Ghi nhận qua phiên giao dịch việc làm đầu xuân

09:02, 22/02/2012

Ngày 10-2-2012, phiên giao dịch việc làm lần thứ 24 được tổ chức tại Sàn giao dịch việc làm thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Để chuẩn bị cho phiên giao dịch này, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; căng treo nhiều băng rôn ở các khu vực công cộng đông người qua lại, tổ chức in và phát tờ rơi quảng cáo rộng rãi. Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tung ra khá nhiều “chiêu” để giữ chân lao động cũ và tuyển thêm lao động mới. Cty TNHH May Youngone Nam Định căng băng rôn lớn ngay tại khu vực ga Nam Định với thông tin “tuyển 4.500 công nhân với những ưu đãi đặc biệt, thưởng 2 triệu đồng cho lao động mới vào từ ngày 1-1-2012 đến 15-2-2012, hỗ trợ nhà trọ cho lao động xa”. Nhiều doanh nghiệp còn hứa thưởng cho công nhân đang làm việc nếu giới thiệu được lao động mới cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ nhà trọ cho người lao động (NLĐ) bằng tiền hoặc bằng ký túc xá để thu hút công nhân.

Lao động đến đăng ký tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm phiên 24 (10-2-2012).
Lao động đến đăng ký tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm phiên 24 (10-2-2012).

Đến sát ngày mở phiên giao dịch, có 20 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động trực tiếp tại sàn, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Cty Honda Việt Nam tuyển lao động cho nhà máy đang xây dựng tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) sẽ đi vào sản xuất trong năm 2012; Tập đoàn tài chính Cathay… Tổng số lao động cần tuyển theo đăng ký của các doanh nghiệp là 2.019 người. Khác với phán đoán của các doanh nghiệp là phiên giao dịch này sẽ đông, nhất là doanh nghiệp dệt may đang “khát” lao động, tại phiên giao dịch chỉ có 16 doanh nghiệp đến tuyển và 250 lao động đến giao dịch; có 229 người tham gia phỏng vấn và có 136 người được tuyển dụng tại sàn; 13 người đăng ký tìm việc làm ngoài nước. Trong đó các doanh nghiệp dệt may khó tuyển lao động nhất. Như vậy so với số lượng đăng ký, số người đến giao dịch cũng như tìm được việc làm là quá ít. Trong khi NLĐ đến sàn không mất bất cứ chi phí dịch vụ nào, lại có nhiều cơ hội tham khảo ở nhiều doanh nghiệp khác nhau nhưng số lao động đến sàn tìm việc vẫn chưa nhiều. Các doanh nghiệp đều cử cán bộ nhân sự để giao dịch với NLĐ tại sàn, thông tin về doanh nghiệp đều được thẩm định khi đăng ký với Trung tâm.

Việc ít người tìm đến sàn giao dịch việc làm là vấn đề cần quan tâm tìm nguyên nhân để khắc phục. Anh Chu Mạnh Tuấn, cán bộ nhân sự của Cty TNHH May Garnet Nam Định cho biết: Đây là lần thứ 3 Cty tham gia tuyển dụng lao động tại sàn. Theo anh, công tác quảng bá về phiên giao dịch việc làm vẫn còn hạn chế, bởi Trung tâm chú trọng quảng cáo trên trang web nhưng tính phổ quát của hình thức quảng bá này với công chúng hiện chưa cao. Về tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp may hiện nay, có nhiều nguyên nhân cả về phía doanh nghiệp và NLĐ. Với chủ trương kích cầu phát triển công nghiệp nông thôn, nhiều doanh nghiệp may đầu tư mở nhà máy tại các huyện nên thu hút luôn số lao động tại chỗ. Những doanh nghiệp đóng tại thành phố phải có sức hút ưu đãi hơn hẳn như chế độ lương, thưởng, cơ hội thăng tiến hay các chế độ phúc lợi xã hội khác thì mới tuyển được lao động ở các địa phương. Trong khi với các doanh nghiệp ngành may thì để đáp ứng các yêu cầu này là không đơn giản. Mặt bằng lương cơ bản của các doanh nghiệp may ở thành phố và nông thôn chênh lệch không đáng kể. Hay những quy định khá đơn giản trong việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng là một nguyên nhân khiến NLĐ “nhảy việc”. Nhiều doanh nghiệp do nhu cầu bức bách về lao động luôn sẵn sàng nhận lại các công nhân đã “nhảy việc” trước đó, đối xử bình đẳng, không gây áp lực tâm lý để thu hút lao động. Tuy nhiên điều này lại vô tình tạo thói quen tâm lý thiếu trách nhiệm gắn bó với doanh nghiệp cho NLĐ, nhất là lao động trẻ vì tâm lý chỉ quan tâm mức lương được hưởng tức thời chứ không quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội như chế độ bảo hiểm, môi trường lao động… Rõ ràng việc giáo dục, hướng nghiệp cho lao động trẻ trước khi bước vào thị trường lao động đang còn hạn chế, các trường phổ thông và các trường dạy nghề cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề này để góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động phục vụ phát triển sản xuất./.  

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com