Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri

08:09, 03/11/2022

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, góp phần giải quyết những nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV tại thành phố Nam Định.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV tại thành phố Nam Định.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Thực hiện trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn coi trọng hoạt động tiếp xúc cử tri và tăng cường đổi mới cả về hình thức, nội dung, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mỗi đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn xây dựng và triển khai sớm kế hoạch để các địa phương chủ động chuẩn bị và thông báo rộng rãi đến cử tri. Tăng cường phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ, Thường trực HĐND, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác trong tỉnh trong thực hiện việc tiếp xúc cử tri. Hình thức tiếp xúc cử tri đa dạng phù hợp, linh hoạt; kết hợp cả trực tiếp, trực tuyến và truyền tải kết quả kỳ họp và các hoạt động của Đoàn tại kỳ họp thông qua các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh. Ngoài ra, ĐBQH chủ động, linh hoạt trong việc tiếp xúc cử tri thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức như chủ động tiếp xúc, gặp gỡ cử tri thông qua tiếp công dân, các cuộc khảo sát, giám sát và đề nghị cử tri gửi ý kiến của mình bằng văn bản đến Đoàn hoặc bằng thư điện tử qua hòm thư công vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. 

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời báo cáo những nội dung liên quan đến chương trình kỳ họp; kết quả việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã nêu từ các cuộc tiếp xúc lần trước. Đồng thời lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội như: Công tác phòng chống dịch bệnh; chương trình sách giáo khoa; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện nay còn thấp, cần sớm được điều chỉnh; tình trạng thiếu nhân lực, thiếu thuốc và vật tư y tế ở các cơ sở y tế công lập; hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nghiêm trọng trong thời gian vừa qua… Đây là những vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Sau các hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri.

Đặc biệt hiện nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đang chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH”. Qua đó phân tích làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đảm bảo hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH tỉnh đúng quy định, hiệu quả, thực chất và kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho các ĐBQH thực hiện 5 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp tại các địa phương trong tỉnh. Qua tiếp xúc, Đoàn đã tổng hợp gần 130 ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển cho các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Đã có 100% kiến nghị đã được bộ, ngành Trung ương giải quyết, trả lời; trong đó nhiều ý kiến được tiếp thu, giải quyết đáp ứng nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri và nhân dân. Điển hình như kiến nghị của cử tri huyện Trực Ninh đối với Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng cầu Đại Nội qua sông Ninh Cơ thuộc tuyến Quốc lộ 21 thay thế phà Đại Nội hiện nay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã, thị trấn miền 4 huyện Trực Ninh (gồm các xã Trực Đại, Trực Thắng, Trực Thái, Trực Cường, Trực Hùng và thị trấn Ninh Cường). Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận kiến nghị nêu trên và sẽ quan tâm, ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực để triển khai công trình cầu Đại Nội. Hay kiến nghị của cử tri huyện Hải Hậu đối với Chính phủ quan tâm, có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho những địa phương làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu; nhất là Hải Hậu chủ yếu làm nông nghiệp, nguồn thu thấp để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt “Huyện NTM kiểu mẫu”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tại Văn bản số 4923/BNN-VPĐP ngày 29-7-2022 và đề nghị UBND tỉnh căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao và điều kiện thực tế của tỉnh, chủ động cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, cũng như có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác tại địa phương để hỗ trợ cho những địa phương làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó có huyện Hải Hậu để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Tại huyện Ý Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn của Nhà máy đạm Ninh Bình; ô nhiễm không khí (khói bụi) do các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình gây ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận vấn đề này và tăng cường phối hợp với tỉnh Ninh Bình kiểm soát ô nhiễm môi trường trực tiếp thanh tra những cơ sở vi phạm. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường 2 tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng ngừa các nguy cơ sự cố về môi trường, đặc biệt là việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tại Khu công nghiệp Khánh Phú; đôn đốc, yêu cầu công ty thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ liên tục tổ chức triển khai thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 8 cơ sở đang hoạt động trong khu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hoạt động; trong đó có hoạt động tiếp xúc cử tri nhằm phát huy vai trò là cầu nối phản ánh những kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri, những kiến nghị của địa phương đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của Trung ương đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri và nhân dân./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com