Tăng viện phí phải đi đôi với tăng chất lượng khám, chữa bệnh

08:02, 20/02/2012

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với Đề án Tăng giá viện phí do Bộ Y tế chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm là tăng viện phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không việc này sẽ có tác dụng ngược lại với mục đích tốt đẹp của ngành y.

Cần thiết phải tăng viện phí

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 14 từ năm 1995 (đến nay đã gần 17 năm), khoảng 2.700 dịch vụ ban hành theo Thông tư 03 từ năm 2006 (đến nay cũng đã 6 năm), nhưng đều chưa được điều chỉnh. Nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30% đến 50% chi phí trực tiếp theo thời giá năm 1995, trong khi các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm hoạt động của bệnh viện từ năm 1995 và 2006 đến nay đã tăng nhiều lần. Giá của hầu hết các loại thuốc, vật tư, hóa chất đều tăng so với năm 1995 khoảng 4 đến 5 lần. Tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần (từ 120.000 đồng lên 830.000 đồng), mức đóng BHYT cũng tăng (trước đây chiếm 3% lương, nay là 4,5% lương). Hơn nữa, hiện nay đã có hơn 60% dân số có thẻ BHYT, nếu không điều chỉnh giá viện phí thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT.

Tăng viện phí đi đôi với triển khai đồng bộ và quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.
Tăng viện phí đi đôi với triển khai đồng bộ và quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.

Đồng chí Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế lại cho rằng: Khi viện phí tăng, chính những người không có thẻ BHYT sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất, bởi họ sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí lúc cần khám chữa bệnh. Việc trả viện phí là cả vấn đề nếu không có thẻ BHYT. Điều này sẽ khuyến khích người dân tham gia mua BHYT. Theo lộ trình trước đây của BHXH Việt Nam, đến năm 2014 toàn dân sẽ tham gia BHYT. Song, căn cứ vào tình hình thực tế, BHXH Việt Nam chỉ kỳ vọng con số tham gia BHYT trên cả nước là 75% vào năm 2015. Điểm khó khăn nhất khi triển khai BHYT toàn dân là người dân không mặn mà với BHYT. Mặc dù Bộ Y tế luôn khẳng định quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT đã được nới rộng rất nhiều so với trước đây, nhưng trên thực tế, danh mục thuốc thanh toán của BHYT còn bị hạn chế, trần thanh toán bị khống chế ở mức thấp (tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu), người bệnh phải chờ đợi lâu, thủ tục rườm rà...

Hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho người nghèo

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, đại diện BHXH Việt Nam cho biết: Việc tăng viện phí sẽ tác động mạnh đến nhóm bệnh nhân chưa có BHYT và người nghèo. Để giảm bớt gánh nặng viện phí cho những đối tượng này, đồng chí Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam), cho hay, dự kiến trong trường hợp mức chi trả quá 6 tháng lương cơ bản, những đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ từ quỹ khám, chữa bệnh dành cho người nghèo. Dự thảo chính sách viện phí mới quy định trường hợp hai bệnh nhân nằm ghép một giường thì mỗi người chỉ trả 50% tiền giường bệnh; ghép 3 người chỉ trả 30%, và chưa tính tới trường hợp ghép 4 vì sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng này. Với bệnh nhân phải nằm điều trị ở hành lang, cơ quan bảo hiểm đang cân nhắc và có thể sẽ không tính tiền giường.

Vẫn theo đồng chí Sơn, với khung giá mới, quỹ BHYT thanh toán sẽ sát với chi phí thực nên người có thẻ BHYT sẽ không phải trả thêm các chi phí do bệnh viện thu thêm với lý do “bù lỗ”. BHXH sẽ tăng cường giám sát, trong trường hợp phát hiện bệnh viện thu thêm sẽ bị từ chối thanh toán toàn bộ chi phí, thậm chí ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách viện phí mới, chắc chắn sẽ tác động đến sự cân đối quỹ BHYT (dự tính quỹ sẽ phải tăng chi thêm khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng/năm). Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh giá viện phí mới, BHXH Việt Nam cũng sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng. Bên cạnh đó, giá viện phí này được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các bệnh viện đa khoa chuyên đầu ngành ở Trung ương. Đặc biệt, sẽ không có những dịch vụ tăng vô lý và tăng hàng chục lần như trước đây. Bởi theo danh mục này, rất ít dịch vụ được quy định từ tối thiểu đến tối đa mà được tính toán theo một mức giá. Tăng viện phí là cần thiết, nhưng phải có biện pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.

Một vấn đề được người dân rất quan tâm là viện phí tăng thì chất lượng các dịch vụ y tế, chất lượng khám, chữa bệnh liệu có tăng? Khi Bộ Y tế chưa xây dựng được tiêu chí điều trị tốt thì khó đánh giá đúng chất lượng điều trị. Vì vậy, ngành cũng như các bệnh viện phải triển khai đồng bộ và quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh. Khi giá viện phí được điều chỉnh tăng theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí, thì nguồn kinh phí nhà nước cấp cho ngành y tế cần chuyển sang cho người bệnh thông qua các chính sách hỗ trợ (mua thẻ BHYT, thành lập các quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh...)./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com