Khó khăn trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT theo định suất

07:03, 02/03/2013

Từ năm 2010, BHXH Việt Nam triển khai thí điểm việc thanh toán BHYT theo định suất tại cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Đây là phương thức khoán trọn gói BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh, được Luật BHYT quy định là một trong 3 phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Phương thức này được đánh giá là tạo sự chủ động cho các bệnh viện trong điều hành ngân sách, kiểm soát quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm để tiết kiệm tối đa chi phí khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo lộ trình thực hiện, năm 2011 có ít nhất 30%, năm 2013 có 60%, năm 2015 có 100% cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu áp dụng phương thức thanh toán này. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, phương thức thanh toán này đã bộc lộ những hạn chế như: Tình trạng bội chi quỹ BHYT diễn ra tại nhiều cơ sở y tế, quyền lợi của người tham gia BHYT chưa được đảm bảo…

Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Lộc trang bị máy siêu âm màu 4D phục vụ bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Lộc trang bị máy siêu âm màu 4D phục vụ bệnh nhân.

Ở tỉnh ta, các bệnh viện không mặn mà với phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo định suất, bởi phương thức này tạo áp lực về quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT lên cơ sở y tế. Khi mới triển khai, tỉnh ta có 5 cơ sở thực hiện phương thức thanh toán theo định suất là bệnh viện đa khoa các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu. Các cơ sở thực hiện thanh toán theo định suất 6 tháng cuối năm 2010 với tổng quỹ định suất trên 37 tỷ đồng. Kết quả có 3 cơ sở có kết dư, 2 cơ sở vượt quỹ định suất trên 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa Mỹ Lộc thường xuyên gặp khó khăn trong việc cân đối thu chi và thực hiện các chế độ theo quy chế chi tiêu nội bộ do vượt quỹ định suất là 1,8 tỷ đồng, năm 2011 vượt 2,8 tỷ đồng, năm 2012 khoảng 4 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí vượt quỹ quá lớn cộng với kinh phí BHXH cấp tạm ứng không đủ, không kịp thời nên đến nay bệnh viện nợ tiền thuốc, tiền vật tư y tế của các nhà thầu khoảng 4 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và bệnh viện trong việc cung ứng các lần tiếp theo. Hiện, tỉnh ta có 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố thực hiện phương thức thanh toán theo định suất. Đây là tuyến còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Vì vậy, nhiều bệnh nhân thuộc tuyến này phải chuyển lên điều trị ở tuyến trên dẫn đến hậu quả chi phí đa tuyến tăng cao. Tại các huyện gần thành phố, gần bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa, người dân đã tự ý vượt tuyến, bệnh viện đa khoa các huyện phải thanh toán hóa đơn khi bệnh viện tuyến trên gửi về. Do nguồn kinh phí được cấp là cố định, buộc bệnh viện phải tính toán chi tiêu hợp lý, để đảm bảo cân đối yếu tố chuyên môn và không được vượt trần thì vừa thiệt thòi cho bệnh nhân, vừa khó khăn cho bệnh viện. Theo quy định, các cơ sở y tế thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất sẽ được tạm ứng 80% kinh phí theo từng quý dựa trên số thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở. Nhờ đó, cơ sở y tế được chủ động nguồn tài chính trong quá trình khám chữa bệnh và có thể điều chỉnh quỹ hợp lý, kiểm soát quỹ BHYT. Song thực tế, tỷ lệ người tham gia BHYT quá thấp, nguồn kinh phí tạm ứng thường cấp chậm và việc thanh toán này bó buộc quá trình điều trị của bác sỹ, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh cho bệnh nhân. Với số tiền theo định suất, cơ sở y tế không thể chi vượt trần mà phải tự chi trả phần chênh lệch. Do đó, khi khám chữa bệnh buộc bác sỹ phải tính toán thuốc điều trị, không cung cấp đủ các dịch vụ cần thiết, hạn chế việc cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để giảm chi phí nên khó đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh.

Để triển khai tốt việc thanh toán BHYT theo định suất, cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, làm rõ những ưu điểm cũng như trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện phương thức thanh toán này. Ngành BHXH cần tính toán lại mức thanh toán BHYT theo định suất nhằm đảm bảo lợi ích giữa bệnh viện, người bệnh và cơ quan bảo hiểm; tạm ứng kinh phí chi trả khám chữa bệnh BHYT đúng thời gian cho các cơ sở khám chữa bệnh; có cơ chế chính sách phù hợp trong việc thanh quyết toán BHYT kịp thời để bệnh viện có kinh phí hoạt động./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com