Xây dựng cánh đồng mẫu lớn - Ghi nhận bước đầu (tiếp theo)

08:02, 27/02/2012

II - Kết quả và vấn đề đặt ra

Chỉ trong thời gian gần 20 ngày, đúng trong dịp Tết Nguyên đán và giống lúa gieo cấy trong vụ xuân đã được các gia đình chuẩn bị xong với nhiều khó khăn, nhưng do chủ trương hợp lòng dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng vào cuộc nên tỉnh ta đã chỉ đạo xây dựng 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở 7 huyện với tổng diện tích gần 550ha theo 8 tiêu chí do Bộ NN và PTNT đề ra, gấp trên 5 lần về diện tích so với chỉ tiêu được giao trong vụ xuân năm 2012 với sự tự nguyện tham gia của các hộ nông dân.

Gieo sạ hàng ở cánh đồng mẫu lớn HTX Nam Mỹ (Nam Trực).  Bài và ảnh: Tất Thắc
Gieo sạ hàng ở cánh đồng mẫu lớn HTX Nam Mỹ (Nam Trực).

Các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ta đều đạt trên 30ha trở lên, có hệ thống giao thông thủy lợi thuận lợi cho sản xuất và áp dụng cơ giới hóa. Nhiều cánh đồng mẫu lớn có tổng diện tích lên tới 60-100ha như cánh đồng của HTX Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), cánh đồng liền vùng của 2 HTX: Toàn Thắng và Liêm Tiến xã Hải Toàn (Hải Hậu). Hầu hết cánh đồng mẫu lớn đang xây dựng đều áp dụng gieo cấy đồng trà với 1 đến 2 loại giống đúng theo quy định. Nhiều cánh đồng mẫu lớn chỉ gieo cấy 1 giống duy nhất như của HTX Tử Mạc, xã Yên Trung (Ý Yên), HTX Nam Mỹ, HTX Nam Thịnh (Nam Trực), HTX Hùng Tiến (Giao Thủy), HTX Toàn Thắng, HTX Liêm Tiến (Hải Hậu)… và cơ bản cánh đồng mẫu lớn của tỉnh đều chọn giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 để gieo cấy vì giống này cho lúa thương phẩm ngon, giá gấp 1,7 đến gần gấp đôi giá thóc tẻ thường, đặc biệt tiêu thụ tốt không những trong tỉnh mà các tỉnh, thành phố trong cả nước đều ưa chuộng. Chủ yếu các cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ta đang xây dựng đều chọn phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống, vì đây là một tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, không những giảm 60% công lao động nặng nhọc, năng suất tăng 10-15%, rút ngắn thời gian sinh trưởng 7-10 ngày, tiết kiệm giống, tiết kiệm phân bón mà hiệu quả kinh doanh cao 15-20%... so với cấy truyền thống. Các cánh đồng mẫu lớn của Nam Mỹ, Xuân Kiên… còn dùng công cụ sạ hàng rộng, sạ hàng hẹp gieo sạ theo phương pháp hàng rộng, hàng hẹp hạn chế được sâu bệnh, lúa cứng cây chống đổ tốt và năng suất cao hơn sạ hàng thông thường 5-6%. Để thống nhất cùng phương pháp thâm canh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tập huấn đến từng hộ xã viên từ khâu chuẩn bị ruộng, thời vụ, giống, ngâm ủ hạt giống, lượng giống, kỹ thuật gieo sạ, loại phân, lượng phân, cách bón và thời gian bón, chế độ nước, dặm tỉa, phòng trừ sâu bệnh… Phát sổ và hướng dẫn nông dân ghi chép những thông tin cơ bản trong quá trình sản xuất. Đặc biệt áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại lúa theo IPM với các chế phẩm sinh học và chỉ dùng thuốc hóa học trong danh mục khi thật cần thiết được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang cũng như phương pháp, cách thức bón phân cân đối NPK, đúng thời điểm… tạo cây lúa khỏe, cứng cây, tăng sức đề kháng chống chịu cả với thời tiết và khí hậu của Cty CP Phân bón Bình Điền. Đảm bảo vừa giảm chi phí sản xuất vừa tăng năng suất, hiệu quả cao mà tránh được ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, đồng thời an toàn với người sản xuất. Với sự vào cuộc của Cty CP Phân bón Bình Điền, người nông dân tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ta có dùng phân bón Đầu Trâu của Cty được Cty hỗ trợ 3kg đạm vàng Đầu Trâu 46A+ cho mỗi sào ruộng trong mô hình. Cty còn cung ứng phân NPK của Cty với giá gốc, giao hàng tại kho HTXNN cho các hộ nông dân mua phân chậm trả đến cuối vụ nhưng không tính lãi… Đây là biện pháp kéo các doanh nghiệp vào cuộc để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đồng thời doanh nghiệp giới thiệu được sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, nhưng nông dân ở nhiều địa phương chưa biết đến. Nói như bác Bùi Văn Nga ở xóm 8, xã Hải Toàn (Hải Hậu) hiện đang tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì: "Gia đình tôi sử dụng NPK Đầu Trâu cách đây 3-4 năm. Tuy giá có cao hơn các loại phân khác chút ít, nhưng "đắt xắt ra miếng" tính ra rẻ hơn các loại phân NPK khác vì cho năng suất cao, hiệu quả vượt trội. Khi đã dùng một lần rồi thì không bỏ được…". Các doanh nghiệp chân chính vào cuộc, gắn bó và chia sẻ lợi ích với nông dân, đưa các sản phẩm chất lượng cao uy tín là một giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất… góp phần làm trong sạch thị trường. Chính các doanh nghiệp vào cuộc, các nhà khoa học vào cuộc đưa các tiến bộ kỹ thuật mới đến với nông dân và phát hiện ra những khiếm khuyết, sự chưa hoàn hảo hoặc chưa phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng địa phương để hoàn chỉnh quy trình, quy phạm, nông dân dễ áp dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy mới nhưng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ta đã thấy rõ tính ưu việt của nó. Đồng chí Đỗ Hải Điền, Trưởng phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT) cho biết: "Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ta cái được rất rõ, nhưng cái được lớn nhất mà nhiều người chưa nhận ra đó là tạo ra tập quán canh tác mới và mối quan hệ sản xuất giữa nông dân với nhau, với các "nhà" gắn bó hơn, vì nhau hơn…". Tập quán canh tác mới ngoài theo quy trình thống nhất tập huấn của ngành NN và PTNT mà từng bước tạo ra "hai không" (không lom khom cấy, không lom khom gặt) đưa cơ giới vào đồng ruộng tiến tới thực hiện "ba không" với phương pháp sấy khô ngay sau thu hoạch bảo đảm chất lượng, phẩm cấp lương thực… để nông dân không phải phơi thóc, nhất là nạn phơi thóc lấn chiếm quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… vừa cản trở giao thông, vừa là nguyên nhân gây tăng tai nạn giao thông khi vào mùa thu hoạch. Đặc biệt quan hệ giữa người nông dân với nhau đoàn kết gắn bó hơn, vì nhau hơn. Thực chất trong những năm vừa qua, từng hộ nông dân tự chủ trên thửa ruộng của mình nên giống lúa gieo cấy trên cùng một cánh đồng sôi đỗ, người gieo sạ, người cấy mạ nền cứng, người cấy mạ dầy xúc… Khó quản lý dịch hại, sâu bệnh; đấy là chưa kể người không thiết tha với đồng ruộng "cấy chay, bừa chùi", hoặc cấy để giữ ruộng, không quan tâm đến sâu bệnh… sự liên kết trở lên lỏng lẻo, không "mình vì mọi người". Bây giờ đồng trà, đồng giống, cùng phương thức canh tác… quan hệ sản xuất được cải thiện, hiệu lực chỉ đạo, quản lý của HTXNN, đội sản xuất và của chính quyền cao hơn, chặt chẽ hơn. Những vụ thu hoạch trước, khi máy gặt đập liên hợp vào vừa giải phóng sức lao động nặng nhọc, vừa thu hoạch nhanh, công thuê rẻ, tỷ lệ hao hụt thấp… nhiều hộ muốn thuê máy gặt song máy không vào được vì các ruộng xung quanh chưa chín(?)(!).

Nguyên nhân tỉnh ta triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhanh, vượt kế hoạch Bộ NN và PTNT giao chắc sẽ được ngành NN và PTNT, các địa phương rút ra khi sơ kết, tổng kết. Theo đồng chí Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ (Nam Trực) thì: "Chính sách dồn điền đổi thửa, làm thủy lợi nạo vét kênh mương kết hợp với làm giao thông nội đồng, khuyến khích gieo sạ hàng của tỉnh, của ngành NN và PTNT đã tạo ra các vùng sản xuất thuận tiện tưới tiêu, thuận tiện đưa cơ giới vào đồng ruộng… Ở Nam Mỹ chúng tôi, nhiều năm nay cơ bản gieo cấy một giống chính Bắc thơm số 7 mang lại hiệu quả kinh tế cao". Không chỉ có Nam Mỹ mà giống lúa Bắc thơm số 7 đã được các địa phương đưa vào cấy với tỷ lệ cao (trừ các vùng chua, mặn ven biển), thậm chí có địa phương gieo cấy chiếm 80-90% diện tích cấy lúa như ở Giao Tiến (Giao Thủy), Hải Toàn (Hải Hậu)… Thực tế do cách hướng dẫn bón phân cân đối, bón lót sâu, tăng lượng lân, ka ly, giảm và không lợi dụng phân đạm đã hạn chế được nhiều sâu bệnh trên cây lúa Bắc thơm số 7, bảo đảm hiệu quả cao, khá bền vững trong sản xuất lúa trong nhiều năm qua.

Kết quả xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở tỉnh ta bước đầu đã được ghi nhận, song trong quá trình xây dựng do triển khai gấp nên còn khiếm khuyết như vẫn còn có mô hình dùng phương pháp gieo mạ để cấy mà chưa triệt để áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ hàng, gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp để tăng năng suất, giảm chi phí và giá thành, đạt hiệu quả kinh tế cao. Còn có mô hình sử dụng không đồng nhất một loại giống lúa hoặc giống lúa do từng hộ tự để giống chất lượng không đồng nhất, bị lẫn tạp… Thời gian từ nay đến khi thu hoạch còn khá dài nên việc tuân thủ các biện pháp thâm canh, các quy trình kỹ thuật của các hộ tham gia chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần được các nhà chuyên môn lưu tâm hướng dẫn, kiểm tra sát sao; các xã, thôn, đội nêu cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện bón phân theo bảng màu, áp dụng biện pháp quản lý nước: tưới ngập, khô xen kẽ. Cán bộ kỹ thuật của ngành NN và PTNT của địa phương (kể cả lực lượng tăng cường) và các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình đã được thống nhất trên nền tảng VietGap; hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay theo dõi tình hình sản xuất, hạch toán sản xuất để thấy hiệu quả. Định kỳ thăm đồng và tập huấn kỹ thuật cho nông dân theo quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, theo diễn biến dịch hại trên đồng ruộng… bảo đảm an toàn sản xuất. Phấn đấu 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên xây dựng trong vụ xuân thực sự thắng lợi, hiệu quả cao để tiếp tục nhân rộng trong vụ mùa năm 2012./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com