Những nguy cơ
Một buổi tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh tại Trường THCS Hải Chính (Hải Hậu). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trong thế kỷ XXI, học sinh được tiếp cận với nhiều tiến bộ khoa học công nghệ. Nhưng cùng với đó, nhiều tệ nạn tiêu cực đang xâm nhập vào học đường, trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Hai loại thuốc lá này được quảng bá như một giải pháp hữu hiệu, có thể thay thế thuốc lá truyền thống nhưng không gây nghiện, không độc hại, có thiết kế sành điệu... Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây hại cho sức khỏe người hút gấp nhiều lần thuốc lá thông thường. Không chỉ gây nghiện, gây độc, gây viêm phổi..., việc hút thuốc lá điện tử còn khiến học sinh mất tập trung, học hành sa sút, dễ nổi nóng, khó kiểm soát hành vi... Đáng báo động hơn cả là thuốc lá điện tử đang dẫn đường cho ma túy tổng hợp, bởi trong thuốc lá điện tử có chứa chất hướng thần, gây ảo giác kích thích thần kinh rất mạnh. Tuy nhiên, nhiều học sinh lại bị cuốn hút bởi những điều mới lạ của thuốc lá điện tử, bởi phần lớn các em suy nghĩ rất đơn giản là hút cho vui, hút vì tò mò, đua đòi theo bạn bè. Bên cạnh đó, mặc dù các trường học đều nghiêm cấm việc học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường, việc tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được triển khai…, nhưng việc đa số học sinh hiện nay đều sở hữu điện thoại hoặc máy tính và kết nối mạng internet thì việc tiếp cận với các chiêu trò quảng cáo, PR, khuyến mãi sản phẩm… của ngành công nghiệp thuốc lá rất dễ dàng. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn len lỏi vào trường học dưới dạng son môi, USB, bút... hoặc những dụng cụ bắt mắt với nhiều hương vị khác nhau để tránh bị phát hiện... đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái “tôi” của tuổi mới lớn, thích sự mới lạ, nên đã nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không màng đến những tác hại. Cách đây không lâu dư luận xôn xao vụ một vài học sinh của một trường THCS trên địa bàn thành phố Nam Định mang thuốc lá điện tử đến lớp học. Qua nắm bắt thông tin, Ban Giám hiệu trường đã phối hợp với Công an phường vào cuộc điều tra, xác minh sự việc và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thiết thực là kiểm tra hành chính cặp sách của học sinh hàng ngày đến trường.
Đâu là giải pháp?
Trước thực trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học trên cả nước, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội, Bộ GD và ĐT đã phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo các Sở GD và ĐT, các đơn vị giáo dục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha), xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở GD và ĐT đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá từng năm học; trong đó đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng vào chương trình giáo dục bậc THCS, THPT dưới nhiều hình thức đa dạng. Sở cũng yêu cầu các đơn vị thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh Kế hoạch hàng năm, Sở cũng có công văn chỉ đạo nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-5 đến 31-5); ra Quyết định số 476/QĐ-SGDĐT (ngày 21-4-2020) ban hành quy định tiêu chí xây dựng mô hình phong trào “trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường”...; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào nội dung các môn học chính khóa như Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân (GDCD); các hoạt động ngoại khóa như các hoạt động sân khấu hóa, trải nghiệm sáng tạo; chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch năm học, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tại đơn vị; thực hiện môi trường cơ quan, trường học không khói thuốc lá; treo biển báo cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Đến nay, 100% các đơn vị giáo dục đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng tốt mô hình trường học không khói thuốc. Hiện toàn tỉnh đã có 507/798 trường, điểm trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn; nhiều đơn vị không còn cán bộ, giáo viên hút thuốc. 100% các đơn vị xây dựng được nội quy trường lớp, bộ quy tắc ứng xử có văn hóa tại cơ quan, đơn vị. Một số đơn vị có cách làm hay trong phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Trường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Ngoài các biện pháp giáo dục theo chỉ đạo Đội sao đỏ nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp giám sát và phát động học sinh tự giác báo cáo với giáo viên nếu phát hiện hành vi hút thuốc lá của học sinh giúp kịp thời ngăn chặn. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng em trong lớp, giúp quản lý học sinh sát sao, tránh để các em sa ngã vào các tệ nạn. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT để lôi cuốn học sinh vào các hoạt động lành mạnh. Tại Trường THCS Hải Chính (Hải Hậu), để phòng, chống thuốc lá điện tử trong trường học, nhà trường đã nâng cao nhận thức cho học sinh bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; tích hợp nội dung tuyên truyền phòng chống hút thuốc lá điện tử trong giờ sinh hoạt lớp, giờ dạy của các môn như GDCD, Sinh học; tổ chức cho học sinh ký cam kết không hút thuốc lá và thuốc lá điện tử... Mới đây ngày 25-4, Ban giám hiệu trường phối hợp với Đồn Biên phòng Văn Lý tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử cho toàn thể giáo viên và 325 học sinh của trường. Em Trần Quốc Anh học sinh lớp 9A, Trường THCS Hải Chính cho biết: “Nhiều bạn tin quảng cáo nghĩ thuốc lá điện tử vô hại nhưng qua buổi nói chuyện tuyên truyền, chúng em hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá điện tử, có thể gây nghiện và khó cai hơn nghiện thuốc lá thường. Buổi nói chuyện cũng giúp em có kiến thức để trở thành tuyên truyền viên trong cộng đồng, giúp bạn bè, người thân hiểu đúng về thuốc là điện tử để có cách phòng tránh”.
Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường học. Bên cạnh các giải pháp của ngành GD và ĐT, nỗ lực của các nhà trường, gia đình cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc quản lý, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của con, đặc biệt là các mối quan hệ bạn bè của con mình, khuyến khích con hướng tới lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoại khóa; giám sát chặt chẽ để ngăn chặn con em tránh xa thuốc lá điện tử./.
Minh Thuận