Dư vị quà quê

08:03, 08/03/2012

Người ta thường bảo khi bạn đặt chân đến một vùng quê nào đó, muốn biết nơi ấy giàu hay nghèo hãy bước chân ra chợ. Nhưng không hẳn vì câu nói này mà mỗi lần về quê, tôi lại tìm đến chợ...

Làng tôi thuần làm nghề nông, người dân quanh năm tảo tần với tiết nắng, tiết mưa bám con trâu cái cày. Thu nhập thường chỉ dăm ba lần trong một năm, ấy là khi bán được mấy tạ thóc, đàn gà, lứa lợn hay buồng chuối... Đồng tiền kiếm được khó khăn là vậy, nên giao dịch về tiền bạc cũng vì thế mà thưa thớt lắm. Cho đến bây giờ, nếu ở chốn thị thành, người ta than vãn là không ngày nào tiêu dưới vài trăm nghìn với đủ thứ chi phí xăng xe, điện thoại, ăn sáng, café... Thì những người dân quê tôi vẫn hai, ba ngày mới dám chạm đến cái túi tiền khiêm tốn, lép kẹp dắt qua mấy lần kim băng. Cũng vì vậy, chợ quê tôi từ xưa đến nay vẫn họp 2 ngày một lần, tức là vào những ngày lẻ, còn bình thường nếu bất chợt nhà có khách, tìm mua lạng thịt, bìa đậu hay chút gì đó lai rai cũng phải kiếm đỏ con mắt...

Quê nghèo, nên chợ cũng nghèo thuần chỉ có đậu phụ, khoai lang, rau, mướp, những mớ hến, mớ tép đổ trên tàu lá khoai hay dọc mùng dứt vội dưới ao. Gọi là mua với bán, nhưng chủ yếu vẫn là đổi chác khi đồng tiền vừa ở túi người nọ đã trao tay người kia. Có cụ già vừa bán được mớ tép hơn chục ngàn bỏ vào túi chưa kịp nóng, rẽ vào hàng thịt đắn đo một lúc rồi lại vòng qua chỗ cô hàng đậu phụ... Và thay cho mớ tép tươi rói mang đi ban sáng, trở về trên cái rổ con con cũng chỉ lèo tèo 3 bìa đậu phụ, gói bột canh và cái bánh rán còn nóng hôi hổi.

Nhưng lạ một điều, chợ quê nghèo là vậy mà chẳng khi nào vắng bóng những hàng quà dành cho con trẻ với bánh rán, bỏng đường, bỏng gạo ngọt thơm như quện cả vào ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra từ làng như tôi. Và với tôi, sắc màu chợ quê đẹp nhất vẫn là góc chợ, nơi có những bà, những chị với chảo bánh rán vàng ruộm, những túi bỏng ngô nở đẹp như hoa hay những tấm mía ngọt sắt...

Về quê lần này, chân vừa chạm hiên nhà, quẳng vội cái balô, tôi đã giục Thắm con bác Cả, hôm nay là ngày lẻ, ra chợ luôn nhé.

Men theo con đường làng quanh co, uốn lượn ôm lấy những bờ bãi, hai chị em tôi ra chợ. Vẫn những mái lá liêu xiêu đến xao lòng, vẫn ống quần sắn lên tận gối và những tà áo nâu sòng phất phơ trong cái lạnh tái tê của ngày đông... Chợ quê tôi vẫn những gam màu trầm buồn, nghèo khó. Chảo bánh rán nhà bà Ngo bao năm rồi vẫn vậy, nằm khiêm tốn ở góc đầu chợ, cái thứ bánh rán chỉ độc có bột gạo với nhân là dăm ba hạt đỗ lạc lõng tìm đường mà sao vẫn thấy thơm ngon đến thế.

Có lần tôi đã từng kể với đứa bạn học cùng về những chiếc bánh rán ở quê, nó bảo, mày nhớ quê nên cảm giác vậy thôi, chứ bánh rán Hà Nội thơm ngon hơn nhiều. Tôi không cãi, bởi nó là đứa sinh ra ở thị thành, cuộc sống bọc trong nhung lụa, cơm tám với thịt thà thì làm sao hiểu và cảm được cái vị giác ấy.

4 cái bánh rán ngang cả bụng mà bà Ngo tính có 6 ngàn đồng. Chẳng phải do học chuyên ngành kinh tế nên tôi "ngứa nghề”, nhưng cứ nhẩm đi tính lại tiền gạo, củi, lửa, dầu mỡ, đỗ... thì 1 cái bánh rán không hiểu lãi lờ được bao nhiêu nhỉ. Thắm đùa, không chỉ có bánh rán đâu, cứ rẽ qua hàng quà bánh khác trong chợ thì biết... em có học giỏi đến mấy cũng chẳng thể tìm ra số lãi trong một ngày của họ đâu.

Có lẽ Thắm nói đúng, quà ở chợ nghèo quê tôi đôi khi không thể đo đếm, tính toán lãi lờ bằng những con số chính xác, giống như tình người quê tôi, mộc mạc nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Và có lẽ vì thế quà quê, tình quê luôn giữ mãi như dư vị đậm đà trong lòng những người xa quê như tôi chăng?

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com