Hội Người mù Nghĩa Hưng giúp hội viên vươn lên ổn định cuộc sống

08:26, 02/11/2022

Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng hiện có hơn 200 hội viên, sinh hoạt ở 16 chi hội thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn. Những năm qua, Hội Người mù huyện đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm... giúp hội viên ngày càng có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng thăm, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, tết.
Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng thăm, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, tết.

Từ khi thành lập đến nay, Hội Người mù Nghĩa Hưng luôn là mái nhà chung, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người khiếm thị trên địa bàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của Hội luôn tập trung hướng về cơ sở, tích cực vận động người khiếm thị tham gia vào tổ chức Hội nhằm quan tâm, chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy tinh thần “tự thân vận động” cùng vươn lên hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm xã hội. Hội đã kết hợp với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho nhiều hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhiều hội viên đã vay vốn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi có hiệu quả, ổn định. Điển hình như ông Vũ Xuân Trường, xã Nghĩa Sơn chăn nuôi gia súc, gia cầm với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; chị Vũ Thị Ngọc, xã Nghĩa Tân đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, nhiều hội viên được tạo điều kiện đi học các lớp học chữ nổi braille cho người khiếm thị, lớp tin học cơ bản, tẩm quất, bấm huyệt... Hiện nay, Hội có 30 hội viên đang làm việc tại các cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Có 3 hội viên mở cơ sở riêng như: chị Phạm Thị Lý, mở cơ sở ở tỉnh Quảng Ninh; chị Nguyễn Thị Tho, mở cơ sở ở Hà Nội và anh Phạm Văn Kết mở cơ sở ở xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn cho nhiều hội viên khác. 

Để tạo thêm việc làm cho hội viên, Hội Người mù huyện thành lập cơ sở sản xuất tăm tre, chổi đót tập trung thu hút 10 lao động với thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2022, Hội đã tiêu thụ được 7 vạn tăm tre, trừ chi phí, nhân công, thu về gần 24 triệu đồng và bổ sung vào nguồn vốn quỹ hoạt động của Hội. Bên cạnh công tác hỗ trợ tạo việc làm, Hội cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện bảo đảm cho 100% hội viên được hưởng trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ con em hội viên vay vốn ưu đãi qua kênh học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các em học sinh tiếp tục học tập, hoàn thành khóa học từ các trường đại học, cao đẳng… Ngoài ra, Hội Người mù huyện còn chủ động đề nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miễn giảm một số khoản đóng góp của nhà trường cho con của hội viên trong độ tuổi đi học; thường xuyên rà soát trẻ em khiếm thị trong độ tuổi đi học tạo điều kiện cho các em được học văn hóa, học chữ, học nghề... Nhiều em đạt thành tích cao trong học tập. Tiêu biểu như em Khương Thị Bích Hằng, xã Nghĩa Châu, bị khiếm thị bẩm sinh, được Hội tạo điều kiện cho học chữ nổi braille và học hòa nhập. Trong quá trình học tập, em luôn nỗ lực vươn lên với ý chí quyết tâm cao và vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội vào tháng 6-2022. Hiện nay, Hằng đã ra trường và đi dạy học tại Hà Nội.

Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc, hàng năm, Hội Người mù huyện vận động các nhà hảo tâm trao tặng những phần quà thiết thực động viên hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong những dịp lễ, tết, đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công tác tương trợ cho hội viên đã được Hội Người mù huyện phối hợp với các cấp, các ngành, nhà hảo tâm quan tâm thường xuyên. Đặc biệt, cùng với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, thời gian qua, Hội Người mù huyện đã sửa chữa 7 ngôi nhà, xây mới 2 ngôi nhà trao tặng cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, làm tròn nghĩa vụ công dân; quan tâm chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, cùng phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 100% gia đình hội viên giáo dục con cái không mắc tệ nạn xã hội; nhiều gia đình được công nhận gia đình văn hóa… Công tác phụ nữ và trẻ em khiếm thị luôn được chú trọng và quan tâm. Hội đã tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về ngày thành lập Hội Phụ nữ và trao đổi về các vấn đề lao động, việc làm và cuộc sống gia đình, giúp các hội viên nữ có niềm tin vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều khó khăn, song người khiếm thị trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng nói riêng đã cố gắng vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập. Thời gian tới, để giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống, Hội Người mù huyện Nghĩa Hưng tiếp tục khảo sát, vận động, kết nạp hội viên; mở thêm lớp dạy nghề, tìm dạy nghề mới, giúp đỡ một số hội viên có khả năng sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt; thường xuyên quan tâm, chăm lo giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com