Tục cướp trái ở làng Tuân Lục

03:01, 22/01/2019

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về làng Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh) để tìm hiểu về một phong tục đã từ lâu gắn bó với người dân nơi đây. Đó chính là tục “cướp Trái” - một nghi thức cầu may đầu năm. Năm nào cũng vậy, sáng mùng 4 Tết, Đền Tuân Lục lại tưng bừng mở hội. Ngoài phần lễ Thánh kính cẩn và trang nghiêm, phần hội với tục “cướp Trái” truyền thống nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của người dân cũng như du khách thập phương.

Đội tế nam quan làng Tuân Lục thực hiện các nghi thức tế, lễ trước khi rước
Đội tế nam quan làng Tuân Lục thực hiện các nghi thức tế, lễ trước khi rước "Trái" ra sân đền.  Ảnh: Văn Huỳnh

Theo các cụ cao niên trong làng, Đền Tuân Lục thờ ông Đỗ Công Hạo (1460-1516) thời Lê sơ. Vốn là người thông minh, học giỏi từ nhỏ, năm 1495, ông mở trường dạy học tại làng để rèn thêm kiến thức mong đi thi thành tài. Năm Mậu Thìn (1508), đời Vua Lê Uy Mục, ông đỗ Tam giác Đồng tiến sĩ, được phong chức quan kỳ hiệu huấn đạo quan (nghĩa là quan huấn luyện quân sự cấp cao và làm việc trong triều đình). Thời kỳ đó, các vua quan nhà Lê chỉ ăn chơi không lo gì đến việc triều chính, bất mãn, ông xin từ quan về quê dạy học. Ngoài việc dạy kinh sách, ông còn dạy học trò về chiến thuật, chiến lược quân sự theo binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Ông tập trung khoảng 100 học trò, chia ra làm 2 phiên dạy về kỹ thuật chiến đấu. Năm Quý Dậu (1513), giặc cướp nổi lên khắp nơi, ông vâng lệnh nhà vua cầm quân đi đánh giặc, lập nhiều chiến công lớn. Khi đất nước bình yên, vua ban thưởng phong nhiều chức tước nhưng ông đều không nhận, chỉ xin về quê dạy học. Ở quê chưa được bao lâu, giặc ngoại lai vào xâm chiếm và giặc cướp nổi lên cát cứ nhiều nơi, ông lại tiếp chiếu chỉ đi đánh giặc. Năm 1516, trong một trận chiến đấu quyết liệt, ông đã hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Khi ông mất, nhân dân vô cùng thương tiếc, tổ chức mai táng trọng thể, tôn ông là Thành hoàng làng và lập đền thờ ngay trên mảnh đất nơi ông đã ngã xuống. Theo truyền thuyết, mộ của ông được đặt ngay cạnh Đền Tuân Lục nơi thờ tự ông. Tục “cướp Trái” đầu năm là một phong tục đẹp không thể thiếu trong hội làng của người dân làng Tuân Lục để tưởng nhớ tới vị Thành hoàng làng và tế lễ ông. Năm 2014, Đền Tuân Lục được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Hai đội chơi chuẩn bị tham gia tục
Hai đội chơi chuẩn bị tham gia tục "cướp Trái".
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Đỗ Hữu Thiệm, một trong những bậc cao niên trong làng cho biết: Cứ tới ngày mùng 4 Tết hằng năm, sân Đền làng Tuân Lục lại chật kín người. Người làng, người xa quê, khách thập phương tụ về dự hội lễ Thánh rất đông. Ngày xưa, tục “cướp Trái” được duy trì đều đặn với đầy đủ các nghi thức hằng năm nhưng đến nay, chỉ những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, người trong làng mới tổ chức đầy đủ các nghi thức của tục “cướp Trái”. Để chuẩn bị cho tục “cướp Trái” dịp đầu năm, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, người dân trong làng đã họp bàn, kính cáo, xin với Thành hoàng làng để đi kiếm “quả Trái”. “Quả Trái” được làm bằng gốc dứa dại, gọt thành hình bầu dục cao 28cm và được cất giấu cẩn thận. Ngày 23 tháng Chạp người dân trong làng chuẩn bị đầy đủ lễ vật ra đền làng trình cáo lên Thánh rồi đem "quả Trái" vào hậu cung. Đến ngày lễ hội, “quả Trái” được các cụ cao niên trong làng rước từ hậu cung ra hương án trước sân đền làm lễ Thánh, rồi tổ chức giao trái, cướp trái khai hội. Bao năm qua, người dân làng Tuân Lục luôn coi tục “cướp Trái” là nghi thức đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh còn tồn tại đến ngày nay. Nói về tục “cướp Trái” đầu năm, đồng chí Vũ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày mùng 4 Tết hội làng mới bắt đầu nhưng từ mùng 3, các cụ trong đội tế lễ của làng đã chỉnh trang khăn xếp, áo the ra đền tế lễ. Ngoài cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa..., các cụ kính cẩn xin Thánh rước “quả Trái”… Khi đã chuẩn bị xong xuôi các thủ tục thì chiều mùng 4 Tết sẽ diễn ra tục "cướp Trái". Tục "cướp Trái" gồm 2 phiên chơi (phiên đỏ và phiên vàng) mỗi phiên 30 người là những người đàn ông trưởng thành trong làng xếp thành 2 hàng đứng tôn nghiêm trước sân đền. Trên hương án có đặt sẵn “quả Trái”. Khi có hiệu lệnh của Ban tổ chức, 2 đội mới chạy ra. Trên sân bãi chơi, người dân trong làng rước kiệu ra chọn lò cái. Khi chọn được lò cái, Ban tổ chức cắm cờ đào hố, theo mỗi hướng đông và tây cách nhau 50m, mỗi phiên chơi sẽ tự đào hố lò con của bên mình. Hố của lò cái được Ban tổ chức tiến hành đào rộng, hình tròn hàm ếch, sâu 60cm. Nghi thức chạy ra sân bãi được quy định phiên nào đứng vòng quanh lò con của phiên ấy, khi quân về đủ số lượng thì tiến hành đổi lò, đổi đến lần thứ 3 thì quân mỗi bên đứng xen kẽ, cách lò cái 3m để chuẩn bị “cướp Trái”. Khi Ban tổ chức có hiệu lệnh xướng loa: Loa... Loa... Loa.../Đông, Tây, Nam, Bắc/Phiên đỏ, phiên vàng/Sẵn sàng kéo hàng xà “cướp Trái”... (kéo hàng xà là hình thức mỗi phiên biểu dương lực lượng của mình trước khi vào lễ cướp trái). Lệnh “cướp Trái” được vang lên bằng tiếng trống, đó cũng là lúc Trưởng ban tổ chức ném trái xuống để hai phiên cùng chơi cướp trái. Bên nào cướp được trái nhanh nhất là thắng cuộc. Kết thúc cuộc chơi, Ban tổ chức lấy trái để lên kiệu Thành hoàng làng rước về đền và tạ ơn. Khác với lễ hội ở các nơi, tục “cướp Trái” ở làng Tuân Lục không có giải nhất, nhì. Tham gia cướp trái, người thắng người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc Thánh lấy may. “Cướp Trái” ở làng Tuân Lục là một phong tục đẹp, độc đáo, đặc sắc được người dân duy trì, bảo tồn và giữ gìn hàng nghìn năm qua. Không chỉ nhắc nhở người dân phải thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, dẻo dai... mà tục "cướp Trái" còn mang ước vọng, khát khao về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. “Cướp Trái” không có giải, thắng thua không quan trọng, quan trọng là tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, niềm vui, sự may mắn sẽ đến với mọi nhà.

Hai đội chơi chuẩn bị tham gia tục
Niềm vui của phiên đỏ khi cướp được "Trái".
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Một mùa xuân mới đang về, ngày mùng 4 Tết người dân làng Tuân Lục lại tưng bừng khai hội. Hàng nghìn năm qua, trò chơi truyền thống của người dân nơi đây đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com