Vừa kết thúc năm học 2021-2022, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023. Trong đó, Bộ nêu rõ yêu cầu "tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học".
Lạm thu trong trường học không còn là vấn đề mới và tình trạng này gây mất uy tín lớn cho ngành Giáo dục. Đã từ nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học hoặc các kỳ họp phụ huynh là lại có tình trạng phụ huynh than trời vì vô số khoản đóng góp, chính đáng có, lạm thu có. Thậm chí đã có nhiều cơ sở giáo dục, nhiều cán bộ quản lý giáo dục bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự vì những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, trong đó có việc lạm thu.
Một phụ huynh có 2 con đang học THCS và tiểu học cho biết: hiện nay, nhiều khoản thu thông qua Hội phụ huynh của lớp phổ biến, lấy ý kiến trong các cuộc họp phụ huynh thấy không hợp lý. Chẳng hạn: thiết bị nghe nhìn, máy chiếu phục vụ dạy học, ban đầu cũng phụ huynh đóng tiền mua, toàn bộ tiền bảo dưỡng sửa chữa phụ huynh cũng phải nộp; rồi phòng học xuống cấp… đầu năm học nào các trường cũng thu từ phụ huynh qua hình thức xã hội hóa. Do tâm lý e ngại “ảnh hưởng” đến con nếu nêu ý kiến trái chiều nên mặc dù trong nhóm zalo riêng, nhiều phụ huynh cũng lên tiếng vì các khoản thu không hợp lý song rồi cũng tặc lưỡi nộp khi đại diện Ban phụ huynh đứng về phía nhà trường (?!).
Thực tế đã có nhiều bài báo, nhiều cuộc họp, hội nghị của ngành bàn thảo, phân tích chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng lạm thu, song dường như việc khắc phục, ngăn chặn trên thực tế không được như mong muốn. Cứ đến đầu năm học lại có các văn bản từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, nhắc nhở kiên quyết chống lạm thu, nhưng rồi phụ huynh vẫn cứ “đến hẹn lại than”, kêu trời vì những khoản nộp(!) Từ thực tế tình trạng lạm thu trong thời gian qua cho thấy, chống lạm thu không đơn thuần là chỉ đạo siết chặt, chấn chỉnh từ các ban, ngành mà hơn hết là ý thức, sự chuẩn mực từ đội ngũ nhà giáo và đặc biệt lãnh đạo các trường học để bảo vệ uy tín của ngành, của nghề.
Năm nay, ngay trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cũng nêu rõ: trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh; góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học". Mong rằng quan điểm, tinh thần chỉ đạo nhân văn này sẽ được ngành Giáo dục các địa phương, các cơ sở giáo dục thấu hiểu và nghiêm túc quán triệt, để yêu cầu chống lạm thu sẽ được thực thi, giảm nỗi lo cho phụ huynh!
Vân Thi