Thực hiện các biện pháp xử lý rác thải hiệu quả

09:03, 19/03/2013

Với mức chi 1% tổng chi ngân sách hằng năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) theo Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị, từ năm 2007 đến năm 2012 tỉnh đã hỗ trợ hơn 136 tỷ 311 triệu đồng cho 111 xã, thị trấn xây dựng 116 công trình bãi chôn lấp, xử lý rác thải. Trong đó có 50 công trình bãi chôn lấp, xử lý rác thải được xây dựng theo tiêu chí hợp vệ sinh đã xây dựng xong và đưa vào vận hành; 45 công trình đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện các hạng mục; 20 công trình chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục dự án, tìm vị trí phù hợp để xây dựng. Các bãi chôn lấp, xử lý rác thải ở các huyện, thành phố đã góp phần xử lý rác thải, hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Qua các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, đã nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVMT. Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng và vận hành các bãi chôn lấp, xử lý rác thải cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương chưa quan tâm đến các thủ tục về đất đai khi xây dựng công trình (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất…); một số nơi còn chưa phát huy vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư; kinh phí đối ứng của một số xã còn khó khăn làm chậm tiến độ xây dựng dự án hoặc chưa được xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình. Việc quản lý, vận hành bãi chôn lấp, xử lý rác tại các địa phương còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, phương tiện thu gom chưa đáp ứng, mức thu phí còn thấp nên hoạt động của các tổ thu gom rác chưa hiệu quả. Tại một số công trình, tình trạng nhanh xuống cấp, hư hỏng, mất thiết bị vẫn xảy ra. Việc thực hiện các biện pháp xử lý môi trường tại các bãi chôn lấp, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế, nhiều nơi chưa đảm bảo đầy đủ các yêu cầu theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Hầu hết các xã, thị trấn chưa thực hiện phân loại rác thải khi thu gom, chưa chôn lấp riêng rác thải vô cơ và hữu cơ; không đổ rác theo hình thức cuốn chiếu, tiến hành đầm nén và phủ đất; không thực hiện hoặc chưa thực hiện phun chế phẩm vi sinh thường xuyên; hệ thống xử lý nước rác hoạt động chưa hiệu quả…

Thu gom rác thải ở khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Trực.
Thu gom rác thải ở khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Trực.

Trước thực trạng này, Sở TN và MT đã tiến hành khảo sát toàn bộ số bãi rác đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh để nắm bắt thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị đưa vào áp dụng thử nghiệm các công nghệ xử lý rác thải cho hiệu quả tích cực. Việc quy hoạch, giảm bớt số bãi rác trên địa bàn tỉnh theo hướng xây dựng các bãi chôn lấp rác thải có quy mô liên xã, liên vùng được lựa chọn là một hướng giải quyết, khắc phục dần những hạn chế hiện tại. Căn cứ trên dự báo tổng lượng chất thải rắn toàn tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất và được chấp thuận định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn khả thi. Theo đó, tỉnh ta sẽ đầu tư 1.905 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, quỹ môi trường, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp lệ khác để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực cho công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn. Đối với rác thải sinh hoạt, tại các xã có điều kiện giao thông thuận lợi, mỗi thôn lớn hoặc 2 đến 3 thôn nhỏ xây dựng một trạm tập kết rác để vận chuyển đến khu xử lý của huyện; tại những xã chưa có điều kiện thu gom tập trung sẽ xây dựng các trạm xử lý nhỏ ở quy mô xã, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Đối với chất thải rắn công nghiệp, sẽ tiến hành thu gom, vận chuyển theo hai phương thức: thu gom sơ cấp và thu gom thứ cấp. Theo đó, trước tiên các cơ sở công nghiệp phải tự chịu trách nhiệm việc thu gom, phân loại và vận chuyển các loại chất thải rắn, hoặc thuê khoán các cơ sở tư nhân dưới sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Việc thu gom thứ cấp do các đơn vị chuyên trách đảm nhiệm và các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiệm vụ ký hợp đồng với các đơn vị này. Việc xử lý chất thải rắn dự kiến sẽ được thực hiện bằng cách phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý, bao gồm công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh chất thải vô cơ, công nghệ ủ sinh học, công nghệ tái chế, công nghệ đốt. Trong đó, tại các khu xử lý chất thải rắn sẽ áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với các loại chất thải rắn sinh hoạt không nguy hại và các thành phần bị loại bỏ từ các công nghệ xử lý khác như tái chế, ủ sinh học, đốt... Tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng huyện và liên huyện sẽ được đầu tư và áp dụng công nghệ ủ sinh học để xử lý các thành phần hữu cơ trong chất thải rắn. Sau năm 2015, sẽ đưa vào đầu tư công nghệ tái chế tại tất cả các khu xử lý chất thải rắn của tỉnh. Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo 3 cấp độ xử lý: vùng tỉnh; vùng huyện, liên huyện và bãi chôn lấp chất thải rắn. Đối với khu xử lý vùng tỉnh sẽ đầu tư 3 khu xử lý để xử lý chất thải rắn công nghiệp tại xã Quang Trung (Vụ Bản) với diện tích 30ha, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) với diện tích 17ha và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) với diện tích 15ha. Đầu tư 10 khu xử lý vùng huyện, liên huyện để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và y tế. Trong đó tại vùng mở rộng của Thành phố Nam Định sẽ xây dựng 3 khu ở Lộc Hoà 35,5ha, Nam Toàn 20ha, Mỹ Thắng 12ha. Tại huyện Nam Trực sẽ xây dựng 1 khu ở xã Nam Dương với diện tích 9ha. Tại huyện Ý Yên xây dựng 1 khu ở xã Yên Ninh với diện tích 10ha. Tại huyện Trực Ninh xây dựng 1 khu ở xã Trung Đông với diện tích 9ha. Tại huyện Hải Hậu xây dựng 1 khu ở xã Hải Sơn với diện tích 8ha. Tại huyện Giao Thuỷ xây dựng 1 khu ở xã Giao Châu với diện tích 10ha. Tại huyện Nghĩa Hưng xây dựng 2 khu ở xã Nghĩa Hải với diện tích 5ha và xã Nghĩa Thái với diện tích 5ha. Bên cạnh quy hoạch dài hơi, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình xử lý rác thải quy mô nhỏ, tổng vốn đầu tư thấp nhưng hứa hẹn cho kết quả xử lý rác thải khả thi. Tiêu biểu như: mô hình trạm xử lý rác thải theo phương thức đốt rác tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), hiện mới đầu tư một dây chuyền đốt rác công suất 5 tấn/ngày; có khả năng xử lý rác liên vùng cho khoảng 2 đến 3 xã; kinh phí đầu tư chỉ 2-3 tỷ đồng đã hoàn thiện cả hệ thống nhà xưởng. Từ năm 2012 đến nay, tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Cty TNHH Tân Thiên Phú đã đưa vào sản xuất thành công máy phân loại và nghiền rác thải, chế biến thành phân hữu cơ; rất phù hợp với tiêu chí xử lý tối đa lượng rác theo hướng tái sử dụng nguồn rác thải, BVMT. Về lâu dài nếu có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm phân hữu cơ thì mô hình đưa máy phân loại và nghiền rác thải vào sử dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh có tính khả thi cao và cho hiệu quả BVMT bền vững.

Với kế hoạch thực hiện đồng bộ này, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, trong đó 90% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc phân hữu cơ; 100% chất thải công nghiệp; 100% lượng chất thải rắn y tế; 90% chất thải rắn xây dựng, trong đó có 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế; 90% chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% chất thải rắn phát sinh tại các làng nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com