Anh Trần Kiều, Giám đốc Cty TNHH Tân Thiên Phú, ở xóm 6, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) đã chế tạo thành công máy phân loại, xử lý rác thải, chế biến thành phân bón hữu cơ phục vụ trong ngành nông nghiệp. Sinh ra và lớn lên ở quê hương có nghề cơ khí chế tạo nổi tiếng nên khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, anh Kiều về quê mở xưởng sản xuất máy cơ khí phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2010, nhận thấy tình trạng rác thải ở các vùng nông thôn vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, anh nảy sinh ý tưởng chế tạo máy xử lý rác thải. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công máy phân loại, nghiền rác thải tự động. Hệ thống máy gồm: băng chuyền đưa rác thải, 2 trục được lắp các dao cắt có móc chế tạo bằng thép hợp kim chịu mài mòn và va đập cao, quay ngược chiều nhau như cắt kéo, xé lôi rác vào, sau khi nghiền xong sẽ tự động đẩy rác ra ngoài. Trong quá trình nghiền, hệ thống sàng sẽ lọc, phân loại rác để tái chế. Đặc biệt, rác thải hữu cơ sau khi nghiền nhỏ trộn với chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình nghiền rác được vận hành theo quy trình khép kín, mỗi máy, trung bình có thể xử lý từ 5-6m3 rác thải/giờ, tiêu thụ khoảng 15kw điện. Máy được thiết kế gọn, thuận tiện di chuyển trong khu dân cư, giá bán khoảng 150 triệu đồng. Năm 2012, máy xử lý rác thải của anh Kiều được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH và CN) kiểm định và cấp phép quyền sử dụng.
Vận hành máy xử lý rác thải tại Cty TNHH Tân Thiên Phú, xóm 6, xã Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Thực tế, nhiều năm nay rác thải khu vực nông thôn đã và đang là vấn đề nan giải đối với các cấp, các ngành. Việc thu gom và xử lý rác không triệt để, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Vì vậy, ngay khi triển khai xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND về cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp, xử lý rác thải cho các xã, thị trấn, nhất là các xã, thị trấn thí điểm xây dựng NTM. Ngoài ra, nhiều năm qua tỉnh đã dành 1% tổng thu ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các huyện. Đến đầu năm 2013, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 80 bãi xử lý rác thải tập trung, 80% số xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, với mức kinh phí hỗ trợ hiện tại, chỉ đủ đầu tư cho xây dựng bãi và các hoạt động thu gom, xử lý thô sơ, thủ công nên hoạt động xử lý rác thải ở nông thôn còn nhiều bất cập. Phần lớn các địa phương mới chỉ thu gom rác thải đưa đến các điểm quy hoạch để chôn lấp thủ công, không có phương pháp xử lý triệt để, dẫn tới nhiều bãi rác mới thành lập đã có hiện tượng quá tải. Nhiều bãi rác không có tường rào bao quanh nên khi gặp mưa to, rác thải trôi tràn lan ra cánh đồng. Các tổ thu gom rác thải do khu dân cư tự thành lập, nên chi phí thuê lao động thấp, lại hoạt động cách ngày, có nơi thực hiện thu gom rác 1 tuần 1 lần dẫn tới không đáp ứng kịp nhu cầu rác thải phát sinh. Máy xử lý rác do anh Kiều chế tạo với những ưu điểm về kích thước, giá bán, phương pháp vận hành... phù hợp với yêu cầu xử lý rác ở các vùng nông thôn, mở ra cơ hội cho công tác xử lý rác triệt để.
Cải thiện và đảm bảo môi trường ở khu vực nông thôn là một trong những tiêu chí bắt buộc trong chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh các biện pháp tăng cường kiểm soát, thực hiện các quy định trong xử lý rác thải, xây dựng các bãi rác thải tập trung cần xử lý rác thải bằng máy. Trong thời gian tới, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư xử lý rác thải bằng máy trong giải quyết vấn đề môi trường ở nông thôn, bảo đảm hiệu quả đầu tư chiều sâu, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Đức Thiện