Dạy nghề cho lao động nông thôn: Làm sao tránh “phong trào”?

08:02, 08/02/2012

Sau hai năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã có gần 800.000 người được học nghề, hơn 70% có việc làm ngay và gần 1/2 số người chọn học nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác dạy nghề vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học…

Thành công bước đầu

Sau 2 năm thực hiện đề án dạy nghề cho LĐNT (Đề án 1956) đã có 798.240 nông dân được học nghề, trong đó có 46% nông dân học các nghề nông nghiệp, 54% học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề ở 54 tỉnh, thành phố đạt trên 70%, đồng thời các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức thí điểm mô hình dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho LĐNT, xây dựng được một số mô hình tiên tiến. Đặc biệt, đề án đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp ngành dệt may. Trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu hụt lao động nghiêm trọng, suy thoái kinh tế thì những cơ chế của đề án đã giúp doanh nghiệp thu hút lao động, đồng thời tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật của LĐNT đã được nâng cao.

Theo đồng chí Cao Đức Phát - Bộ trưởng NN và PTNT, thực hiện Đề án 1956, Bộ đã thí điểm cấp thẻ học nghề cho nông dân tại 2 tỉnh Thanh Hoá và Bến Tre. Đến hết năm 2011, tỉnh Bến Tre đã cấp được 4.689 thẻ học nghề và có 3.554 học viên sử dụng thẻ để học các nghề trồng và chăm sóc dừa, ca cao, nhãn, lúa, bưởi, kỹ thuật trồng bon sai, thuyền trưởng tàu cá, máy trưởng tàu cá hạng 4,5. Số lao động có việc làm sau đào tạo đạt 70%, có những lớp đạt đến 90%. Còn tại Thanh Hoá đã cấp gần 2.000 thẻ học nghề cho nông dân và có đến 90% lao động có việc làm, chủ yếu làm nghề trồng mía, rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Theo đại diện tỉnh Nam Định, từ lớp học trồng 6 loại nấm đặc sản của Trung tâm Dạy nghề huyện Nghĩa Hưng, bà con nông dân đã tổ chức được tổ sản xuất nấm với những gia trại được đầu tư cả tỷ đồng. Quy trình trồng nấm được khép kín như: Hàng trăm ngàn tấn rơm rạ trước đây thường bị đốt, gây ô nhiễm không khí thì hiện được sử dụng làm giá thể nuôi nấm; bã nuôi nấm sau đó lại được tái chế làm phân bón… Sau nhiều thăng trầm, hiện nay người học nghề trồng nấm có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, nhiều người đạt hàng chục triệu đồng/tháng.

Lớp dạy nghề dát đồng mỹ nghệ cho lao động nữ ở xã Yên Phong (Ý Yên) theo Đề án 1956 do Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tổ chức. Ảnh: VÂN ANH
Lớp dạy nghề dát đồng mỹ nghệ cho lao động nữ ở xã Yên Phong (Ý Yên) theo Đề án 1956 do Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Nam Định tổ chức. Ảnh: Vân Anh

Đồng chí Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH cho biết: Năm 2011, Bộ đã tập trung thực hiện 4 mô hình: dạy nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp dịch vụ, đánh bắt xa bờ. Sau đào tạo nghề nông nghiệp, nông dân đã tăng được năng suất lao động, thu nhập và giảm chi phí. Chẳng hạn nghề trồng thuốc lá tại Cao Bằng, Tây Ninh, Gia Lai sau học nghề, sản lượng sản xuất tăng từ 15-20%, thu nhập của lao động tăng 1,5 lần; nghề trồng sắn ở Quảng Trị năng suất đạt 17-18 tấn/ha, tăng gấp rưỡi so với trước kia. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: “Các mô hình này đều có sự tham gia của doanh nghiệp, hình thành sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân; nông dân có đất sản xuất, doanh nghiệp hướng dẫn thực hiện, bao tiêu sản phẩm, từng bước hình thành lớp công nhân nông nghiệp”.

Cần khắc phục yếu kém

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Ngọc Phi, với nghề nông nghiệp, một số địa phương làm điểm chọn nội dung rộng, chưa đi sát vào các loại cây, con chủ lực, chưa bám vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Việc dạy nghề nối với sản xuất, thị trường nhiều nơi làm không tốt, có nơi còn bỏ trắng nên rất cần có sự tham gia của ngành Công thương vào công tác này.

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề cho LĐNT mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương còn có những hạn chế. Vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho LĐNT chỉ đạt 87%. Đặc biệt vẫn còn 9 tỉnh, thành không đạt mục tiêu tỷ lệ LĐNT học nghề có việc làm theo mục tiêu đề án.

Đồng chí Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ TT và TT cho biết: Năm 2010-2011, hệ thống báo chí từ truyền hình, báo viết, phát thanh đã vào cuộc hiệu quả. Với các đài truyền hình, điểm nhấn nổi bật là đã xây dựng được các chương trình hướng dẫn, dạy nghề qua truyền hình, website. Tuy nhiên, hạn chế của truyền thông là chưa tuyên truyền được liên tục và tuyên truyền còn chung chung, chưa sâu rộng.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 4 điểm yếu của công tác dạy nghề là: Yếu về xây dựng và thông qua đề án ở địa phương (hiện còn 1 tỉnh chưa thực hiện); yếu về hoàn thiện biên chế dạy nghề cấp huyện (70% số huyện chưa có biên chế chuyên trách về dạy nghề nên việc triển khai còn bất cập), yếu về ban chỉ đạo cấp huyện; yếu về quy hoạch nhân lực. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác dạy nghề, trong đó có dạy nghề cho nông dân, Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh xây dựng quy hoạch nhân lực gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội ở địa phương. Thế nhưng, hiện vẫn còn đến 9 tỉnh chưa có quy hoạch nhân lực. Nếu chưa có quy hoạch thì bài toán về dạy nghề vẫn còn là ẩn số và sẽ khó thực hiện được./.

Theo: Bảo hiểm xã hội
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com