Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (kỳ 2)

08:07, 03/11/2022

(Tiếp theo và hết)

II. Phát huy những bài học từ thực tiễn

Thực tiễn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu gương, thuyết phục, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng văn hoá giao thông. Những bài học kinh nghiệm đó cần được tiếp tục phát huy.   

Công an xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại bến phà Đống Cao.
Công an xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại bến phà Đống Cao.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Phạm Đình Nghị cho rằng: Thực tiễn đã chứng minh, khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia của toàn xã hội trong công tác bảo đảm trật tự ATGT của Nam Định. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của các ngành, địa phương, đơn vị tham gia bảo đảm trật tự ATGT đã tạo chuyển biến tốt hơn trong ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân, cộng đồng. Theo Giám đốc Sở GTVT Đinh Xuân Hùng cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, các cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW… Sở GTVT luôn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông cho từng giai đoạn. Công tác quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển giao thông vận tải khu vực và quốc gia; góp phần hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các nguồn lực được huy động để phát triển hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện mục tiêu đảm bảo giao thông, trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW. Giao thông huyết mạch được đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu tăng năng lực, tải trọng vận tải; đường giao thông nông thôn được cải tạo nâng cấp đảm bảo kết nối hài hòa, tương thích với hệ thống giao thông huyết mạch, không tạo ra điểm nghẽn… Việc tập trung nâng cao phát triển giao thông vận tải thủy nhằm giảm gánh nặng cho loại hình vận tải đường bộ, đường sắt. Cùng với vận tải đường bộ, đường sắt, hình thành kết nối vận tải đa phương thức góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một trong các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Bí thư Đảng bộ, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) khẳng định, với vai trò là lực lượng chủ chốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Giao thông đã chủ động tham mưu xây dựng và triển khai hàng năm từ 4-6 kế hoạch cao điểm về đảm bảo trật tự ATGT, mỗi kế hoạch cao điểm diễn ra từ 1-3 tháng; tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến giao thông nội thị, tuyến đường liên huyện, liên xã; giữa các tuyến sông chính với các bến đò ngang, các bến bãi ven sông, các lối đi tự mở qua đường sắt… Các vi phạm được lực lượng Cảnh sát Giao thông tập trung giải quyết đánh trúng vào những vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận quan tâm trong hoạt động giao thông đường bộ (xe quá tải, quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, vi phạm về nồng độ cồn, chất cấm…), đường thuỷ (bến bãi vi phạm, khai thác cát trái phép, vi phạm quy định về ATGT đường thuỷ khi chở khách ngang sông…); đường sắt (vi phạm quy tắc giao thông tại đường ngang, phối hợp giải quyết lối đi tự mở trái phép…). Qua công tác xử lý vi phạm và hoạt động tuần tra trên các tuyến đường, vừa tăng tính răn đe với những trường hợp cố tình vi phạm, thiếu ý thức khi tham gia giao thông, lực lượng Công an cũng đã phát hiện hàng trăm điểm bất cập về tổ chức giao thông, 8 điểm đen tai nạn giao thông, 20 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt để kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết khắc phục, góp phần tích cực triệt tiêu những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. 

Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện Chỉ thị 18 và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh, đồng chí Trần Minh Hải, Bí thư Huyện uỷ Hải Hậu nêu rõ: Ban Thường vụ Huyện uỷ, các cấp chính quyền huyện Hải Hậu đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, huyện đã tập trung đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt chuẩn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, làm tiền đề triển khai các mô hình xây dựng NTM và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với mở rộng, nâng cấp chất lượng đường, trên địa bàn huyện đã lắp đặt gần 1.200 camera giám sát, 50 gương cầu lồi tại các nút giao thông phức tạp, lắp đặt gần 29 nghìn cột đèn chiếu sáng riêng biệt trên các tuyến đường… Huyện không chỉ là 1 trong 4 huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng NTM; tiếp tục chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.

Để tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT, phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm đã được thực tiễn kiểm chứng, trong thời gian tới tỉnh yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt đầy đủ tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia và của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở... Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đảng về thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự ATGT của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các đơn vị có liên quan. Tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, nhất là ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng các mô hình đảm bảo trật tự ATGT ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông... Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự ATGT và các lĩnh vực chuyên ngành GTVT (quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm định phương tiện)./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com