Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế trang trại, gia trại

08:02, 29/02/2012

Những năm qua, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đầu tư vốn, công sức, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 1.265 trang trại, trong đó có 196 trang trại đạt tiêu chí mới theo quy định của Bộ NN và PTNT. Loại hình trang trại khá đa dạng, bao gồm trang trại tổng hợp, các trang trại chuyên ngành như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây cảnh. Bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư từ 300-400 triệu đồng, giá trị sản xuất 250-300 triệu đồng/năm; một số trang trại quy mô lớn, doanh thu mỗi năm đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tại huyện Hải Hậu, các xã, thị trấn đã chuyển đổi gần 700ha đất cấy lúa, làm muối hiệu quả thấp sang xây dựng các mô hình kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 365 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ và vừa, trong đó, năm 2011 huyện phát triển thêm 15 trang trại. Tại huyện Nghĩa Hưng, mô hình kinh tế trang trại, gia trại cũng đang khá phát triển. Toàn huyện hiện có hơn 400 hộ nuôi gia cầm có quy mô từ 200 con trở lên; 74 trang trại nuôi thuỷ sản có quy mô từ 2ha trở lên. Trong đó mô hình trang trại thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Văn Rung ở xóm 9 (xã Nghĩa Thắng) có quy mô gần 50ha, là một trong những mô hình nuôi thuỷ sản theo quy mô kinh tế hộ lớn nhất huyện, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai của nhiều địa phương; nhất là đã tận dụng được diện tích vùng bãi bồi, đất trũng để sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực lớn trong nhân dân, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp rộng hơn 10ha của gia đình ông Phùng Văn Kiêm ở xóm 6, xã Giao Hà (Giao Thuỷ) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp rộng hơn 10ha của gia đình ông Phùng Văn Kiêm ở xóm 6, xã Giao Hà (Giao Thuỷ) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở tỉnh ta vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Đa số các trang trại quy mô còn nhỏ, được hình thành và phát triển tự phát. Huyện Vụ Bản có 151 trang trại nhưng tổng diện tích đất sử dụng của các trang trại chỉ có 140ha, bình quân mỗi trang trại của huyện rộng chưa đến 1ha. Phần lớn các trang trại, gia trại nằm trong các khu dân cư, không đảm bảo vệ sinh môi trường, không đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Năng lực quản lý điều hành của các chủ trang trại còn hạn chế. Các trang trại thường xuyên phải đối mặt với tình trạng giá cả vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, dịch bệnh... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Có thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát khiến nhiều chủ trang trại chăn nuôi trong tỉnh thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mặt khác, kinh tế trang trại hiện đang gặp nhiều lực cản từ cơ chế, chính sách. Một trong những điều kiện đầu tiên, quan trọng để xây dựng được một mô hình sản xuất theo quy mô trang trại là phải có diện tích đất đủ lớn. Theo tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT, diện tích trang trại tối thiểu phải đạt 2,1ha. Tuy nhiên, ngoài một số địa phương có diện tích đất công lớn là các vùng ven sông, ven biển, vùng trũng cho các hộ dân đấu thầu làm kinh tế trang trại, còn lại hầu hết đang gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Ông Phạm Văn Định, nông dân xã Hải Đường (Hải Hậu) cho biết thời gian qua ông đã vận động được một số hộ nông dân ở địa phương cho thuê lại 7 mẫu đất. Ông đã đầu tư lượng vốn khá lớn để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp quy mô, bài bản. Tuy nhiên, hiện tại ông đang phải đối mặt với việc phải trả lại đất vì một số người cho thuê có nhu cầu đòi lại. Thời hạn cho thuê đất công chỉ trong 5 năm đang áp dụng hiện nay là quá ngắn đối với hoạt động sản xuất trang trại cũng đang là nguyên nhân khiến nhiều người ngần ngại, không dám bỏ vốn, công sức đầu tư. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách tín dụng và nhiều chính sách khác hỗ trợ kinh tế trang trại nhưng cho đến nay, phần lớn những chính sách này chưa đến được với các chủ trang trại. Đơn cử, theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chủ trang trại có dự án sản xuất khả thi được vay tối đa đến 500 triệu đồng từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy chưa có chủ trang trại nào được hưởng điều kiện vay vốn này. Trên thực tế, số tiền các chủ trang trại vay được từ các tổ chức tín dụng thường rất thấp và phải kèm theo rất nhiều điều kiện. Ông Nguyễn Văn Vinh, một chủ trang trại nuôi lợn ở thôn Bắc Cát, xã Trực Cát (Trực Ninh) cho biết, để mở rộng quy mô chăn nuôi mới đây ông làm thủ tục vay Ngân hàng NN và PTNT huyện hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên ông chỉ được ngân hàng xét cho vay 30 triệu đồng, quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư. Để có đủ số tiền cần thiết, ông phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều mối quan hệ cá nhân. Trên thực tế, vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại đang gặp khó khăn đối với nhiều hộ nông dân tha thiết với mô hình kinh tế này.

Nhằm tạo bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại, BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2015, 100% số xã, thị trấn trong toàn tỉnh có sản xuất nông nghiệp đều có trang trại theo tiêu chí mới và gia trại tập trung ngoài khu dân cư. Các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 mỗi xã có từ 3 trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư trở lên. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 1.500 trang trại, gia trại tập trung, trong đó có 292 trang trại đạt tiêu chí mới và 192 gia trại tập trung ngoài khu dân cư. Tổng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ đạt 1.050 tỷ đồng trở lên. Để đạt được mục tiêu này, những khó khăn, vướng mắc, nhất là những khó khăn về đất đai, vốn đầu tư cần được tháo gỡ. Trước hết, các địa phương cần thực hiện tốt khâu quy hoạch đất phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành và được phê duyệt về quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tuỳ đặc điểm, điều kiện, các địa phương đều dành một phần diện tích đất quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Cụ thể, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) dành 5,9/581,9ha đất cấy 2 vụ lúa/năm để phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Huyện Trực Ninh chỉ đạo các địa phương thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại những vị trí xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; quy hoạch vùng nuôi thủy sản trên các vùng đất cấy lúa hiệu quả thấp, đất bãi ven sông, mỗi vùng rộng từ 5-10ha. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề cho kinh tế trang trại phát triển. Vấn đề quan trọng là các địa phương phải đảm bảo duy trì và thực hiện nghiêm theo quy hoạch. Một thuận lợi khác là hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang triển khai thực hiện “dồn điền đổi thửa”. Trong đó, đến hết năm 2011 đã có 55 xã, thị trấn hoàn thành, giao ruộng mới cho các hộ trên thực địa. Qua đó, các địa phương cần khuyến khích các hình thức chuyển nhượng, thuê gom, tạo điều kiện cho những cá nhân có điều kiện, năng lực tích tụ ruộng đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trang trại. Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước hiện hành đối với kinh tế trang trại, các ngành chức năng của tỉnh cần tham mưu để UBND tỉnh sớm xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển sản xuất giống cây trồng, con nuôi, chế biến nông, thuỷ sản; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; khuyến khích chuyển nhượng, thuê đất, cho thuê đất, tích tụ ruộng đất để xây dựng trang trại, gia trại, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng đầu tư phát triển trang trại được giao đất, cho thuê đất ổn định lâu dài để phát triển sản xuất, kinh doanh.  

Kinh tế trang trại, gia trại là phương thức sản xuất hiệu quả và là xu thế tất yếu góp phần thực hiện mục tiêu sản xuất nông sản hàng hoá quy mô lớn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tạo ra các vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn. Chủ trương, đường hướng phát triển kinh tế trang trại của tỉnh đã có, vấn đề còn lại là năng lực lãnh đạo, tổ chức triển khai của cấp uỷ Đảng, chính quyền mỗi địa phương, ý chí quyết tâm làm giàu từ kinh tế trang trại của các hộ nông dân. Trong đó, sớm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp căn bản đã xác định là một trong những tiền đề quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực kinh tế hiệu quả này./.

Bài và ảnh: Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com