Sự ra đời của in-tơ-nét đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho con người trong việc trao đổi và tiếp nhận thông tin. Trên thực tế, in-tơ-nét không chỉ là kho tàng tri thức phong phú, đa dạng, giúp mọi người tìm kiếm, khai thác thông tin phục vụ nhu cầu công việc hoặc giải trí, mà in-tơ-nét còn là công cụ để liên lạc, giao lưu, chia sẻ. Ở Việt Nam, in-tơ-nét đã trở nên quen thuộc trong đời sống, với sự xuất hiện của các diễn đàn, blog cá nhân và gần đây là sự bùng nổ của các trang mạng xã hội. Sẽ không có gì đáng nói nếu mọi chuyện diễn ra một cách bình thường, nhưng đáng nói là trên một số trang web, diễn đàn, hay mạng xã hội thời gian qua, nhiều người đang lạm dụng tính chất phổ biến của in-tơ-nét để phục vụ cho những mục đích sai lệch, thậm chí sai trái, thiếu văn hóa.
Cập nhật thông tin trên Báo Nam Định điện tử. Ảnh: Nguyễn Thanh Thúy |
Hiện ở nước ta, số người sử dụng blog đã lên đến con số hàng triệu, từ ngày có các trang mạng xã hội, số người tham gia càng đông hơn. Và do văn hóa in-tơ-nét chưa được coi trọng cho nên nhiều người sử dụng các phương tiện này như địa chỉ "ngồi lê đôi mách", vì ở đó ai cũng có thể phát ngôn bừa bãi, rồi chế giễu; ai cũng có thể chỉ trích, lên án, kèm theo ý kiến là trích dẫn, minh họa, ảnh ghép tùy tiện, vô trách nhiệm. Một số nghệ sĩ cũng tham gia vào hoạt động này. Do đặc thù nghề nghiệp, họ thường được nhiều người biết mặt, biết tên và vì thế, lời nói của họ cũng gây sự chú ý hơn. Đáng tiếc là một số người đã đi từ chuyện nghề sang chuyện đời của người khác kéo nhau lên status - trạng thái, note - ghi chép, minh họa cho photo - ảnh, link - liên kết đến bài viết, kèm theo rất nhiều comment - bình luận; càng nhiều người tham góp thì vấn đề được đề cập càng bị đẩy xa, thậm chí họ đưa ra những bình luận mang tính mỉa mai, khích bác, thóa mạ, ngôn từ tục tĩu... Bên cạnh đó, phải nói rằng, gần đây một số tờ báo mạng hay diễn đàn lớn đã và đang sử dụng in-tơ-nét như là một công cụ truyền thông nhằm đánh bóng tên tuổi. Có nhân vật chưa ai biết mặt, biết tên, thì chỉ qua mấy lời tán dương, khen ngợi trên diễn đàn, báo điện tử, hoặc clip biểu diễn được đưa lên YouTube là lập tức trở thành "người nổi tiếng". Rồi người thân, bạn bè, thậm chí là chính nhân vật ấy cũng tự tâng bốc mình, và sau khi được tung hô, được gắn mác "sao", họ tự cho mình quyền được chê bai, xúc phạm hoặc bôi nhọ uy tín của người khác. Một số trường hợp, tin tức chưa biết thực hư ra sao vẫn được cộng đồng cư dân mạng truyền bá, thêm thắt, thu hút những người hiếu kỳ, gây nhiễu loạn dư luận, đáng chú ý là trong đó có cả loại tin tức bịa đặt, xuyên tạc.
Ở thời đại công nghệ thông tin, sự ra đời và phát triển hết sức mạnh mẽ của in-tơ-nét là một thành tựu lớn của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, dù in-tơ-nét đem tới các tiện ích như thế nào thì ý nghĩa văn hóa và hiệu quả xã hội của nó trước hết vẫn phụ thuộc vào thái độ và ứng xử văn hóa của người sử dụng. Nói cách khác, in-tơ-nét chỉ thật sự có ý nghĩa xã hội đối với con người khi nó đáp ứng được các nhu cầu của sự phát triển. Chính vì thế, từ phản ứng gay gắt của dư luận về các hành vi lợi dụng in-tơ-nét để phô diễn hành vi thiếu văn hóa, tác động tiêu cực tới xã hội, không chỉ mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân mà các cơ quan chức năng cũng cần sớm có các biện pháp ngăn chặn để lành mạnh hóa in-tơ-nét, bảo vệ tiến trình đi lên của văn hóa dân tộc./.
Theo: Nhân Dân