Đề tài lớn trong sáng tác hiện nay

08:03, 08/03/2012

Tổ quốc, cách mạng là đề tài lớn của bất cứ người nghệ sĩ cầm bút chân chính nào, từng tạo nên những tác phẩm có giá trị trong nền văn nghệ dân tộc. Những năm quân dân cả nước xả thân đấu tranh vì độc lập dân tộc, những vần thơ, áng văn như những tiếng lòng chan chứa bầu nhiệt huyết, những cảm xúc thăng hoa trong những thời khắc xúc động nhất và rất nhiều nhân vật hiện ra trong các tiểu thuyết, truyện ngắn đích thực là những con Lạc, cháu Hồng, cùng chung nỗi niềm, khát vọng của một cộng đồng trong bối cảnh xã hội đồng biến động. Rõ nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Cả một kho tàng ca khúc cách mạng, trong đó âm hưởng về Tổ quốc luôn vang ngân hào sảng, tha thiết nhất, vẫn còn làm mê đắm hàng triệu trái tim công chúng ngày hôm nay và bao thế hệ người nghe những năm qua. Đâu phải tất cả những hình tượng trong văn xuôi chỉ là "cái loa minh họa cho những nội dung tuyên truyền"? Phải đâu tất cả thơ khi ấy chỉ là khẩu hiệu? Và đâu phải khi ấy sân khấu không phải là thánh đường và điện ảnh chỉ là bước đi ban đầu ấu trĩ. Việt Bắc của Tố Hữu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Đất nở hoa của Huy Cận, Đầu súng trăng treo của Chính Hữu… vẫn trùm bóng lên thơ ca từ đó mãi đến tận bây giờ. Có thể thơ ngày nay phát triển, nở rộ như nấm sau mưa. Có thể thơ tình biểu hiện mọi ngóc ngách của đời sống tinh thần con người là rất cần, rất nên. Nhưng thử hỏi: Người ta có mấy khi cần đến, cũng tức là ý nghĩa xã hội vì thế mà hạn chế, nhất là khi tác giả thể hiện cái tôi, cái chủ thể cảm xúc còn quá chênh vênh trong việc gắn nó với cộng đồng, xã hội. Những Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sóng gầm (Nguyên Hồng), Bão biển (Chu Văn), Xung đột (Nguyễn Khải)… vẫn để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc về Tổ quốc, về cách mạng, những nội dung lớn liên quan đến số phận mỗi con người mà cho đến hôm nay, hầu như thiếu vắng trong văn xuôi. Nhìn sang địa hạt sân khấu và điện ảnh - những chủng loại nghệ thuật đem nội dung tác phẩm đến với người xem qua khâu diễn viên làm phương tiện chuyển tải, ta cũng thấy rõ tình trạng tương tự. Nhiều tác phẩm sân khấu của Đào Hồng Cầm, Học Phi, sau đó là của Xuân Trình, rồi Lưu Quang Vũ vẫn mãi mãi in những dấu son chói lọi về những đề tài lớn khiến tất thảy người xem không thể dửng dưng. Những vở kịch của họ đã cuốn người xem vào những cảm xúc lớn liên quan đến vận mệnh Tổ quốc, trong đó có số phận mỗi con người. Nhiều thế hệ công chúng hẳn không thể quên những bộ phim ra đời từ nhiều chục năm trước, đến hôm nay nếu xem lại vẫn vẹn nguyên hứng thú thẩm mỹ bởi chất lượng nghệ thuật và những vấn đề lớn lao, sâu sắc đặt ra trong phim. Đó là những Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Đường về quê mẹ, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và sau này là Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng 10.

Có thể người viết đã bỏ sót trong việc nêu tên những tác phẩm xuất sắc có đề tài lớn và việc biểu hiện đề tài ấy đã rất thành công nhưng cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy: Những tác phẩm có giá trị như thế càng ngày càng ít xuất hiện. Người viết có khuynh hướng lảng tránh những đề tài lớn như đã nói để tìm đến việc ly kỳ, rắc rối hóa cuộc sống hoặc nhấm nháp những cảm xúc riêng tư. Nếu là văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết) thì đi tìm những cốt truyện rối rắm, tạo dựng những nhân vật mang những tâm trạng, tính cách nhiều khi xa lạ với tâm lý người Việt Nam. Nếu là thơ thì hoặc là thơ tình, hoặc là biểu hiện những cảm xúc có phần vu vơ, lạc lõng. Chẳng ai ấu trĩ để cho rằng đề tài lớn này biểu hiện, miêu tả tình yêu, những chuyện rất riêng tư. Nhưng nói chuyện riêng mà lại phản ánh được sâu sắc xã hội, đất nước lại là việc khác. Và đó mới thực sự là yêu cầu cao cả của văn nghệ đối với người sáng tác. Đó cũng mới thực sự là tài năng mà không phải bất cứ người cầm bút nào cũng đạt được. Hẳn là nhiều người biết bài thơ Đợi anh về rất nổi tiếng của nhà thơ Xô viết Xi-mô-nốp. Tác giả cho ra đời bài thơ vào đúng những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Một bài thơ tình trăm phần trăm, diễn tả nỗi nhớ thương, lời nhắn gửi của chàng trai Hồng quân dành cho người thương ở lại hậu phương. Giọng điệu cả bài buồn, nhớ, lắng đọng mà vẫn vút lên một âm thanh lạc quan. Và hình tượng Tổ quốc đã hiện ra trong bài thơ đó thật lớn lao, mặc dù tác giả chẳng nói gì về từ đó. Cũng như vậy đối với trường hợp bài thơ Đứa con trai của An-tô-côn-xki hoặc bài hát Chiều hải cảng của Xô-lô-pi-ép Xê-đôi. Toàn nói đến những mối quan hệ riêng tư mà dào dạt một tình yêu Tổ quốc.

Dĩ nhiên là ai cũng chấp nhận một lý lẽ: sống ở thời bình, con người hiện ra trong mọi tác phẩm văn nghệ không thể giống như trong thời chiến. Con người hiện nay phong phú, góc cạnh, đa dạng, phức tạp hơn nhiều. Cần miêu tả sâu sắc mọi khía cạnh tâm lý trong mối quan hệ đan dệt, chằng chịt ở cuộc sống hiện tại. Vâng, quả đúng như thế. Nhưng không bao giờ có con người nào lại đứng ra ngoài bối cảnh xã hội. Đã vậy thì qua họ phải thấy xã hội biến động, thấy âm ba của những cuộc cách mạng đang diễn ra, thấy Tổ quốc. Hiện nay, cuộc vật lộn của toàn Đảng, toàn dân ta để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, để vươn lên hòa nhập với quốc tế, há chẳng phải là một cuộc cách mạng vô cùng lớn lao? Đâu có dễ dàng hơn những cuộc cách mạng trong quá khứ?. Nhưng văn nghệ hiện nay còn quá ít những tác phẩm phản ánh được đúng tầm chứ chưa nói là sâu sắc những vấn đề của cách mạng, của xã hội đang diễn ra, ít nhất là chưa được bằng những tác phẩm trong quá khứ đã nhắc đến.

Không thể có lý giải nào khác ngoài 2 yếu tố của người sáng tác: Nhận thức, tài năng. Lứa cầm bút trên 60 tuổi vẫn còn nguyên nhận thức đúng đắn và có thể cả nhiệt huyết, song sức viết không thể như trước do gánh nặng tuổi tác. Lứa trẻ hơn có thể có năng lực nhưng ý thức về đề tài Tổ quốc, cách mạng không thường trực trong đầu mà thay vì là thích tìm mọi cách biểu hiện mình bằng những tìm tòi theo hướng rắc rối hóa. Xin hãy nhớ một câu nói nổi tiếng: "Cuộc sống càng lớn lao, con người càng vĩ đại thì lại càng giản dị, dễ hiểu". Cuộc sống hôm nay, con người hiện tại phong phú, đa dạng không có nghĩa là rối rắm, càng không kỳ quặc, thậm chí bệnh hoạn như nhiều người từng miêu tả. Chỉ có gắn mỗi số phận với xã hội, Tổ quốc trong việc biểu hiện họ mới mong gặt hái được thành công trên văn đàn./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com