Mấy ngày qua, công luận sôi lên vì tình trạng nhiều trường học cho phép tổ chức hoạt động ngoại khóa trải nghiệm lễ hội Haloween cho học sinh với những cách thức hóa trang kinh dị thái quá. Đặc thù của lễ hội nhập ngoại này là việc hóa trang thành các nhân vật ma quỷ, hóa trang càng kinh dị, ma mị càng hấp dẫn. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, truyền thông, các hình mẫu, phương tiện, vật liệu phục vụ cho việc hóa trang với các ý tưởng “điên khùng nhất” đều rất dễ kiếm. Chính vì thế, tuy lễ hội này không phải mới vào Việt Nam, song mấy năm gần đây, tốc độ mở rộng, thu hút giới trẻ lan rất nhanh. Không những thế tính chất kinh hãi của các kiểu hóa trang cũng gia tăng đến mức không tưởng. Mới trước đó, trong dịp Trung thu đã có vụ việc một trường tiểu học tổ chức đón Tết Trung thu cho các cháu, hóa trang nhân vật chị Hằng theo “phong cách Haloween” khiến nhiều học sinh chết khiếp đã bị báo chí và cộng đồng xã hội lên án mạnh mẽ.
Ngay sau vụ việc thảm họa lễ hội Haloween tại Hàn Quốc, đồng loạt trên các kênh thông tin đại chúng từ báo chí đến các nền tảng mạng xã hội là các ý kiến phản ứng gay gắt, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cấm ngay việc tổ chức lễ hội Haloween trong trường học. Hàng loạt các hình ảnh hóa trang kinh hãi, phản giáo dục trong các lễ hội Haloween vừa được tổ chức tại các trường học từ mầm non, tiểu học, THCS… đã được đưa lên mạng khiến người xem phải giật mình. Những cách hóa trang đến người lớn nhìn còn thấy sợ thì với tâm hồn, trí óc non nớt của học sinh độ tuổi mầm non, tiểu học, thử hỏi sẽ tác động tiêu cực đến mức nào. Còn đối với độ tuổi học sinh trung học mới lớn, những hình ảnh con người với máu me be bét nhưng lại trở thành trò tiêu khiển, quen thuộc, bình thường, thâm nhập vào tâm trí thì sao dám chắc có trẻ sẽ run tay khi làm hại bạn bè, người khác trong những lúc cơn cáu giận, máu yêng hùng tuổi trẻ nổi lên?! Thực tế đã từng xảy ra rất nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng mà đối tượng gây án ở tuổi học trò với những cách thức ra tay tàn nhẫn, hung hãn đến khó tin!!!
Có thể khẳng định nhiều lễ hội nhập ngoại nhanh chóng thâm nhập vào giới trẻ ngoài vai trò của internet, công nghệ số thì cũng có “đóng góp” không nhỏ của các nhà trường. Càng ngày, các lễ hội nhập ngoại càng được tổ chức nhiều dưới hình thức hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ học sinh trong các nhà trường, cơ sở giáo dục (đặc biệt là các trung tâm dạy ngoại ngữ tư nhân). Việc tổ chức các hoạt động lễ hội nếu đúng mực, khai thác những mặt tích cực để mang đến niềm vui, thư giãn cho học sinh, qua đó giáo dục rèn luyện một số kỹ năng sống cần thiết như tổ chức sự kiến, ứng xử nơi đông người, làm việc nhóm, thậm chí là kỹ năng thoát hiểm… là cần thiết, nên làm. Đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia hội nhập ngày càng toàn diện, sâu rộng. Dĩ nhiên, lễ hội truyền thống nào, dù “nội” hay “ngoại” cũng có những giá trị văn hóa tích cực và cũng có những yếu tố lỗi thời, không phù hợp về yếu tố vùng miền, đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí tiêu cực. Vấn đề là khi quyết định tổ chức thì nhà trường có sự định hướng, lựa chọn và kiểm soát nội dung như thế nào không để lọt những hoạt động phản cảm, phi giáo dục? Nếu nhà trường, thầy cô thờ ơ, “khoán trắng” cho các đơn vị tổ chức sự kiện mà buông lỏng kiểm soát nội dung thì hậu quả sẽ thật khó lường. Bên cạnh đó, cũng có trách nhiệm của phụ huynh khi thờ ơ hoặc e ngại mà không lên tiếng kiến nghị với nhà trường, tặc lưỡi cho con tham gia. Học sinh sẽ mặc nhiên coi những việc đó là được phép, là hợp lý, “không có vấn đề” khi được nhà trường tổ chức. Trong mỗi nhà trường có đầy đủ các thiết chế, công cụ, phương tiện (thầy cô giáo, tổ chức Đoàn, Đội, nội quy, quy chế học đường), đặc biệt là uy lực của thầy cô (loại quyền lực đôi khi còn có sức quyết định, thuyết phục trẻ con hơn cả cha mẹ) để có thể định hướng, giáo dục cho học sinh về những giá trị văn hóa đích thực của các lễ hội, giúp các em có thể đón nhận, tham gia và hội nhập vào các lễ hội, sinh hoạt văn hóa ngoại nhập một cách tích cực, hữu ích. Cơ quan quản lý Giáo dục các cấp cần có chỉ đạo kịp thời, quản lý chặt chẽ việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa lồng ghép các sinh hoạt văn hóa, lễ hội ngoại nhập đối với các nhà trường, đặc biệt là các cơ sở, trung tâm đào tạo ngoại ngữ.
Còn nhớ mấy năm trước, khi con tôi học mầm non, một hôm mẹ đi làm về muộn. Vừa về đến nhà, con gái tíu tít kéo mẹ bắt ngồi im ở ghế nơi đã có chậu nước nhỏ để sẵn bắt mẹ ngâm chân vì “hôm nay là lễ Vu lan báo hiếu mẹ ạ”. Vừa khoát nước lên chân mẹ, nó vừa kể đủ chuyện cô giáo dặn ở lớp. “Hôm nay cô cho con xem phim, con khóc mẹ ạ. Con cảm ơn mẹ đã vất vả vì chúng con! Chủ nhật nghỉ mẹ con mình về thăm bà ngoại nhé, mẹ của mẹ ấy”. Lòng tôi tan chảy trong xúc động! Mấy năm học ở Trường Mầm non Sao Vàng, thật may các con tôi đều được cô giáo dẫn dắt tham gia vào các lễ hội truyền thống, nhập ngoại (Noel, Haloween,…) một cách ý nghĩa và lành mạnh. Năm nào gần đến Noel hai chị em cũng thi nhau “làm việc tốt” để được Ông già Noel tặng quà. “Mưa dầm thấm lâu”, cùng với giáo dục trong gia đình, những cách thức giáo dục tích cực đó của nhà trường chắc chắn sẽ giúp hình thành nhân cách trẻ lành mạnh, thiện lương, xây dựng thế hệ những công dân toàn cầu đích thực./.
Vân Thi