Các mô hình, đề án khuyến công phát huy hiệu quả năm 2015

08:01, 06/01/2016

Nhằm đổi mới để nâng cao hiệu quả thực tiễn của hoạt động khuyến công, năm 2015 nguồn kinh phí này được tập trung đầu tư cho xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN. Đã có 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 2 tỷ đồng, 4 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, chuyển giao công nghệ được hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 765 triệu đồng.

Sản xuất sản phẩm thuốc chống lao Ethambutol 400mg ở Cty CP Dược phẩm Minh Dân (KCN Hòa Xá).
Sản xuất sản phẩm thuốc chống lao Ethambutol 400mg ở Cty CP Dược phẩm Minh Dân (KCN Hòa Xá).

Để các chương trình, dự án khuyến công năm 2015 được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh thực sự hiệu quả, góp phần kích thích phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn, ngay từ đầu năm Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, Thành phố Nam Định nghiên cứu các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Sở Công thương đã giao Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện và Thành phố Nam Định rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức… UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ cho các chương trình, đề án khuyến công bảo đảm khích lệ doanh nghiệp nhiệt tình tham gia Đề án. Theo đó, UBND tỉnh quyết định nâng mức hỗ trợ tối đa từ 250 triệu đồng/mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất sản phẩm mới lên mức 400 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quyết định hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong tháng 12-2015, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ kinh phí 2 tỷ đồng cho 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới là: sản xuất thuốc viên nén Ethambuton 400mg của Cty CP Dược phẩm Minh Dân và sản xuất khung xe gắn máy hai bánh 50cc của Cty CP Liên doanh Việt Thái ở KCN Hòa Xá (TP Nam Định); sản xuất máy băm ngô của Cty TNHH Cơ khí Nhật Hoàng, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường); sản xuất lan can cầu đường bộ của Cty CP Cơ khí và xây lắp Tiến Đạt, CCN Đồng Côi (Nam Trực); kỹ thuật chế biến gạo của hộ ông Hoàng Văn Bốn, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Ngoài 5 mô hình trên, UBND tỉnh cũng đồng ý hỗ trợ từ 175-200 triệu đồng cho các đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất các lĩnh vực: may công nghiệp, chế biến gỗ, đúc phôi thép, sản xuất cơ khí của các Cty: TNHH Kim khí Anh Tú, CCN Đồng Côi và TNHH May Thuận Thành, xã Đồng Sơn của huyện Nam Trực; TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); hộ bà Phạm Thị Ngân, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Cty CP Dược phẩm Minh Dân đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tiêm và thuốc nhỏ mắt với công suất 3 triệu lọ và 560 nghìn ống mỗi năm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và hệ thống kho bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, bao bì đạt tiêu chuẩn GSP. Toàn bộ dây chuyền chính được nhập khẩu từ Ấn Độ gồm máy rửa lọ tự động kiểu hầm kín; hầm xây tiệt trùng và khử nội độc tố lọ ở nhiệt độ 350 độ C; máy đóng lọ bột kiểm Piston đảm bảo độ chính xác cao, máy đậy nút, máy xiết nhôm... tự động. Hệ thống thiết bị phụ trợ của Mỹ kết hợp với các thiết bị tiệt trùng không khí bằng Ozon, hệ thống lọc HEPA đảm bảo cho nhà xưởng vô trùng theo tiêu chuẩn. Khí thải được xử lý qua hệ thống lọc và tháp xử lý không khí nên kháng sinh không thải trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, hệ thống xử lý nước và hơi nước được sử dụng đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn cấp B khi thải ra môi trường. Năm 2015, Cty đã hoàn thành nhà máy số 2 với tổng mức đầu tư trên 20,2 tỷ đồng để sản xuất thành công sản phẩm thuốc viên nén Ethambutol 400mg dùng để điều trị bệnh lao với công suất 3 triệu viên/năm. Sản phẩm mới của Cty đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép cho sản xuất và lưu hành trên thị trường. Với 2 cơ sở sản xuất, doanh thu hằng năm của Cty đạt trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 125 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Qua một thời gian đầu tư nghiên cứu, Cty TNHH Cơ khí Nhật Hoàng đã chế tạo thành công máy băm cây ngô làm thức ăn cho bò sữa có nhiều ưu điểm so với máy nhập khẩu của nước ngoài như giá thành rẻ, độ bền cao, thuận tiện sửa chữa bảo trì. Máy được lắp mô tơ điện hoặc động cơ đi-ê-den, khung gầm được đặt trên 4 bánh lốp đặc/hơi, có thể kéo ra tận cánh đồng để băm trực tiếp cây ngô, cỏ voi và thổi vào thùng xe vận chuyển về nhà với công suất từ 4-7 tấn/giờ. Với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, mỗi năm Cty sản xuất được trên 40 chiếc máy băm cây ngô, ngoài ra còn nhiều loại máy móc khác như: máy đập lúa liên hoàn, máy trộn bê tông, máy trộn thức ăn gia súc, máy nghiền thức ăn chăn nuôi… Doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhiều Cty, hộ cá thể đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến như: Cty TNHH Kim khí Anh Tú và Cty TNHH May Thuận Thành được hỗ trợ với mức tối đa 200 triệu đồng cho các đề án: Ứng dụng máy phân tích thành phần kim loại, hợp kim trong đúc phôi thép (trị giá 750 triệu đồng) và máy may lập trình khổ 40-60 (trị giá 400 triệu đồng); Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU được hỗ trợ 190 triệu đồng cho đề án ứng dụng máy phay CNC 10 mũi trong sản xuất cơ khí; hộ bà Phạm Thị Ngân được hỗ trợ 175 triệu đồng cho đề án ứng dụng máy móc hiện đại trong chế biến gỗ… 

Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ đa dạng đã giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất có điều kiện đầu tư hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Ngoài tác dụng kích cầu, động viên các doanh nghiệp, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn là động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com