Đái tháo đường là hội chứng có đặc tính biểu hiện tăng đường máu do mất hoàn toàn insulin hoặc do liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của insulin. Khi cơ thể không thể sản sinh ra insulin sẽ gây bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường có hai thể bệnh chính: Bệnh tiểu đường típ I do tuyến tụy không tiết insulin, và típ II do tiết giảm insulin và đề kháng insulin.
Các triệu chứng thường thấy là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân, mệt mỏi... Với bệnh nhân đái tháo đường típ II thường không có bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu và vì vậy bệnh thường phát hiện muộn khoảng 7-10 năm.
Hậu quả của bệnh đái tháo đường:
Người mắc bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị và quản lý tốt có thể bị hôn mê, tử vong hoặc gặp các biến chứng sau:
- Biến chứng tim mạch, có thể gây đột quỵ.
- Biến chứng mắt, gây giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa.
- Biến chứng thận, gây suy thận.
- Bệnh đái tháo đường còn có thể gây suy giảm tình dục, liệt dương.
- Biến chứng bàn chân dẫn đến cắt cụt.
Điều trị bệnh đái tháo đường:
Người bệnh cần phải tuân thủ những quy tắc điều trị và thực hiện chế độ ăn cũng như chế độ luyện tập để giảm những tổn thương cho cơ thể mà bệnh đái tháo đường mang lại:
- Chế độ ăn: khẩu phần ăn nên cân đối, nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ, tránh các thức ăn nhiều chất đường bột. Không nên ăn quá nhiều trong mỗi bữa và nên chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ.
- Chế độ luyện tập: thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao sẽ giúp người bệnh kiểm soát đường máu tốt hơn.
Bệnh đái tháo đường không là căn bệnh nguy hiểm mà thuộc loại bệnh có thể kiểm soát được. Nếu được chữa trị tốt và bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống, hoạt động thích hợp có thể sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định