Đổi thay nơi vùng đất cổ

08:01, 16/01/2019

Về xã Trung Đông (Trực Ninh), chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay của một vùng đất cổ. Những ngôi nhà cao tầng san sát xen kẽ những con đường hoa đầy màu sắc và những cánh đồng mẫu lớn trải dài xanh mướt. Các công trình kết cấu hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Cảnh vật và con người nơi đây hoà cùng âm thanh vang vọng của các làng nghề mộc, nề truyền thống đã tạo nên bức tranh Xuân tươi mới, tràn đầy sức sống.

Nằm trong vùng đất cổ văn vật của trấn Sơn Nam Hạ, người dân Trung Đông luôn tự hào với truyền thống văn hiến của quê hương. Trải qua gần 1.000 năm mở đất, gây dựng cơ nghiệp, thời kỳ nào Trung Đông cũng có hiền tài đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tiêu biểu là các cụ: Trần Công Phác, Trần Công Phạm, Nguyễn Vũ Diễn, Nguyễn Vũ Trực ở làng Xối Đông Hạ; Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương Long ở làng Xối Đông Thượng. Trải qua nhiều thời kỳ lao động cần cù, kiên cường chống chọi với thiên tai, các thế hệ người dân Trung Đông đã biến vùng đất sa bồi sình lầy thành những cánh đồng phù sa màu mỡ, các xóm làng mọc lên san sát, dân cư đông đúc. Thời gian đầu, người dân lấy nghề trồng lúa, chăn nuôi gia súc, đánh bắt tôm cá làm nguồn sống chính. Cùng với sự phát triển làng xã và sự giao lưu kinh tế, nhiều ngành nghề thủ công được người dân phát triển thành những ngành nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương như: dệt, thêu ren, kéo vải, mộc, nề, đan lát, phường đẩu (đóng đất ngầm)… 

Hệ thống các đình, đền, chùa ở Trung Đông đều là những công trình văn hoá tín ngưỡng có quy mô bề thế tồn tại cách đây chừng 600-700 năm, in đậm dấu ấn kiến trúc văn hoá thời Lý - Trần; tiêu biểu như: Chùa Phúc Lâm, Chùa Đông Trung, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Hạ, Đền Hai Giáp, Đền Ba Giáp, Từ đường họ Nguyễn Vũ… Đời sống văn hoá tinh thần của người dân Trung Đông rất phong phú với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc gắn liền với tín ngưỡng thờ Phật, thờ tổ tiên, thờ nhân thần. Các lễ hội làng nơi đây vừa in đậm dấu ấn bản sắc văn hoá của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng, vừa mang nét đẹp văn hoá bản địa riêng biệt. Cứ vào ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng hằng năm, nhân dân 3 thôn: Đông Thượng, Đông Trung, Đông Hạ lại tưng bừng mở hội làng truyền thống. Lễ hội là dịp để dân làng tưởng nhớ, tri ân công đức đến các vị Thành hoàng làng và các tướng lĩnh của Ba Đồn Binh thời Trần (di tích Đền Trung - Đền Thượng - Đền Hạ) có công đánh giặc Nguyên - Mông là Trần Phạm, Bùi Khiết, Bùi Tuyết, Trương Long. Ở thôn An Mỹ, cứ vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch, dân làng lại mở hội để tỏ lòng thành kính Hai Bà Trưng. Ở thôn Đông Thượng, cứ vào ngày mồng 3 Tết hằng năm diễn ra phiên chợ “se duyên” tại khu vực Chùa Phúc Lâm. Từ tờ mờ sáng, du khách và người dân Trung Đông đã háo hức tìm về thôn Đông Thượng để thắp hương cúng Phật, cầu tài, cầu lộc và hoà mình vào không khí tưng bừng của phiên chợ để mua sắm trao đổi hàng hóa, nhất là còn để cầu duyên đối với những thanh niên nam nữ còn độc thân. Phiên chợ “se duyên” tuy chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ và diễn ra 1 ngày nhưng vẫn mang đậm nét đẹp văn hoá quê hương. 

Trao đổi với chúng tôi về sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của quê hương, đồng chí Vũ Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Trung Đông cho biết: Thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng uỷ, UBND xã đã xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động sát với tình hình địa phương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong sản xuất nông nghiệp, xã xác định đổi mới sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tổng diện tích gieo cấy ở xã đạt 407,4ha, năng suất lúa năm 2018 đạt 125,29 tạ/ha; trong đó vụ xuân 68,97 tạ/ha, vụ mùa 56,22 tạ/ha. Từ việc định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, nhân dân trong xã đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm đã nhân rộng ở khắp 28 thôn, xóm. Cơ cấu kinh tế ở xã chuyển dịch từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ, thương mại và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Với lợi thế có nghề thêu ren xuất khẩu, mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống cùng với hoạt động giao thương hàng hóa sôi động, xã Trung Đông đã đưa một số ngành nghề mới như chế biến lâm sản, cơ khí, xây dựng đi vào hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Do tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, số hộ khá và giàu trong xã tăng nhanh, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,92%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm. 

Cùng với việc lãnh đạo, phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã đã huy động sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020). Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, xã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các hộ dân ở các thôn, xóm đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí nạo vét, kiên cố hoá kênh mương, mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; 100% đường trục thôn, xóm được bê tông hoá; 80% đường nội đồng được cứng hoá… Từ năm 2010 đến nay, các công trình phúc lợi phục vụ sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân như 6 trường học, 1 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp. Xã đã xây dựng được khu xử lý rác thải ở 3 khu vực: Trung Lao, Đông Thượng, Trực Đông; thành lập tổ thu gom rác thải ở cả 28 thôn, xóm. Từ nguồn kinh phí xã hội hoá, hiện cả 28 thôn, xóm trong xã đều xây dựng được nhà văn hoá, khu vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao, trung tâm sinh hoạt cộng đồng với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Hiện cả 28 thôn, xóm trong xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; tỷ lệ gia đình văn hoá hằng năm luôn đạt 80-90%...

Đổi thay ở Trung Đông hôm nay là thành quả từ những nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống cần cù trong lao động, sản xuất và chiến đấu cùng với sự năng động, sáng tạo trong công cuộc đổi mới, người dân Trung Đông sẽ có những mùa Xuân thật ấm no, hạnh phúc./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com