Đo kiểm môi trường lao động (MTLĐ) là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, môi trường làm việc có yếu tố độc hại, có nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ. Theo quy định của pháp luật, nơi làm việc có yếu tố độc hại phải kiểm tra đo lường MTLĐ ít nhất mỗi năm một lần để có biện pháp cải thiện MTLĐ, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện nghiêm quy định này, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và làng nghề.
Cán bộ Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) đo kiểm môi trường lao động tại Cty CP May Sông Hồng. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 cơ sở lao động, trong đó có 2.600 cơ sở sản xuất với 156 nghìn lao động. Qua các đợt kiểm tra của các ngành chức năng, các huyện, thành phố cho thấy, hiện nay ngoài các cơ sở y tế và các doanh nghiệp lớn có trên 200 lao động thực hiện nghiêm túc việc đo kiểm MTLĐ định kỳ hằng năm, còn lại hầu hết các doanh nghiệp, làng nghề chưa đo kiểm MTLĐ. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn xem nhẹ công tác đo kiểm MTLĐ nói riêng và vệ sinh lao động nói chung. Một số doanh nghiệp nhầm lẫn giữa đo kiểm MTLĐ (trong doanh nghiệp) với đánh giá tác động của hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với môi trường chung (ngoài đơn vị, doanh nghiệp) nên chỉ thực hiện đánh giá tác động môi trường chung. Thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ chưa biết quy định phải thực hiện đo kiểm MTLĐ định kỳ. Trong khi đó, ở các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất quy mô gia đình, làng nghề phần lớn đều sử dụng máy móc thô sơ, công nghệ lạc hậu và nhiều công đoạn sản xuất còn thủ công nên gây ra nhiều bụi, tiếng ồn, bức xạ nhiệt, xả thải nhiều hóa chất độc hại, khí độc, vi sinh vật gây hại… Năm 2012, toàn tỉnh có 87 đơn vị tiến hành đo kiểm MTLĐ, trong đó Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đo kiểm tra 45 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, tại các doanh nghiệp đều có yếu tố không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Trong đó, số doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn về ánh sáng chiếm 66%, không đạt tiêu chuẩn về tiếng ồn chiếm 57%, không đạt tiêu chuẩn về bụi 37%, vi khí hậu 20%, vi khuẩn vi sinh vật 15%... MTLĐ này đang từng ngày làm người lao động suy giảm sức khỏe, phát sinh bệnh tật. Tuy nhiên, thực tế tại các doanh nghiệp, người lao động còn chủ quan, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe bản thân. Nhiều lao động làm việc trong môi trường có nhiều bụi như ở các cơ sở may, xưởng sản xuất đồ mộc nhưng không đeo khẩu trang vì cho rằng vướng víu, khó chịu; thợ cơ khí không sử dụng bảo hộ lao động cá nhân… Trên cơ sở kết quả đo kiểm MTLĐ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và ứng dụng khoa học công nghệ bảo hộ lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, MTLĐ. Bác sỹ Trần Thị Thiện, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Các yếu tố độc hại như bụi, tiếng ồn, bức xạ nhiệt, khí độc… vượt quá mức cho phép không gây chết người ngay nhưng tác động lâu dài, ảnh hưởng xấu tới sinh lý, sức khỏe, thần kinh, tâm lý của người lao động…
Để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định đo kiểm MTLĐ định kỳ mỗi năm một lần, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền cho doanh nghiệp, người lao động về các yếu tố độc hại, nguy cơ từ MTLĐ, bệnh nghề nghiệp và công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đo kiểm MTLĐ. Ngành Y tế cần kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác y tế lao động và đầu tư trang thiết bị chuyên dụng cho trung tâm y tế tuyến huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đo kiểm MTLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn./.
Minh Tân