Thời gian gần đây, mô hình “Vườn rau của bé” được triển khai hiệu quả tại nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh, vừa giáo dục kỹ năng sống, giúp các em biết quý trọng thành quả lao động do mình và người khác làm ra, vừa cung cấp nguồn rau sạch cho các bữa ăn bán trú của học sinh, góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà trường.
Học sinh Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định) trong giờ học trải nghiệm tại “Vườn rau của bé” (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Là đơn vị điển hình trong xây dựng mô hình “Vườn rau của bé”, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) đã tận dụng các không gian ngoài trời phù hợp để xây dựng vườn rau sạch của trường. Nhờ bàn tay khéo léo của các cô giáo, mỗi luống rau đều được vun gọn gàng, thẳng tắp. Mùa nào thức đấy, cải ngọt, cải bó xôi, mồng tơi, cà chua... đủ cả. Màu xanh mơn mởn của rau, những chùm quả chín đỏ khiến trẻ con vô cùng thích thú. Để có vườn rau sạch phục vụ cho các hoạt động giáo dục trải nghiệm cũng như bữa ăn của trẻ, nhà trường đã phát động toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tranh thủ sau những giờ đứng lớp và cuối tuần để làm đất, gieo trồng, chăm sóc. Mỗi người đều dành vài giờ đồng hồ mỗi tuần để lao động trong vườn trường nên thành quả ngày hôm nay chính là tâm huyết không hề nhỏ của tập thể cán bộ, giáo viên của nhà trường. Từ ngày có vườn rau sạch “tự cung tự cấp”, giáo viên và phụ huynh đều yên tâm về nguồn thực phẩm cho trẻ, lại đảm bảo tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn nên ai cũng mong muốn vườn rau sẽ mãi xanh và ngày càng nhân rộng.
Tại Trường Mầm non Xuân Thượng (Xuân Trường), các giờ học ngoại khóa ở khu vườn rau xanh khiến các bạn nhỏ vô cùng háo hức và vui thích bởi được trải nghiệm làm vườn. Trẻ được dạy nhặt cỏ, làm đất, lên luống với sự hướng dẫn của cô giáo, rồi hướng dẫn cách gieo hạt, cấy giống rau; rồi được các cô giáo hướng dẫn cách chăm sóc tưới rau, bắt sâu, làm cỏ. Khoảnh khắc mà trẻ háo hức nhất, mong đợi nhất là trẻ được tận tay thu hoạch những loại rau, củ, quả do cô và trò chăm sóc... Qua các hoạt động chăm sóc, vun xới, nhặt cỏ, bắt sâu, cô giáo giúp trẻ cảm nhận, ghi nhớ các bài học về giá trị của sức lao động ngay từ khi còn nhỏ; có hiểu biết bước đầu về các loại rau củ quả, về việc sản xuất ra lương thực, thực phẩm cung cấp cho con người hàng ngày, từ đó thêm trân trọng và yêu quý những người nông dân... Những giờ học ngoại khóa với những bài học đơn giản và dễ thực hành đó giúp rèn cho trẻ thói quen chăm chỉ lao động ngay từ nhỏ và tạo cho trẻ sự hòa nhập, gần gũi với thiên nhiên.
Mô hình “Vườn rau của bé” được Sở GD và ĐT chỉ đạo triển khai ở các trường mầm non trên địa bàn 10 huyện, thành phố gắn với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn với mục đích góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện; tạo môi trường cho trẻ học tập trải nghiệm, giúp trẻ khám phá, phát triển tri thức về thế giới tự nhiên diệu kỳ xung quanh; góp phần giáo dục kỹ năng sống, giúp các em biết quý trọng thành quả lao động do mình và người khác làm ra; góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch tại chỗ nâng cao chất lượng nuôi trẻ bán trú. Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc xây dựng và chăm sóc cảnh quan môi trường, chăm sóc giáo dục trẻ. Các phòng GD và ĐT huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường mầm non xây dựng quy hoạch tổng thể nhà trường, trong đó có sân vườn đảm bảo các tiêu chí xanh - sạch - đẹp - an toàn, tạo môi trường cho trẻ vui chơi, học tập, trải nghiệm. Cả 10 huyện, thành phố đều có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Mỹ Lộc, Trực Ninh; các trường: Mầm non Sao Vàng, Mầm non Mỹ Xá (thành phố Nam Định); Mầm non Nam Hoa, Mầm non Nam Lợi (Nam Trực); Mầm non Yên Đồng, Mầm non Yên Khánh (Ý Yên); Mầm non Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Mầm non Hiển Khánh, Mầm non Tân Khánh, Mầm non Hợp Hưng (Vụ Bản); Mầm non Xuân Thượng (Xuân Trường)... Ở các trường này, nhờ xây dựng được “Vườn rau của bé” giờ ngoại khóa tại chính khuôn viên trường học với những bài học đơn giản và dễ thực hành luôn hấp dẫn trẻ, phụ huynh yên tâm; các cô giáo có thể dạy trẻ biết yêu lao động, rèn cho trẻ thói quen chăm chỉ lao động, các kỹ năng tái chế vật liệu, đồ dùng cũ hỏng,... Nhiều trường mầm non khu vực thành phố Nam Định đã khắc phục được khó khăn về quỹ đất, sáng tạo trong thực hiện mô hình. Tiêu biểu như Trường Mầm non Mỹ Xá, để khắc phục khó khăn do quỹ đất hạn hẹp, trường đã tận dụng tất cả các khoảng không gian trống của trường để làm hàng rào bằng tre nứa, các khoảng đất trống sau dãy nhà để làm vườn rau của bé. Bên cạnh đó, trường tận dụng các thùng xốp, bồn cây trống, thùng phuy nhựa để chế tạo thành các mô hình trồng rau vi sinh, hoặc tận dụng những miếng vải dạ may thành các ô nhỏ treo tường để trồng rau. Các loại rau được trồng khá đa dạng, theo mùa như su su, mướp, gấc, rau cải, hẹ, rau đay, mùng tơi, xà lách, hoặc các loại rau gia vị vừa là rau vừa là thuốc nam như nghệ, gừng, sả, lá lốt, tía tô, húng chanh, ngải cứu, nha đam... Các loại rau được bố trí và trồng theo khu vực, vừa là nơi để trẻ được quan sát, trải nghiệm, vừa tăng gia vị nấu ăn cho nhà bếp của trường. Trường phân công các nhóm lớp chia khu vực để chăm sóc vườn rau. Hàng ngày, vào các giờ hoạt động ngoài trời, cô và trò cùng chăm sóc, tưới nước, bắt sâu cho vườn rau. Trẻ còn được học tận dụng nguồn nước gạo để tưới cây vừa tiết kiệm nước, vừa tạo dinh dưỡng, vỏ trứng bón lót cho đất để tăng nguồn dinh dưỡng cho vườn rau. Hiện tổng diện tích để làm vườn trồng rau của cả 2 điểm trường là 100m2... Tại Trường Mầm non Sao Vàng, nhà trường làm các bồn cây, mỗi bồn cây trồng một loại rau khác nhau để học sinh nhận biết được từng loại rau, màu sắc, công dụng. Trường còn có khu vực để các dụng cụ làm vườn nhỏ phù hợp, an toàn với trẻ, để trẻ có thể tập trồng rau, tưới rau, xới đất, gieo hạt và có sổ lưu hình ảnh sự phát triển của các loại rau để trẻ có thể theo dõi sự sinh trưởng của rau qua từng giai đoạn... Tuy nhiên, cũng như phần lớn các trường mầm non trên địa bàn thành phố, cả 2 Trường Mầm non Mỹ Xá và Sao Vàng đều có điểm chung là quỹ đất hạn hẹp nên việc tận dụng không gian để trồng rau rất khó khăn; kinh nghiệm trồng, chăm sóc rau của giáo viên khu vực thành phố còn hạn chế... nên mô hình này chủ yếu phục vụ yêu cầu giảng dạy trực quan chứ chưa giúp cung cấp nguồn rau sạch tại chỗ cho bữa ăn bán trú của trẻ.
Có thể nói mô hình “Vườn rau của bé” là mô hình dạy học sáng tạo thiết thực trong giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non. Các vườn rau của bé không chỉ cung cấp thêm nguồn thực phẩm an toàn cho bữa ăn bán trú của trẻ ở trường, giúp trẻ chủ động khám phá, phát triển tri thức về thế giới diệu kỳ xung quanh, trẻ có không gian vui chơi, hoạt động trải nghiệm ngoài trời năng động, lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận