Pháo đất

07:05, 03/05/2013

Từ bao đời nay, trò chơi pháo đất đã trở nên rất đỗi quen thuộc với trẻ con nông thôn quê tôi. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần, gắn liền với những kỷ niệm sâu sắc trong suốt những năm tháng ấu thơ của mỗi con người.

Theo các cụ già thì trò chơi dân gian hấp dẫn này ra đời từ khi ông cha ta chống giặc Nguyên xâm lược. Thuở ấy, trong một lần tiến quân, con voi của Đức Hưng Đạo Vương chẳng may bị sa lầy. Dân làng ở quanh vùng đó cùng với binh lính đã dùng đất ném xuống bãi lầy đắp đường cho voi chiến lên. Sự việc đó hằng năm đều được diễn lại và trò chơi pháo đất được hình thành. Nhưng cũng có người cho rằng trò chơi này lại được ra đời từ công cuộc đắp đê chống lụt của cư dân người Việt từ thời tiền sử… Chuyện về nguồn gốc của trò chơi pháo đất cứ xa xăm và thiêng liêng như thế, còn đối với chúng tôi thì pháo đất là một trò chơi gần gũi, giản dị và hấp dẫn vô cùng.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trò chơi này diễn ra quanh năm nhưng thực sự sôi nổi là vào những ngày hè. Chúng tôi có thể chơi pháo đất ở bất kỳ nơi đâu, từ góc sân nhà, thềm giếng cho đến khoảnh đất ở đầu làng, trên mặt đê hay ngoài bờ ruộng… và chơi trong lúc rảnh rỗi, khi chăn trâu, phút giải lao trong mỗi buổi mò cua, bắt cá… Đất dùng để làm pháo là loại đất thịt ở bãi sông, có độ dẻo và dính vừa phải. Đặt viên đất lên lòng bàn tay phải rồi dùng tay trái ép cho đất dẹp lại, rồi lấy ngón tay miết đều từ giữa miếng đất ra xung quanh tạo thành bờ. Sau đó, chúng tôi đồng loạt giơ pháo lên rồi ném mạnh xuống, phần đáy pháo vỡ ra tạo thành một lỗ thủng, thoát ra âm thanh độc đáo, rất vui tai. Tiếng pháo to hay nhỏ, vang hay trầm phụ thuộc vào lớp đất đáy pháo mỏng hay dày, lực ném pháo xuống mạnh hay nhẹ. Đất từ lỗ thủng ở đáy pháo một phần xoăn lại, cuộn tròn ra xung quanh một phần bay khỏi pháo, văng tứ tung. Mặt mũi, chân tay, quần áo chúng tôi dính lấm lem đất cát, trông ngộ nghĩnh vô cùng.

Từ đồ chơi pháo đất, chúng tôi thường tổ chức các cuộc thi pháo đền và pháo văng. Cuộc thi pháo đền dành cho loại pháo nhỏ và ít người chơi. Ban đầu, mỗi đứa đều có một nắm đất bằng nhau để nặn pháo. Sau mỗi lần ném, pháo của ai nổ vang và tạo thành lỗ thủng to nhất thì sẽ được đền bằng những mẩu đất có kích thước vừa bằng lỗ thủng đó. Số đất mà các người chơi phải đền ấy không được lấy ở ngoài và phải cấu ra từ những quả pháo của mình. Sau nhiều lượt chơi, những ai không còn đủ đất để đền và nặn pháo là thua cuộc. Người thắng cuộc cuối cùng thường thuộc về những ai giỏi chọn đất, khéo nặn pháo cũng như có kỹ thuật ném pháo. Còn thi pháo văng thì cần lượng đất lớn hơn nhiều và những người chơi được chia thành các đội, mỗi đội chơi có khoảng vài người. Đất pháo được nặn tròn rồi vỗ mỏng, to bằng cái vung nồi hoặc cái mâm. Một người nâng tảng đất ấy lên còn một người thì dùng hai tay bấm một vòng tròn xung quanh, tạo thành một vành đất hướng xuống, trông giống như chiếc khăn vấn đầu của người phụ nữ ngày xưa. Sau đó, người chơi lấy đà quăng pháo ra xa. Pháo bay và ụp mạnh xuống đất, tạo ra tiếng nổ, đồng thời một vành đất được văng ra. Pháo của đội nào kêu to vang, vành đất văng ra dài hơn và không bị đứt thì được coi là nhất cuộc chơi…

Ngày nay, trẻ con nông thôn không còn chơi pháo đất nữa, nhưng may mắn thay, các cuộc thi pháo đất vẫn còn được tổ chức trong hội làng ở một số địa phương. Hy vọng hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian này sẽ được giữ gìn cho các thế hệ mai sau…

Trần Văn Lợi
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com