“Tháng chín động rươi, tháng mười động ra”(!). Cứ vào đầu đông, khi mặt nước sông trong vắt, phẳng như gương, soi rõ từng lá cây, ngọn cỏ trên bờ, người dân vùng ven biển quê tôi lại bắt đầu vào mùa bắt cua ra.
Ảnh: Internet |
Ngày trước, khi chưa trở thành đặc sản được ưa chuộng trong các nhà hàng như bây giờ, cua ra nhiều vô kể, nhất là ở những con sông phù sa màu mỡ. Ông ngoại tôi từng kể, có ngày động trời, cua bơi lên kết thành đàn to như mảng bèo lục bình trôi trên mặt sông. Mỗi lúc gió lạnh tràn về, bố tôi thường soạn sửa lưới vó, ra cất cua ra ở cửa cống thông giữa ao và sông. Giống cua ra rất lạ, bình thường chui tận trong hang sâu nằm giữa những kè đá, nhưng vào những đêm trời càng tối càng lạnh, chúng mới rủ nhau đàn lũ đi kiếm ăn. Trong lúc bố chọn chỗ đặt vó, mấy chị em tôi cầm đèn chai đứng trên bờ, xúm xít dựa vào nhau, kéo kín cổ áo cho đỡ lạnh. Chúng tôi đứa đeo giỏ, đứa cầm hũ mồi được trộn bằng cám gạo, mẻ và tôm tép giã nhỏ, chờ bố hạ vó xuống là vo một viên mồi ném vào lòng vó. Chừng vài phút, bố kéo vó lên một lần. Chúng tôi reo hò ầm ĩ khi nhìn thấy mấy chú cua ra bò lổm ngổm giữa những con tôm, con cá đang búng nước tanh tách. Giống cua ra có đôi càng rất sắc, dễ làm rách lưới nên bố phải cẩn thận đặt vó trên bờ cho chúng bò ra ngoài rồi chị em tôi mới xông vào tóm gọn từng con cho vào giỏ. Dù mấy bố con vẫn còn ham cất vó, song khoảng hơn chín giờ là mẹ đã chạy ra, giục chúng tôi về kẻo lạnh. Những con cua ra to bằng khoảng ba con cua đồng, màu xanh đá, hai càng bám một lớp rêu thật mịn màng được đổ ra chậu thau, bò rổn rảng nghe thật vui tai. Cua ra tháng mười con nào cũng chắc và béo, nhưng nếu luộc, mẹ tôi thường chọn những con mặt dưới yếm và chân có màu đen, bởi đó là những con vừa nhiều thịt, lại chắc gạch. Mẹ rửa sạch cua cho vào nồi cùng mấy cây sả đập dập, ban đầu để lửa liu riu cho cua khỏi rụng càng, sau mới đun sôi bùng lên cho tới khi cua chín chuyển màu vàng cam hấp dẫn. Mẹ vừa đổ ra đĩa, mỗi đứa đã nhanh tay chọn lấy một con. Bóc mai cua, dùng thìa nhỏ nạo cục gạch đỏ au, chắc nịch, bùi ngậy ăn trước rồi mới ăn đến phần thịt cua trắng nõn, ngọt lịm, cuối cùng nhẩn nha bẻ từng chiếc càng giòn tan, nhằn thịt, chấm với muối tiêu chanh ớt. Đêm tháng mười, trong gió lạnh đầu mùa, ngồi nhấm nháp cua ra luộc nóng hổi, xuýt xoa hít hà những gia vị cay nồng của bát muối chấm đã trở thành ký ức ngọt ngào của chị em tôi.
Bây giờ, mỗi độ tháng mười, cua ra được các nhà hàng bán đồ hải sản trên phố về tận vùng ven biển quê tôi thu mua nên nhiều khi, đi khắp chợ quê chẳng tìm thấy bóng dáng những con cua ra màu xanh đá. Lại thèm một lần được trở về tuổi thơ, theo bố đi cất vó, bắt cua ra bên bờ sông lộng gió./.
Lam Hồng