Huyện Xuân Trường có 165 di tích lịch sử - văn hóa đã được lập hồ sơ quản lý, trong đó có 31 di tích đã được xếp hạng (9 di tích cấp bộ, 22 di tích cấp tỉnh). Hằng năm, huyện đều hướng dẫn các xã, thị trấn lập kế hoạch bảo vệ và tăng cường công tác quản lý những di vật, cổ vật, giá trị di sản gắn liền với di tích; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích và Ban khánh tiết của các di tích. Phòng Văn hóa huyện tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và các thành viên trong ban quản lý di tích để hướng dẫn những vấn đề liên quan đến quản lý di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn giá trị di tích lịch sử văn hóa, từ đó tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ di tích.
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng) - một trong những lễ hội lưu giữ được khá nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của huyện Xuân Trường. |
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa hằng năm trên địa bàn huyện được đẩy mạnh theo tinh thần xã hội hóa đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ, đóng góp của đông đảo các tổ chức và cá nhân, những người con xa quê hương, phát tâm công đức của bà con xa gần. Những năm qua, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hàng chục di tích trên địa bàn huyện đã được trùng tu, tôn tạo đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Tiêu biểu, mới đây chùa Trung (xã Xuân Trung) đã huy động từ nhân dân trên 3 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo nhà thờ tổ, khuôn viên. Chùa Ngọc Tỉnh (Thị trấn Xuân Trường) đã được các cá nhân, các doanh nghiệp và bà con quê hương ủng hộ gần một chục tỷ đồng để tu bổ chùa, khuôn viên và các công trình phụ trợ. Đền và chùa Kiên Lao (xã Xuân Kiên) được con em xa quê hương đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa các hạng mục khuôn viên, nhà khách, nhà tổ. Chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng), nhiều năm qua, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích, từ nguồn công đức của nhân dân trong mỗi dịp lễ hội, Ban quản lý di tích chùa Keo Hành Thiện đã tu sửa, tôn tạo hệ thống đường giao thông, cảnh quan môi trường, khuôn viên khu di tích. Đền và chùa Thọ Vực (xã Xuân Phong) đã được người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để kè toàn bộ bờ hồ trước đền và chùa, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành. Đền Hạc Châu và từ đường họ Nguyễn, xã Xuân Châu (di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh) đã huy động được hàng trăm triệu đồng từ nhân dân và trong dòng họ để tu bổ khuôn viên, bờ hồ, hàng rào, nhà khách. Từ đường họ Phạm gốc Mạc, xã Xuân Kiên là di tích cấp tỉnh, đã được con cháu đóng góp gần 1 tỷ đồng để tôn tạo, tu bổ. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, hằng năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang đậm bản sắc quê hương. Phòng Văn hóa huyện tăng cường quản lý, hướng dẫn lễ hội theo tinh thần giảm phần lễ, tăng phần hội. Nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy như: thi bơi chải đứng, chơi cờ người, tổ tôm điếm, thổi cơm thi trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng; rước, tế, đấu vật trong lễ hội đền Xuân Bảng, xã Xuân Hùng; thi làm cỗ, đánh cờ, tổ tôm điếm trong lễ hội đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; bơi chải cạn, múa rối nước trong lễ hội chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh; thi đấu vật, bơi chải, côn quyền, múa kiếm trong lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh; cúng lợn ỉ, bánh dầy, đi kheo, múa sư tử trong lễ hội đền và chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên; đấu vật, leo cầu ngô, bắt vịt, thi làm cỗ, hát chèo trong lễ hội đền và chùa Thọ Vực xã Xuân Phong; rước kiệu, múa sư tử, bơi chải, đánh cờ, tổ tôm điếm trong lễ hội đền và chùa An Đạo; lễ hội đền Liêu Đông, xã Xuân Tân; chạy địch thủy - địch hỏa, thi làm cỗ, làm bánh, đu tiên trong lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng… Công tác bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa dân gian ở Xuân Trường đang được thực hiện rất tích cực, góp phần vào việc phát huy bản sắc dân tộc và những bài học về lịch sử, truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông.
Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Xuân Trường những năm qua đã góp phần đáng kể vào công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các di tích lịch sử văn hóa đã và đang được bảo lưu, gìn giữ là những bằng chứng sinh động và là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, qua đó nâng cao ý thức coi trọng những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương. Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý, bảo vệ các di sản văn hóa, nhằm phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Huyện chỉ đạo các địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn sử dụng các nguồn kinh phí đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu hiện vật; tăng cường quản lý các lễ hội truyền thống song song với đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa./.
Bài và ảnh: Minh Thuận