Trong dịp cuối năm 2011, đầu năm 2012, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động thương tâm. Lúc 19 giờ 30 ngày 17-12-2011, tại công trường thi công tòa nhà 15 tầng của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp do Cty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng thi công đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 2 người chết là anh Vũ Văn Sang (SN 1984) ở xã Hải Quang (Hải Hậu) và anh Trần Đăng Công (SN 1990) ở Vũ Thư (Thái Bình); anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1986) xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) “may mắn” thoát chết, nhưng bị thương, sức lao động bị suy giảm. Nguyên nhân tai nạn xác định bước đầu do lỗi trong quá trình sửa chữa vận thăng khiến thiết bị rơi và gây ra tai nạn cho người lao động (NLĐ). Theo ông Đặng Khắc Tuấn, kiểm định viên kỹ thuật an toàn và tư vấn xây dựng (Cục An toàn lao động) thì số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng ngày càng gia tăng, trong đó tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết người tăng nhanh. Nguyên nhân do điều kiện lao động trong ngành xây dựng có đặc thù riêng như địa điểm làm việc luôn thay đổi; phần lớn công việc phải thực hiện ở ngoài trời; nhiều công việc nặng nhọc phải thi công ở những vị trí không thuận lợi, có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, dễ phát sinh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tai nạn ngã cao trong xây dựng xảy ra do nhiều nguyên nhân cả từ phía doanh nghiệp không làm đúng, đủ các quy định, quy trình về an toàn kỹ thuật, an toàn lao động và nguyên nhân từ phía NLĐ, đặc biệt là tâm lý chủ quan, thờ ơ với vấn đề an toàn lao động dẫn đến việc không chấp hành, tuân thủ các quy tắc, quy trình về an toàn lao động khi làm việc. Ở nhiều công trường, chủ thầu thường thuê lao động theo thời vụ để trốn tránh nghĩa vụ nộp bảo hiểm… Do thuê mướn ngắn hạn cho từng công việc nên việc tập huấn, huấn luyện an toàn cho NLĐ cũng bị “rút gọn” bằng những lời nhắc nhở và những cam kết được ghi sẵn trong hợp đồng để đối phó với cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra.
Tập huấn nghiệp vụ PCCC cho công nhân ở CCN An Xá (TP Nam Định). |
Một vụ tai nạn đau lòng khác xảy ra ngay trước Tết Nguyên đán là trường hợp anh Hoàng Văn Quỳnh (SN 1976), trú tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Sáng 9-1, anh Quỳnh được một người bạn cùng thôn là Nguyễn Văn Thanh gọi đi làm công việc hàn xì tại trạm bơm Quán Chuột cùng với một tốp thợ. Lúc đang làm việc tại đây, anh Quỳnh bị cuốn vào tổ máy bơm nước tiêu số 5 loại guồng xoắn đang hoạt động và đã chết tại chỗ. Trước đó, vào hồi 12 giờ 40 phút ngày 31-12-2011 tại nhà ông Trần Khắc Trường, tổ dân phố số 10, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), ông Trường cùng anh Quang, là người làm thuê dùng đèn ôxy để “cắt” chiếc nòng pháo phế liệu mà không biết trong nòng vẫn còn đầu đạn. Bị kích hoạt, đầu đạn phát nổ khiến ông Trường, anh Quang bất tỉnh tại chỗ, một người đi đường bị thương nặng; nhà ông Trường bị hư hỏng nặng, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị cháy rụi, một số ngôi nhà xung quanh bị hư hỏng. Cũng trong tháng 12-2011, tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), một công nhân đang thi công treo biển quảng cáo do bất cẩn đã chạm tấm biển vào đường dây điện khiến anh bị giật, gây tử vong tại chỗ. Trên thực tế có không ít vụ tai nạn lao động mà chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động, nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu và chấp nhận chi phí chữa chạy để NLĐ không khiếu nại, không bị cơ quan chức năng xử lý...
Qua đợt kiểm tra công tác ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp trong Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 13 (năm 2011), ở nhiều doanh nghiệp có sổ sách hồ sơ về an toàn lao động, bảo hộ lao động khá hoàn chỉnh, đầy đủ, song tại hiện trường lao động thì tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động vẫn diễn ra. Tại một doanh nghiệp chế biến sản phẩm về kính ở Thành phố Nam Định, môi trường lao động tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho NLĐ, nhưng NLĐ thờ ơ với các quy định về bảo đảm an toàn. Phòng cắt kính, sàn được ghép bằng những tấm gỗ không nguyên vẹn, bền chắc, nước tràn ướt sàn rất dễ gây trơn trượt, trong khi công nhân đi dép lê khi làm việc. Hay tại một xưởng sản xuất sản phẩm tôn mỹ nghệ xuất khẩu ở CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), bể hóa chất để tẩy rửa sản phẩm không có nắp đậy, không có tường rào cách ly. Trong xưởng, nơi tập kết nguyên vật liệu, chứa thành phẩm và nơi làm việc của công nhân, lối đi cũng chật hẹp, dây điện giăng mắc không có hệ thống bảo vệ. Khi đoàn kiểm tra nhắc nhở, chủ doanh nghiệp chống chế với lý do doanh nghiệp đang trong thời gian xây sửa để chuyển đổi sản xuất nên phải tận dụng diện tích, còn NLĐ thì “cười trừ” khi được hỏi về an toàn lao động... Trên thực tế, do công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ còn có những hạn chế, thiếu sự kiên quyết và các biện pháp “mạnh” nên nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ chú ý đầu tư đáp ứng những yêu cầu để có thể thu lợi nhuận tức thì, còn đầu tư và đáp ứng yêu cầu về an toàn lao động thì mang tính đối phó với cơ quan chức năng. NLĐ vì sức ép nhu cầu cần việc làm, kiến thức về an toàn lao động còn hạn chế nên không biết và cũng không đòi hỏi, yêu cầu chủ doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn cho mình khi làm việc. Đặc biệt tình trạng khó quản lý đối với doanh nghiệp thuê lao động thời vụ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cả doanh nghiệp và NLĐ đều thờ ơ với an toàn lao động. Các cơ quan chức năng cũng khó có thể theo dõi, quản lý doanh nghiệp có tuân thủ quy định về an toàn lao động, bảo hộ lao động cho NLĐ.
Bảo đảm an toàn trong lao động là yêu cầu bắt buộc và mang tính nhân văn vì sự an toàn của tính mạng con người, vì lợi ích của chính các doanh nghiệp. Đầu tư cho an toàn lao động chính là một trong những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững. Một trong các mục tiêu của Chương trình Quốc gia và Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nâng cao nhận thức của NLĐ và chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động về vấn đề ATVSLĐ, để xây dựng văn hóa an toàn trong lao động sản xuất. Một loạt các vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là lời cảnh báo nghiêm khắc cho sự chủ quan, lơ là với vấn đề an toàn lao động của cả NLĐ và doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Trần Vân Anh