Những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động, góp phần vào việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; giúp chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 tổ chức hành nghề BTTP, trong đó có 18 tổ chức hành nghề công chứng; 4 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; 14 văn phòng luật sư, 4 công ty luật; 2 tổ chức giám định tư pháp và 2 tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động BTTP và đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công, hàng năm, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định về BTTP; chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố tổ chức phổ biến sâu rộng văn bản luật về BTTP như Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Luật sư, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản có liên quan đến tổ chức BTTP. Bên cạnh đó, tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nhằm phát hiện, xử lý vi phạm và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức BTTP, bảo đảm để các tổ chức BTTP trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, là căn cứ khoa học để các cơ quan tố tụng đưa ra các quyết định, cũng như bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân… Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, hoạt động BTTP trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp và đạt được kết quả tích cực. Các tổ chức giám định tư pháp đã phục vụ hiệu quả yêu cầu giám định tư pháp, nhất là phục vụ các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự, làm cơ sở quan trọng cho việc xem xét, phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai. Từ năm 2020, các tổ chức giám định tư pháp công lập trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức giám định 1.691 vụ việc, trong đó chủ yếu là giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y. Quá trình tiếp nhận và tổ chức giám định đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; quy trình giám định được chấp hành nghiêm túc; kết luận giám định chính xác, khách quan; không để xảy ra sai sót dẫn đến việc phải giám định lại; thời hạn giám định kịp thời, không có vụ việc tồn đọng. Hay trong công tác trợ giúp pháp lý đã và đang thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người thuộc đối tượng trợ giúp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý đã tiến hành rà soát, thống kê 45.322 người có công với cách mạng; 19.584 người thuộc hộ nghèo; 544.774 trẻ em; 10.066 người nhiễm chất độc da cam; 279.387 người cao tuổi; 42.221 người khuyết tật; 131.072 người thuộc hộ cận nghèo; 80.394 người đang hưởng trợ cấp xã hội; 4.024 người nhiễm HIV thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý; thực hiện 273 vụ việc trợ giúp pháp lý. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã ban hành 170 quyết định cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý tại các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; tổ chức 21 buổi trợ giúp pháp lý tại cơ sở và thực hiện tư vấn pháp luật cho 452 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có yêu cầu. Đối với hoạt động công chứng, để từng bước triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động xã hội hóa công chứng trên địa bàn, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ chức hành nghề công chứng theo đúng lộ trình quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp, chia sẻ thông tin về tài sản công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh để tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch và hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước. Nhờ đó, góp phần ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, đảm bảo cao hơn tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng. Năm 2020, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng 28.832 việc; thu phí công chứng trên 6 tỷ 324 triệu đồng; nộp ngân sách Nhà nước 837 triệu 843 nghìn đồng. Ngoài ra, các hoạt động hành nghề luật sư, bán đấu giá tài sản đều được triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn, góp phần thực hiện cải cách hành chính, phát huy vai trò của hoạt động BTTP trong đảm bảo quyền và lợi ích của công dân trước pháp luật.
Tuy nhiên, công tác BTTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Năng lực, kinh nghiệm hành nghề, bản lĩnh chính trị và đạo đức của một số cá nhân hoạt động BTTP chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai sót, vi phạm. Vẫn còn tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như quảng cáo công chứng, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng... và đã bị xử lý theo quy định. Các dịch vụ pháp lý của luật sư chưa đa dạng; vai trò của luật sư chưa thực sự nổi bật trong các quan hệ hoặc sự kiện pháp lý có luật sư tham gia, đặc biệt là trong việc tranh tụng tại phiên tòa. Công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về kết quả sử dụng kết luận giám định trong điều tra, xử lý vụ việc chưa thường xuyên, dẫn tới những khó khăn trong công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm của cơ quan giám định. Số lượng giám định viên tư pháp cũng như cơ sở vật chất, vật tư, phương tiện thiết bị phục vụ công tác giám định còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác… Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực BTTP, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm, hướng dẫn các tổ chức thực hiện đúng các quy định pháp luật về BTTP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của tỉnh để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn triển khai thực hiện các hoạt động BTTP đúng pháp luật, bảo đảm hiệu quả. Sở Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động BTTP, nhất là các hoạt động đã thực hiện xã hội hóa nhằm phòng ngừa vi phạm trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức tiến hành hoạt động BTTP chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề hoặc làm công tác BTTP tại tổ chức mình, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người thực hiện các hoạt động BTTP của tổ chức mình, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai phạm. Tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin đầy đủ, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện hoạt động BTTP./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng