Tục làm bánh dầy dâng Thánh ở Thị trấn Nam Giang

03:01, 22/01/2019

Khi hương xuân vẫn ngập tràn ở các làng quê cũng là lúc người dân ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) nô nức chuẩn bị các phẩm vật dâng Thánh Ngọc Hoa Công chúa nhân dịp lễ hội Đền Giáp Tư được tổ chức vào ngày 8-2 âm lịch hằng năm. Nét đặc sắc trong số các phẩm vật dâng Thánh là những chiếc bánh dầy dẻo thơm được trải qua các công đoạn khắt khe như: chọn gạo, thổi xôi, giã bánh...

Các hộ dân ở khu dân cư Bắc, tổ dân phố số 10, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) giã bánh dầy dâng Thánh dịp lễ hội 8-2 âm lịch.
Các hộ dân ở khu dân cư Bắc, tổ dân phố số 10, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) giã bánh dầy dâng Thánh dịp lễ hội 8-2 âm lịch.

Theo các nguồn thư tịch cổ, Ngọc Hoa Công chúa có nhiều công lao giúp chủ tướng Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Chiêm Thành. Để tưởng nhớ công ơn của Ngọc Hoa Công chúa, hằng năm vào ngày mùng 8 tháng 2 kỷ niệm ngày sinh của Thánh, dân làng thôn Tư tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức văn hóa tâm linh đặc sắc, trong đó có tục dâng và thi giã bánh dầy. Cụ Cao Văn Lý (90 tuổi), tổ dân phố số 10, Thị trấn Nam Giang cho biết: Trước đây thôn Tư có 14 giáp, để chuẩn bị cho lễ hội, mỗi giáp sẽ cử 1 hộ phụ trách việc làm bánh dầy đem ra đền thi trong ngày hội. Để làm ra loại bánh dầy đạt tiêu chuẩn thơm, ngon, trắng, mịn, mỗi giáp đều dành riêng một thửa ruộng để trồng loại lúa nếp mây. Quy trình chăm bón lúa ngoài những cách chung thì mỗi giáp đều có bí quyết riêng để đạt năng suất cao nhất. Đến ngày thu hoạch, thóc nếp phải hong gió trong bóng râm sau đó mới phơi dần ra bóng nắng để hạt thóc khô đều, tránh mối mọt, không gẫy. Ngày lựa thóc vào cót cũng phải xem tiết trời nắng ráo mới tiến hành để hạt thóc không bị ẩm mốc. Trước thời điểm tổ chức lễ hội khoảng 5 ngày, các giáp bắt đầu công đoạn xay thóc. Thóc nếp được xay đều tay, khi đã lọc được phần gạo và phần trấu, người xay phải loại bỏ những hạt chấm đầu ruồi và tránh thóc sạn lẫn trong gạo; sau đó gạo được bảo quản để chuẩn bị sát ngày thi mới đem ngâm, đồ xôi và giã. Trước khi giã bánh, các giáp phải chuẩn bị đủ các nguyên liệu như: lá chuối, cây mai, gốc tre… Lá chuối để lót bánh dầy không rách, không sâu. Gốc tre được chọn làm chày giã bánh là loại tre già, được xử lý sạch sẽ. Cối để giã bánh là loại cối đá lớn, giã bằng chày đứng hoặc giã bằng chày ngang có cán gỗ qua một lượt vỉ buồm. Vỉ giã bánh dầy được đan bằng thân cây mai (cây họ tre). Quá trình xử lý gạo để làm bánh dầy cũng lắm công phu. Gạo được lựa chọn xong ngâm 1 ngày 1 đêm mới tiến hành đồ xôi, giã bánh. Mỗi cữ đồ thường 15kg gạo. Nước đồ xôi phải là nước mưa tinh khiết. Chõ đồ xôi bằng đất nung, đậy lên trên một chiếc vung bằng đất được nặn vồng cao để giữ nhiệt. Trong quá trình đồ phải giữ lửa cháy đều, đảm bảo đủ nhiệt cho xôi không bị khô. Đến khi chõ xôi phả hơi có mang theo hương nếp thì mở vung, vỗ nhẹ lên mặt nếp, nếu không dính tay là đạt yêu cầu. Giã bánh là công đoạn quan trọng và đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật. Xôi còn nóng hổi được đưa vào cối. Trong làn khói của xôi nóng bốc lên, 3-5 người sẽ cùng phối hợp, người giã chày phải phối hợp đều nhịp, người vuốt chày phải nhanh tay đảo khối xôi. Mỗi khối xôi khi được giã nhuyễn vẫn còn nóng chuyển sang cho người ở bộ phận xoa bánh. Đáy bánh được đặt lá chuối cắt hình tròn, từ đó người xoa bánh tiếp tục chỉnh cho bánh tròn theo đáy. Bí quyết để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon cho bánh là xoa lòng đỏ trứng gà luộc vào tay khi nặn bánh. Bánh dầy đạt chuẩn là phải cao thành, mặt trắng bóng, dẻo mịn nhưng không chảy nhão. Sau khi hoàn thành các công đoạn, bánh sẽ được để ở kiệu và rước ra đền. Tại đền, 14 giáp bốc thăm vị trí để đặt bánh; sau đó làm lễ tế dâng bánh dầy lên Thánh. Ban giám khảo cuộc thi gồm các vị cao niên trong làng sẽ chấm điểm với tiêu chí, bánh nào tinh khiết, thơm dẻo, mịn, sẽ giành giải. Theo quan niệm, giáp nào đoạt giải trong cuộc thi bánh dầy thì năm đó cả giáp sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió. Sau cuộc thi, bánh của giáp nào được mang về giáp đó và từng hộ trong giáp thụ lộc Thánh.

Ngày nay, thôn Tư gồm tổ dân phố số 10 và tổ dân phố số 11 tuy không tổ chức thi bánh dầy nhưng vẫn duy trì mỹ tục của các bậc tiền nhân. Cứ đến dịp lễ hội mùng 8 tháng 2, các hộ dân ở khu dân cư Bắc, tổ dân phố 10 đều bầu một gia đình đứng ra đảm nhận việc giã bánh. Các hộ thổi chung một loại xôi gạo nếp mây truyền thống tại gia đình rồi mang đến nơi giã bánh. Các quy trình để làm bánh dầy truyền thống ở thôn Tư trước đây vẫn được giữ nguyên. Trung bình một mẻ bánh dầy mất khoảng 5kg xôi và giã liên tục trong vòng 45 phút mới nhuyễn; mỗi mẻ nặn từ 15-17 chiếc bánh đường kính 20cm. Trước khi chia bánh loại nhỏ cho các hộ dân để thắp hương báo cáo gia tiên thì chiếc bánh to nặng khoảng 15kg sẽ được cho vào kiệu rước ra đền lễ Thánh; sau đó tất cả tề tựu ở sân đền chia chiếc bánh to để thụ lộc. 

Giã bánh dầy dâng Thánh với nguyên liệu là sản vật từ nông nghiệp tuy giản đơn nhưng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, tục giã bánh dầy dâng Thánh ở Thị trấn Nam Giang còn mang ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng, có tác dụng giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử - văn hóa, gắn kết tình làng nghĩa xóm, là một nét đẹp văn hóa ẩm thực cần được trao truyền và phát huy./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com