Nhiều hệ lụy phát sinh từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý

08:02, 21/02/2013

So với nhiều nước trên thế giới, khẩu phần ăn của người Việt Nam không cao, nhưng do có sự thay đổi quá nhanh và không hợp lý, cho nên đang tồn tại gánh nặng kép về dinh dưỡng: tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, trong khi tỷ lệ thừa cân béo phì tăng nhanh. Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: tim mạch, tiểu đường, huyết áp... tiếp tục gia tăng.

Kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) thực hiện năm 2010 cho thấy, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) dưới năm tuổi ở nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi), trong đó SDD vừa (độ một) hơn 15%, SDD độ nặng (độ hai) gần 2% và SDD rất nặng (độ ba) là 0,3%. Cả nước còn 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em SDD hơn 20%, xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ trẻ em SDD theo chỉ tiêu chiều cao/tuổi (SDD thể thấp còi) là 29,0%. Ước tính cả nước vẫn còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới năm tuổi SDD nhẹ cân; khoảng 2,1 triệu trẻ SDD thấp còi và khoảng 520 nghìn trẻ em SDD gầy còm.

Trong khi tỷ lệ SDD ở trẻ em vẫn còn khá cao thì tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các thành phố lớn. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân, béo phì đã là 5,6%, tăng gấp sáu lần so với năm 2000. Ước tính cả nước hiện có khoảng 460 nghìn trẻ trong độ tuổi này bị thừa cân, béo phì.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tỷ lệ béo phì trong lứa tuổi tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 85% so với mười năm trước. Ước tính hiện một phần tư trẻ em lứa tuổi tiểu học trên địa bàn bị thừa cân, béo phì. Không chỉ gia tăng ở lứa tuổi tiểu học mà còn tăng nhanh ở cả nhóm tuổi từ 5 đến 60, nhất là những người trưởng thành (trên 40 tuổi). Cụ thể, năm 2000, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nữ giới lứa tuổi từ 20 đến 24 là 1,1% thì năm 2010 là 1,8%. Tương tự, ở nhóm tuổi từ 30 đến 34 lần lượt là 5,4 và 5,8%... ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ thừa cân, béo phì cũng lên tới hơn 8%.

Nguyên nhân chính của tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa đã kéo theo những thay đổi cơ cấu khẩu phần ăn theo có xu hướng bị mỡ hóa, đạm hóa. Trước đây, trong bữa ăn truyền thống của người Việt, gạo và rau là chính nhưng nay, lượng thịt, trứng, sữa... ngày một tăng. Điều đáng lo ngại là tại một số vùng, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì mức tiêu thụ thịt, chất béo lại tăng quá mức. Nhiều người dân, nhất là trẻ nhỏ rất thích sử dụng thức ăn nhanh, trong đó chứa Trans Fat là một loại chất béo không tốt cho cơ thể, làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt và có khuynh hướng gây bệnh về tim mạch, gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì. Thống kê cho thấy, mười năm qua, khẩu phần ăn của người Việt Nam có những thay đổi lớn, như: gạo chỉ chiếm hơn 66% khẩu phần ăn, giảm gần 20%; thay vào đó thịt, sữa, trứng chiếm gần 25% khẩu phần ăn, tăng gần 17%...

Đáng chú ý, trung bình mỗi người ăn hơn 30kg thịt một năm, thấp hơn 16kg so với mức trung bình của thế giới, nhưng do chế độ dinh dưỡng có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo. Việc người dân Việt Nam có thói quen sử dụng thịt nhiều hơn cá cũng là một vấn đề đáng lo ngại, vì chất béo no trong thịt cũng là một nguy cơ đối với bệnh tim mạch, trong khi cá có nhiều chất béo không no, rất tốt cho cơ thể thì lại được sử dụng ít hơn.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật ra không quá khó nhưng nhiều bà mẹ ở các vùng ven đô thị, ngoại thành chưa cập nhật được thông tin. Còn ở một số quận nội thành, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu vẫn bị lơ là, thậm chí nhiều người còn cho trẻ bú sữa ngoài từ ngay sau khi sinh. Nhiều bà mẹ còn thiếu kiến thức về bốn nhóm thực phẩm cần cho bé (nhóm chất đạm, tinh bột, chất béo, nhóm giàu vi-ta-min và chất khoáng), nên trong thực đơn của các bé chủ yếu là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, chất đường. Do đó, còn rất nhiều khó khăn trong việc hạn chế tình trạng trẻ ở nông thôn bị suy dinh dưỡng, và kiểm soát việc gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở khu vực thành thị.

Việt Nam đang ở "ngưỡng" bước vào giai đoạn tăng nhanh tỷ lệ người dân bị thừa cân, béo phì. Đây là điều đã từng xảy ra ở một số nước trên thế giới, cho nên nhiều nhà khoa học khuyến cáo cần có chiến lược hữu hiệu thì mới kiểm soát được tỷ lệ thừa cân, béo phì. TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đánh giá: Tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì là một vấn đề đáng lo ngại, vì đây là nguồn gốc phát sinh các biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tim mạch, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp... Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu ngoài việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, các cấp, các ngành còn phải từng bước kiểm soát hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng ở người trưởng thành.

Hiện nay, Viện Dinh dưỡng đang chủ trì xây dựng mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý cho giai đoạn 2011-2020. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt. Việc xây dựng những lời khuyên dinh dưỡng hợp lý phù hợp với tình hình kinh tế, điều kiện sống, khẩu phần ăn và mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân trong giai đoạn tới. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý sẽ có lợi rất nhiều cho sức khỏe người dân, nhằm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì trong cộng đồng và hạn chế mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, tim mạch, huyết áp...

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com