt quá trình thi công. Đến thời điểm này, trên tổng chiều dài 10km mặt bằng đã được bàn giao, đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao 7km đoạn từ tỉnh lộ 488C đến Quốc lộ 21. Hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành, bàn giao nốt 3km còn lại thuộc địa phận Thị trấn Thịnh Long trước Tết Nguyên đán 2016. Khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của các địa phương nơi có con đường chạy qua nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Thi công đoạn đường gom cầu Tân Phong, thuộc địa phận huyện Mỹ Lộc.
Thi công đoạn đường gom cầu Tân Phong, thuộc địa phận huyện Mỹ Lộc.

Cầu vượt Tân Phong nằm trên Quốc lộ 21B, lý trình Km101+506 bắc qua sông Đào, địa phận Thành phố Nam Định. Các kỹ sư, công nhân đang tập trung hoàn tất những phần việc cuối cùng: thi công đường gom hai bên cầu và lắp đặt lan can, khe co giãn, chống thấm... để đạt mục tiêu thông xe kỹ thuật công trình vào ngày 17-1-2016. Đây là một trong những công trình trọng điểm, có vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao năng lực kết nối giao thông vùng nên Bộ GTVT đã quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (JICA) và một phần vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư hơn 463 tỷ đồng. Theo đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT), cho biết: Dự án được khởi công ngày 14-6-2015, với mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2016. Vì vậy, yêu cầu về tiến độ rất cấp bách. Chủ đầu tư cùng các nhà thầu ý thức được việc đẩy nhanh tiến độ là hết sức quan trọng nên đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thi công công trình với tiến độ “thần tốc”. Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu thi công gồm 2 liên danh: Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - Cty CP TASCO và liên danh Cty CP Phát triển và Thương mại Thuận An - Cty CP Cầu 11 Thăng Long tập trung tối đa các nguồn lực máy móc, thiết bị để thi công tổng lực. Trong suốt quá trình thi công, các đơn vị vừa phải đẩy nhanh tiến độ, vừa phải chú trọng bảo đảm an toàn lao động và ATGT do tuyến sông Đào là tuyến sông chính vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đi Quảng Ninh, Hải Phòng, có mật độ giao thông cao; điểm thi công cầu ở khúc cong, luồng chạy tàu hẹp, lưu tốc dòng chảy lớn và xoáy; chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều. Mặc dù thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thủy triều thất thường, nhưng ngày nào công trường cũng thi công với tiến độ rất cao, công nhân làm việc 3 ca/ngày, liên tục cả tuần. Bởi vậy chỉ sau khởi công 3 tháng, trong buổi kiểm tra tiến độ của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhà thầu đã thực hiện được hơn 60% khối lượng công việc; đến ngày 25-11-2015 cầu đã được hợp long. Không chỉ đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát luôn thực hiện tốt việc quản lý chất lượng theo đúng các quy định của Nhà nước, kiên quyết loại ngay những vật tư không đảm bảo chất lượng, tổ chức nghiệm thu và giám sát chặt chẽ chất lượng ngay tại hiện trường khi các hạng mục vừa được thi công xong. Nhờ đó, cầu Tân Phong được thi công chuẩn theo phương án thiết kế, với kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng chiều dài phần cầu tính đến đuôi mố là 683,9m, chiều rộng cầu 12m. Phần cầu dẫn sử dụng dầm super-T bằng bê tông cốt thép dự ứng lực kéo trước, bản mặt cầu liên tục nhiệt để đảm bảo cho xe chạy êm thuận. Kết cấu mố, trụ bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ đặt trên nền cọc bằng bê tông cốt thép ở các mố, trụ đỡ nhịp dẫn và trên móng cọc khoan nhồi ở trụ đỡ dầm liên tục. Dù vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất nhưng cầu Tân Phong hiện đại đã hiện hữu với vóc dáng khỏe khoắn đầy kiêu hãnh vắt ngang dòng sông Đào. Cùng với phần cầu, không khí trên công trường thi công tuyến đường dẫn từ cầu Tân Phong đến Quốc lộ 21 có tổng chiều dài gần 1,5km (trong đó, đường dẫn phía xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) dài hơn 274m, đường dẫn phía xã Nam Phong (TP Nam Định) dài khoảng 1,2km) cũng hết sức khẩn trương, cho thấy quyết tâm đẩy nhanh tiến độ của đơn vị thi công. Ông Phạm Công Chẩn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Xuân Trường, nhà thầu thi công cho biết: Ngay từ khi triển khai dự án, vấn đề khó khăn nhất với nhà thầu là thiếu mặt bằng thi công. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Cty đã phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý dự án tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công. Tuy mặt bằng được bàn giao “xôi đỗ” nhưng Cty đều huy động tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, toàn tuyến vẫn còn 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng nên Cty tiếp tục bám sát kết quả GPMB của các địa phương để tổ chức thi công ngay khi có mặt bằng, hoàn tất sớm công trình. Các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của công trình được đảm bảo theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Đoạn từ đầu tuyến đến 50m sau mố A14 của cầu được thi công theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 12m, bề rộng mặt đường 7m, gia cố lề mỗi bên 2m và lề đất 1m. Đoạn từ 50m sau mố A14 đến khu vực giao với đê hữu Hồng được thi công theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h với bề rộng nền đường 9m, mặt đường rộng 7m, lề gia cố mỗi bên 0,5m, còn lại lề đất rộng 1m.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 21 sẽ bảo đảm tính đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả khai thác của cầu Tân Phong. Hai công trình này sẽ nối liền đường vành đai 1 của Thành phố Nam Định, theo đúng quy hoạch GTVT của tỉnh, rút ngắn được 10km so với tuyến vành đai cũ; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại. Đồng thời, giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com