Đầu tư công nghệ nâng cao giá trị gia tăng lúa, gạo

09:02, 25/02/2013

Những thông tin về gạo Việt Nam liên tục xuất sang Nhật Bản  trong thời gian gần đây làm người trồng lúa phấn khởi, bởi hạt gạo Việt đã từng bước đáp ứng những tiêu chuẩn gắt gao của một thị trường hàng đầu thế giới. Đây cũng là kết quả việc mạnh dạn đầu tư công nghệ của doanh nghiệp trong mô hình liên kết với nông dân, gợi mở lời giải cho "bài toán" nâng cao giá trị gia tăng lúa, gạo; góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Điểm sáng trong đầu tư công nghệ sản xuất lúa gạo

Câu chuyện Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vừa xuất khẩu hơn 300 tấn gạo sang Nhật Bản vào cuối năm 2012 đã mở ra hướng đi mới cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập những thị trường khó tính và đem lại giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ với chúng tôi về thắng lợi này, Tổng Giám đốc AGPPS Huỳnh Văn Thòn cho biết: Đợt gạo xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu đặt hàng nông dân sản xuất từ vùng nguyên liệu Thoại Sơn và Vĩnh Bình (huyện Châu Thành). Trong quá trình canh tác trên những "cánh đồng mẫu lớn" nông dân phải thể hiện trên nhật ký đồng ruộng để đối tác kiểm tra các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng và phải đáp ứng được gần 600 chỉ tiêu do phía đối tác Nhật Bản đưa ra. Theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN và PTNT) Đoàn Xuân Hòa, tính khác biệt và những ưu điểm của mô hình này là nhờ liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp đồng, Cty đã chủ động việc đầu tư công nghệ, kho chứa, hỗ trợ nông dân ở tất cả các khâu: Thu hoạch, vận chuyển về nhà máy, sấy, dự trữ trong kho, tạo điều kiện để nông dân chủ động giá bán và thời điểm bán lúa. Như vậy, theo chuỗi sản xuất lúa gạo của mô hình (từ các giống tốt và sấy khô bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trước khi xay xát bóc vỏ, hệ thống kho tàng, máy móc, thiết bị chế biến từng bước được đồng bộ hóa theo hướng hiện đại), chất lượng gạo thành phẩm được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; đồng thời tận dụng triệt để phế liệu trong quá trình sản xuất (cám, trấu). Giá trị gia tăng của sản phẩm trong tất cả các khâu đạt hơn 200%, lợi nhuận của người trồng lúa tăng lên.

Giảm tổn thất sau thu hoạch

Rõ ràng, ở mô hình "cánh đồng mẫu lớn" của Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang, vấn đề khoa học - công nghệ đã tiếp cận đến người nông dân thông qua doanh nghiệp, thật sự nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trên cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi vựa lúa của cả nước, không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện như AGPPS và tiềm lực của doanh nghiệp có hạn, cho nên việc nhân rộng mô hình còn hết sức khó khăn. Mặc dù sản lượng lúa gạo của cả nước liên tục tăng trong những năm qua, nhất là xuất khẩu mặt hàng gạo, song nông dân lại chưa được hưởng lợi tương xứng, do những tổn thất sau thu hoạch.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Internet
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Internet

Theo điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, ở nước ta, hiện tổn thất về sản lượng đối với lúa từ 11 đến 13%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn; năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản nhiều hạn chế, bất cập; chưa có được công nghệ và thiết bị phù hợp; việc lựa chọn nhập khẩu công nghệ, máy móc của các nước phát triển, phù hợp điều kiện của nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng làm chất lượng gạo Việt Nam thấp là do tập quán thu hoạch và xay xát gạo ở ĐBSCL. Đó là sau khi thu hoạch, thóc được bà con nông dân phơi, sấy sơ qua sau đó bán cho các thương lái. Các thương lái vì chỉ kinh doanh và không có đủ cơ sở vật chất, do vậy sau khi thu mua tiến hành xay tách bỏ trấu và bán gạo lức (gạo lật) cho các cơ sở xay xát gạo để đưa vào chế biến gạo. Như vậy gạo lức khi đưa vào chế biến thường có độ ẩm cao, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như tỷ lệ thu hồi gạo. Để khắc phục, nhiều cơ sở xay xát gạo phải đưa máy sấy vào trong dây chuyền xay xát gạo. Tuy nhiên chỉ sấy sau khi gạo đã được xay xát, trước khi đưa vào bảo quản và phải phù hợp công suất của dây chuyền. Như vậy thời gian sấy nhanh, độ ẩm của gạo không đồng đều, khi tốc độ thoát ẩm nhanh còn làm cho hạt gạo bị nứt. Thực tế hiện nay, gạo Việt Nam thường chỉ bảo quản được dưới một tháng, nếu bảo quản hơn hai tháng khi xuất khẩu phải xát và đánh bóng lại và tổn thất tăng thêm 3-4%. Đây là lý do khiến các cơ sở kinh doanh gạo chỉ thu mua khi đã có đơn hàng, là nguyên nhân chính làm cho giá lúa gạo lên xuống thất thường và người chịu thiệt thòi chính là nông dân.

Tồn trữ và bảo quản thóc gạo là một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hệ thống kho tồn trữ, bảo quản thóc, gạo hiện nay vừa ít về số lượng, vừa nhỏ về năng lực tồn trữ, bảo quản với công nghệ và thiết bị lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Giải pháp nâng giá trị cho hạt lúa

Trao đổi ý kiến về giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất lúa gạo, TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết: Trước hết cần làm đúng quy trình: doanh nghiệp đầu tư vốn thu mua lúa tươi trong nông dân rồi chủ động sơ chế, sấy tập trung, đầu tư xi lô bảo quản, đến khi có hợp đồng mới xay xát, chế biến để xuất khẩu. Vừa rồi, viện đã xây dựng một dự án khoa học - công nghệ quy mô lớn về chế biến, bảo quản thóc gạo (thực hiện từ năm 2013 đến 2015).

Tuy nhiên, ở góc độ khác, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long lại cho rằng: Cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư các công đoạn cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa, kho chứa hiện đại gắn kết với hình thức bao tiêu thu mua hợp lý và chính sách bảo hiểm nông nghiệp ở những cánh đồng mẫu lớn. Doanh nghiệp sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư. Trên thực tế, chỉ có doanh nghiệp mới có thể tự tìm thị trường, lựa chọn công nghệ phù hợp.  Phó Cục trưởng Đoàn Xuân Hòa còn cho biết: Việc làm cần thiết là bổ sung  điều kiện đối với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cần thực hiện liên kết, hợp tác với nông dân thông qua hợp đồng từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, theo lộ trình: Năm 2013, những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu (đặt hàng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân) sẽ được ưu tiên phân hợp đồng xuất khẩu tập trung. Năm 2014, bổ sung thêm điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo là cần có vùng nguyên liệu tập trung và trang bị đồng bộ hệ thống sấy lúa, kho chứa và xay xát, đánh bóng gạo. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu thực hiện liên kết sản xuất với nông dân. UBND các tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai Chương trình bốn triệu tấn kho chứa, bảo đảm 50% diện tích lượng kho dùng cho việc bảo quản lúa; rà soát quy hoạch hệ thống trung tâm chế biến lúa gạo (đồng bộ hệ thống sấy, kho chứa và xay xát) để có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư, hoặc liên kết đầu tư phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh lúa gạo hiện nay.  Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân đầu tư hệ thống sấy lúa theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP (ngày 4-6-2010) của Chính phủ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Hỗ trợ từ ba đến năm tỷ đồng cho các cơ sở đầu tư hệ thống sấy tầng sôi kết hợp sấy tháp quy mô 1.000 tấn/mẻ, các hộ dân đầu tư sấy vỉ ngang có quy mô từ 500 tấn/ngày trở lên. Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách thông thoáng để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay theo chính sách hỗ trợ tại các Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và 65/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Triển khai hiệu quả các đề tài nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao vào sản xuất đối với các lĩnh vực: đổi mới công nghệ nâng cao giá trị gia tăng lúa gạo; tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong quá trình chế biến lúa gạo; đào tạo nghề cho lao động sử dụng máy móc cơ giới. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, bảo quản lúa gạo và tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân trong sản xuất lúa gạo hàng hóa...

Những giải pháp trên cần thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trên cuộc hành trình nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Theo: nhandan.com.vn
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com