Chỉ trong thời gian rất ngắn, tỉnh ta đã xây dựng được 12 mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp, gấp 5,44 lần diện tích so với kế hoạch Bộ NN và PTNT giao cho trong vụ xuân năm 2012, đã mở ra hướng đi mới, quan hệ mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
I - Triển khai nhanh, đồng bộ
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT về xây dựng cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, đồng chí cho biết: “Hiệu quả kinh tế của cánh đồng mẫu lớn đã được khẳng định ở đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh. Ngay trong vụ xuân năm 2012, tỉnh ta là 1 trong 4 tỉnh, thành phố của miền Bắc được Bộ NN và PTNT chọn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn làm cơ sở nhân rộng ra cả nước. Đây là thời cơ thuận lợi để nền nông nghiệp Nam Định khẳng định trình độ thâm canh tăng năng suất và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới vào nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hoá...”.
Bón lót phân NPK Bình Điền tại cánh đồng mẫu lớn rộng 61ha xã Hải Toàn (Hải Hậu). |
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là sự tổng kết từ thực tiễn đang được coi là một định hướng quan trọng trong sản xuất lúa gạo nói riêng và trong trồng trọt nói chung được Bộ NN và PTNT phát động xây dựng trong thời gian tới. Vụ hè thu năm 2011 có 12 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 7.803ha lúa của 6.400 hộ nông dân tham gia. Kết quả khẳng định, thực hiện theo mô hình đã giảm giá thành sản xuất, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng lợi nhuận cho nông dân và xuất hiện những mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân. Tỉnh Long An với 450ha, đại diện cho 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ hè thu năm 2011 đạt tổng lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha, tăng so với đại trà 2,5-3 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất 1kg lúa 2.860 đồng, giảm trên 200 đồng so với ngoài mô hình; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với bình quân chung 2,2-2,6 lần. Tỉnh Tây Ninh (Đông Nam Bộ) vụ hè thu năm 2011 thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 916ha, năng suất đạt 5 tấn/ha, tổng lợi nhuận thu 15-16 triệu đồng/ha, tăng 2,2-2,4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình; giá thành sản xuất ra 1kg thóc 3.100 đồng/kg, giảm 150-200 đồng/kg so với ngoài mô hình; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,2-4 lần so với ngoài mô hình... Tất cả 13 tỉnh xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn đều tăng lợi nhuận 2,2-3 triệu đồng/ha, thậm chí tỉnh Trà Vinh lợi nhuận tăng 7-7,5 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất ra 1kg thóc giảm 120-360 đồng, riêng Trà Vinh giảm 500-600 đồng; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,2-4 lần so với ngoài mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ngoài hiệu quả như tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho nông dân... người nông dân còn được cung cấp vật tư nông nghiệp kịp thời, chủ động, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, đã và đang hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo đơn đặt hàng trên cơ sở hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp... Chính sự ưu việt của cánh đồng mẫu lớn, Bộ NN và PTNT quyết định thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở miền Bắc và chọn 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Bình, Nam Định và Thanh Hoá, quy mô mỗi địa phương xây dựng 2-3 mô hình với diện tích 100-150ha trong sản xuất vụ xuân năm 2012. Riêng tỉnh ta được Bộ NN và PTNT giao chỉ tiêu xây dựng 2 mô hình với tổng diện tích 100ha trong vụ xuân năm 2012 và nhân lên thành 4 mô hình trong vụ mùa năm 2012, tổng diện tích 200ha. Bộ NN và PTNT giao chỉ tiêu xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho tỉnh ta ngày 16-1-2012, đúng ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Táo) cách ngày gieo mạ xuân theo lịch chỉ đạo của tỉnh 9 ngày (lịch gieo mạ cho vụ xuân năm 2012 xác định từ ngày 25-1 đến 5-2-2012). Như vậy, đến khi Bộ NN và PTNT giao chỉ tiêu xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho tỉnh ta thì các vật tư nông nghiệp phục vụ cho cấy lúa, nhất là giống lúa đã được nông dân chuẩn bị xong, thậm chí có hộ đã ngâm, ủ mạ. Chỉ riêng yêu cầu đồng trà, cùng một loại giống của cánh đồng mẫu lớn cũng đặt ra cho ngành NN và PTNT cũng như các địa phương phải triển khai nhanh, thật nhanh. Nhận nhiệm vụ do Bộ NN và PTNT giao, Sở NN và PTNT vừa báo cáo xin chỉ thị của tỉnh, vừa nhanh chóng soạn thảo hướng dẫn cho các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn để chuẩn bị; vừa trao đổi, bàn bạc với các địa phương sơ bộ chọn, lựa những xã, HTX có thể xây dựng thành công mô hình; vừa chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật... chuẩn bị nội dung tập huấn cho nông dân... Sau 2 ngày, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội nghị với lãnh đạo Phòng NN và PTNT 9 huyện và trưởng ban nông nghiệp, chủ nhiệm HTXNN một số xã dự kiến có thể xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ 8 tiêu chí và yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN và PTNT đều được tuân thủ triệt để như: đồng ruộng có hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng thuận lợi cho sản xuất lúa và áp dụng cơ giới hoá; nông dân tự nguyện tham gia hoàn toàn tự giác, chủ động thực hiện mô hình, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng VietGap; chính quyền xã, HTXNN có năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mô hình bảo đảm thành công; có sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp; quy trình sản xuất lúa phải áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; phải có hiệu quả kinh tế cao hơn 10% so với phương thức sản xuất cũ... riêng quy mô diện tích được Bộ NN và PTNT chấp thuận cho tỉnh ta vận dụng với diện tích tối thiểu mỗi mô hình từ 30ha trở lên (tiêu chí của Bộ NN và PTNT là từ 50ha trở lên với mỗi mô hình). Ngay trong hội nghị triển khai đã có 11 HTXNN của 8 huyện đăng ký xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 530ha. Đến ngày 27-1-2012 (mồng 5 Tết Nhâm Thìn), số HTXNN đăng ký đã lên 13 của cả 9 huyện trong toàn tỉnh với tổng diện tích 630ha. Sau khi xem xét lại tất cả các tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tỉnh ta chọn được 12 mô hình của 7 huyện, với tổng diện tích 544ha. So với chỉ tiêu, kế hoạch Bộ NN và PTNT giao cho, tỉnh ta đã thực hiện vượt cao: gấp 6 lần tính theo số lượng mô hình; gấp 5,44 lần tính theo tổng diện tích. Đây chính là một thành công không những khẳng định chủ trương đúng mà còn là sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ từ tỉnh đến các xã, HTXNN của ngành NN và PTNT. Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết: “Nhận nhiệm vụ của lãnh đạo sở đúng những ngày giáp Tết. Vừa tổ chức họp với Phòng Cây trồng (Sở NN và PTNT), Chi cục Bảo vệ thực vật... để thống nhất chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, xây dựng kế hoạch phối kết hợp chỉ đạo... chúng tôi vừa xây dựng nội dung, chương trình tập huấn kỹ thuật, vừa thống nhất lịch tập huấn cho từng HTXNN tham gia. Chuẩn bị Tết đã bận, công việc chuẩn bị cho chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn càng bận hơn, nhưng vui...”. Nhận nhiệm vụ ngày 19-1 (26 Tết), trong các ngày 20, 21-1 (27, 28 Tết), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Cây trồng, Chi cục Bảo vệ thực vật gần như không vắng một ai, nhiều người chỉ kịp “đảo” về nhà có mặt trong bữa tất niên của gia đình. Rồi trong những ngày 25, 26-1 (ngày mùng 3, 4 Tết) lại tranh thủ vừa đi chúc Tết vừa “giáp ất” với huyện, xã, HTX để tổ chức tập huấn nghiệp vụ đến tận hộ nông dân. Chạy đua với thời gian, các lớp tập huấn tổ chức thành công, có buổi tập huấn trên 300 nông dân đến nghe, nhận tài liệu; có xã phải tổ chức 2 lớp tập huấn như Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), Nam Thắng (Nam Trực) và các lớp tập huấn đã về đích trước 2 ngày so với kế hoạch. Ở các HTXNN Nam Thịnh, Nam Mỹ, Dương A (Nam Trực) ngoài câu chúc Tết đầu xuân, năm nay họ chúc nhau xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn và trong chợ Viềng Xuân (Nam Trực) cũng sôi động chuyện xây dựng cánh đồng mẫu lớn. 2/3 HTXNN tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện Nam Trực đã thực hiện cánh đồng một giống, dùng phương pháp gieo sạ hàng và đến ngày 16-2-2012 đã hoàn thành việc gieo sạ hàng tại 3 cánh đồng mẫu lớn. Nếu ở Nam Mỹ động viên các hộ đổi giống lúa cho nhau, thì ở Tân Thịnh, UBND xã quyết định hỗ trợ kinh phí mua toàn bộ giống BT7 chất lượng cao về ngâm, ủ, gieo sạ đồng loạt trên cánh đồng mẫu lớn. Đồng chí Trần Khắc Lượng, Chủ tịch UBND xã Hải Toàn (Hải Hậu) tâm sự: “Khi triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì nhiều gia đình đã ngâm, ủ mạ rồi. Để 61ha cánh đồng mẫu lớn của xã chỉ gieo cấy 1 giống duy nhất, chúng tôi đã vận động và giao cho xóm, đội kiểm tra đôn đốc các hộ đổi giống cho nhau. Đến nay, trên 200 hộ tham gia chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn của 4 đội sản xuất, thuộc 2 HTXNN đều duy nhất cấy 1 loại giống lúa chất lượng cao BT7...”. Anh Lê Xuân Phương, cán bộ của Cty CP Phân bón Bình Điền phụ trách khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung khẳng định: “Chúng tôi thực hiện đúng cam kết, đưa phân bón xuống cung ứng tận các HTX tham gia xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trước khi các địa phương này tổ chức gieo cấy...”. Cán bộ Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng quy trình sản xuất lúa VietGap với danh mục thuốc sử dụng chủ yếu là chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và sản phẩm sạch./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Tất Thắc