Giúp người khiếm thị vươn lên ổn định cuộc sống

06:03, 15/03/2021

Nhiều năm qua, Hội Người mù huyện Vụ Bản đã trở thành ngôi nhà chung của những người khiếm thị trên địa bàn. Tại đây, những người khiếm thị được tạo điều kiện để học nghề cũng như kỹ năng sống, giúp đỡ nhau cùng vươn lên hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế bằng chính khả năng của mình.

Cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của anh Nguyễn Ngọc Giao, thị trấn Gôi (Vụ Bản) tạo công ăn việc làm cho nhiều người khiếm thị.
Cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của anh Nguyễn Ngọc Giao, thị trấn Gôi (Vụ Bản) tạo công ăn việc làm cho nhiều người khiếm thị.

Với 123 hội viên, trong đó nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội Người mù huyện đã tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu vay vốn của từng hộ gia đình hội viên để đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn, giúp hội viên phát triển kinh tế. Hội Người mù huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn giúp các hội viên có đủ điều kiện hoàn thiện các thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của Nhà nước phát triển các nghề: xoa bóp, bấm huyệt, làm tăm tre, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Mặc dù hoạt động gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở sản xuất tăm tre của hội vẫn có 10 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở xoa bóp, bấm huyệt đem lại việc làm ổn định cho nhiều người khiếm thị. Ðược thành lập từ năm 2013, cơ sở tẩm quất, mát xa của anh Nguyễn Ngọc Giao ở thị trấn Gôi lúc nào cũng đông khách. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Giao đạt doanh thu khoảng 45-50 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Liên ở xã Tân Thành là nhân viên tại cơ sở tẩm quất, bấm huyệt của anh Giao. Trước kia, kinh tế gia đình anh Liên rất khó khăn, là một trong những hộ nghèo của xã nhưng được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của Hội Người mù huyện, anh đã có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Nhằm tạo điều kiện cho nhiều hội viên có việc làm, ổn định cuộc sống, anh Giao đang khảo sát thị trường trên địa bàn xã Trung Thành để đầu tư mở thêm một cơ sở tẩm quất, bấm huyệt. Có những hội viên không phải bị khiếm thị bẩm sinh mà do biến chứng của bệnh tật, tai nạn..., đã được Hội Người mù huyện đến động viên, chia sẻ, giúp họ cân bằng lại cuộc sống. Ông Nguyễn Gia Bình (SN 1963) ở xã Ðại An bị bệnh thoái hóa võng mạc dẫn đến mất hoàn toàn thị lực khi mới 25 tuổi. Thời gian đầu khi bị khiếm thị, ông sống trong sự đau khổ, chán nản, tự ti, mặc cảm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhưng với sự động viên, yêu thương của gia đình, của Hội Người mù Vụ Bản đã giúp ông lấy lại niềm tin, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội. Sau khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Người mù huyện, ông Bình được đào tạo nghề làm tăm tre, chổi đót với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng; sau đó nấu rượu nuôi đàn lợn thịt khoảng hơn chục con. Mỗi năm, trung bình ông Bình thu được khoảng 70 triệu đồng từ chăn nuôi lợn.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế cho hội viên, Hội Người mù huyện Vụ Bản tích cực tổ chức thăm hỏi hội viên, động viên hội viên vươn lên trong cuộc sống. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Hội Người mù huyện phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm trao quà tết cho các hội viên, giá trị mỗi suất quà từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng. Vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, các cháu nhỏ bị khiếm thị hoặc là con của hội viên được trao suất quà trị giá 300 nghìn đồng. Sự phát triển của Hội luôn có sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Trong năm 2020, Hội Người mù huyện đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng căn nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu đồng cho hội viên Nguyễn Thị Cọi, xã Liên Minh, sống một mình, không nơi nương tựa; ủng hộ 5 triệu đồng cho hội viên Nguyễn Thị Hòa, xã Tân Khánh để sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Ðược sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, đến nay, 120 hội viên Hội Người mù huyện đã có BHYT chữa bệnh miễn phí, có trợ cấp xã hội, được sử dụng nước sạch; 100% hội viên đã được xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian tới, Hội Người mù Vụ Bản tiếp tục khảo sát, vận động, kết nạp thêm hội viên tham gia sinh hoạt; mở thêm lớp dạy nghề, tìm dạy nghề mới, giúp đỡ một số hội viên có khả năng sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Duy trì việc thăm hỏi, tặng quà cho hội viên trong các dịp lễ, tết; tìm thêm các nguồn trợ cấp mới cho những hội viên thực sự khó khăn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com