Từ lâu, Chợ Viềng Xuân Nam Định đã trở thành địa chỉ du Xuân không chỉ của người dân ở các địa phương trong tỉnh mà còn thu hút đông đảo khách thập phương. Đây là phiên chợ có một không hai trong cả nước diễn ra vào ngày mồng 8 tháng Giêng (sau Tết Nguyên đán) hằng năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có hai chợ Viềng Xuân là: Chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Chợ Viềng Xuân Nam Trực. Sức hấp dẫn của chợ Viềng Xuân bởi phiên chợ mang yếu tố tâm linh của người bán và người mua là cầu may cho một năm mới mọi sự tốt lành.
Hàng bán đồ cổ tại Chợ Viềng xã Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Internet |
Theo truyền thuyết dân gian, nguồn gốc Chợ Viềng Xuân là ở Vụ Bản vì gắn với Phủ Dầy (còn gọi là chợ Phủ). Địa điểm họp chợ trước kia ở xã Kim Thái, sau chuyển sang xã Trung Thành, nay chạy dọc từ Thị trấn Gôi, qua xã Kim Thái và sang xã Trung Thành (đều có các đền phủ của Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy). Thông thường chợ phản ánh sinh động bức tranh kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nhưng với chợ Viềng Xuân trong nền kinh tế thị trường cũng không có nhiều gian hàng bán các sản phẩm thời hội nhập như các mặt hàng điện, điện tử, điện thoại… mà mang một sắc thái riêng. Chợ Viềng Xuân hôm nay như là sự tái hiện lại hình ảnh một phiên chợ của cư dân nông nghiệp từ xa xưa. Chợ chủ yếu bày bán các sản phẩm từ nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp như: các loại cây giống, cây cảnh, thịt bò thui, mía, cào sắt, cuốc, liềm, dao, búa, quang gánh, nón lá… Nói chợ Viềng Xuân là chợ văn hóa bởi từ xa xưa cả người bán và người mua khi đến chợ đều mang tâm thức cầu may: người bán không nói thách, người mua không trả giá vì sợ không bán, không mua được, dễ bị “dông” cả năm… Bởi vậy khi đi chợ Viềng Xuân, ít người về tay không mà bao giờ cũng mang theo một cây giống, cây cảnh hoặc cân thịt bò đem về nhà để có được may mắn về học hành, công tác, lao động sản xuất, kinh doanh… trong một năm mới. Chợ Viềng Xuân cũng là nơi hò hẹn hoặc ước nguyện của các nam thanh, nữ tú đến tuổi lập gia đình: “Chợ Viềng năm có một phiên/ Trai gái tốn tiền mua sắm trầu cau”.
Hàng bán cây cảnh tại Chợ Viềng xã Kim Thái (Vụ Bản). Ảnh: Đức Linh |
Với hàng chục nghìn lượt khách thập phương hành hương đến với chợ Viềng Xuân hằng năm, cùng với những ước nguyện về những điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống, chợ Viềng Xuân còn mang yếu tố lễ hội bởi gắn với Phủ Dầy. Đến chợ Viềng Xuân, khách thập phương không thể không vào thắp hương lễ Mẫu Liễu Hạnh tại các đền phủ trong Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Hàng chục năm nay, người dân xã Kim Thái đã quen với không khí sôi động của đêm mồng 7 tháng Giêng, chứng kiến cảnh hàng trăm ô tô, xe máy của những người buôn bán, làm ăn từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đổ về các đền phủ trong Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy thắp hương lễ Mẫu rồi mua thịt bò thui ở chợ Viềng Xuân về cho bạn bè, người thân trong gia đình ăn lấy may(!). Trong tâm thức dân gian, niềm tin về một phiên chợ cầu may “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ hăm sáu chợ phiên/ Bỏ tổ, bỏ tiên không bỏ chợ Viềng mồng Tám” mang nặng yếu tố tâm linh. Có thể thấy, chợ Viềng Xuân là hình ảnh lễ hội của cư dân lúa nước thờ Nữ thần nông nghiệp với ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sản phẩm thịt bò thui, cây giống, cây cảnh tại chợ Viềng Xuân và đồ tiến cúng là xôi gà, bánh dầy trong các đền, phủ tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy gợi cho chúng ta liên tưởng đến một nghi lễ cầu cúng đã bị mai một trong lễ hội xưa(!).
Không chỉ có yếu tố tâm linh, truyền thuyết về Chợ Viềng Xuân Vụ Bản còn mang màu sắc thần thoại khi giải thích về nguồn gốc của Chợ Viềng Nam Trực và Chợ Viềng Mỹ Lộc. Theo truyền thuyết dân gian, chợ Viềng xưa họp tại xã Kim Thái (Vụ Bản) thu hút đông đảo khách thập phương. Một năm nọ, đúng vào đêm trước của phiên chợ, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, sấm chớp giật đùng đùng. Người dân các huyện phía nam tỉnh (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực nay) không thể đi qua được bến đò Kinh Lũng (Đống Cao - Ý Yên) để sang Chợ Viềng Vụ Bản được nên phải tổ chức họp chợ tại bãi đất trống ở xã Nam Giang (Thị trấn Nam Giang - Nam Trực ngày nay). Còn người dân ở các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam từ mạn Lý Nhân xuống cũng không thể qua sông Châu Giang để đến chợ được nên đành tụ tập tại một bãi đất trống ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) để họp chợ. Chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực) và Chợ Viềng Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) được hình thành từ đó. Trong truyền thuyết dân gian, các chi tiết: Đêm mồng bảy tháng Giêng trời bỗng nổi mưa to gió lớn, sấm chớp giật đùng đùng; rồi cảnh nước sông lên cao, sóng to gió lớn khiến người dân không thể qua bến đò Kinh Lũng và đò qua sông Châu Giang để đến Chợ Viềng Vụ Bản được… mang sắc thái thần thoại. Theo quy luật thời tiết trước đây, tháng Giêng chỉ có mưa xuân lất phất bay chứ không thể có cảnh mưa to, gió lớn, sấm chớp giật đùng đùng… Chi tiết này khiến chúng ta liên tưởng đến chợ Viềng xưa là một lễ hội gắn với nghi thức thờ Nữ thần nông nghiệp. Cảnh người dân ở các vùng xa họp chợ tại Nam Trực, Mỹ Lộc như là sự “bái vọng” thần chủ thờ chính là Nữ thần nông nghiệp (Mẫu) ở Chợ Viềng Vụ Bản gắn với Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Bởi vậy, chợ Viềng trở thành Hội chợ Viềng Xuân.
Ngày nay kinh tế phát triển, nhu cầu du xuân chợ Viềng Xuân của người dân trong tỉnh và khách thập phương ngày càng cao. Bởi vậy Ban tổ chức Chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Chợ Viềng Xuân Nam Trực đã mở rộng thời gian họp chợ trong 2 ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Tại Chợ Viềng Xuân Vụ Bản và Chợ Viềng Xuân Nam Trực mỗi năm mỗi nơi đón hàng chục vạn khách đến mua bán cầu may. Chợ Viềng Xuân Nam Định là chợ văn hóa, trở thành địa chỉ đỏ trong bản đồ du lịch của nhân dân trong tỉnh và khách thập phương trong những ngày đầu xuân mới./.
Trần Đức Long