Nghĩa Hưng quan tâm bảo vệ môi trường

08:03, 31/03/2020

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý môi trường. Trong đó đã huy động cộng đồng tham gia thu gom, xử lý rác thải; kiểm soát việc vứt rác bừa bãi ra đường, kênh mương; định kỳ tổ chức huy động toàn dân ra quân tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống; tăng cường chỉ đạo trồng hoa lề đường, cây xanh theo chỉ tiêu tỉnh giao. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vùng nông thôn; hướng dẫn xử lý và tiêu hủy các chất thải trong hoạt động nông nghiệp; quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cảnh quan môi trường của huyện Nghĩa Hưng đang từng bước được cải tạo theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. 

Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) tăng cường trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường
Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) tăng cường trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp".

Tuy nhiên, đồng chí Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay công tác BVMT trên địa bàn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó, đa phần các xã, thị trấn xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp hoặc đốt bằng lò đốt rác công suất nhỏ nhưng các bãi chôn lấp rác thải đã quá tải; nhiều lò đốt rác xuống cấp, một số lò bị hỏng. Bên cạnh đó, công tác BVMT trong khối các doanh nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp chưa được thực hiện triệt để theo quy định... Để khắc phục các bất cập trên, ngay từ đầu năm 2020, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm Luật BVMT năm 2014 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác BVMT của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, lựa chọn các nội dung phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tổ chức xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”; đồng thời tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện. 

Thực hiện chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục các vấn đề tồn tại của khu xử lý rác tập trung trên địa bàn, chỉ đạo tổ thu gom, xử lý rác thải thực hiện nghiêm túc việc thu gom, tập kết, xử lý rác triệt để tại khu xử lý tập trung, san gạt, chôn lấp, đốt rác thải theo quy trình kỹ thuật; không để rác ùn ứ, gây mất vệ sinh cảnh quan và ô nhiễm môi trường; tăng cường xử lý bèo rác ùn ứ, ngăn chặn vứt rác thải xuống sông, kênh. Đẩy mạnh tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế thực hiện chủ trương xã hội hóa, tham gia đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các lò đốt đã xuống cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu quy chuẩn quốc gia về môi trường và đầu tư xây dựng các lò đốt rác công nghệ hiện đại, quy mô liên vùng để khắc phục triệt để bất cập trong xử lý rác thải. Các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại các trục đường giao thông, khu vực công cộng, kênh mương. Các thôn, xóm định kỳ hàng tuần; các xã định kỳ 2 lần/tháng tổ chức các đợt dọn vệ sinh phối hợp trồng và chăm sóc hoa ở lề đường để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tăng cường gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý, BVMT; đẩy mạnh công tác xã hội hoá về BVMT để giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư như: xử lý rác thải sinh hoạt, khí thải, nước thải và chất thải chăn nuôi. Trong năm 2020 tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn theo quy mô thôn, xóm. Các khu dân cư tập trung đẩy mạnh đầu tư hệ thống thu gom nước thải (có điểm thu gom và có hố ga lắng, lọc bằng cát, đá... trước khi đổ vào các kênh, mương, sông, ao, hồ); tiêu thoát nước mưa không để tắc nghẽn, ngập úng. Yêu cầu các hộ gia đình chủ động đảm bảo “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); phải tự xử lý nước thải sinh hoạt qua hệ thống bể phốt, hố ga lắng; các hộ có hoạt động chăn nuôi lợn phải có hầm biogas và sơ bộ xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống thu gom của khu dân cư.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT, năm 2020 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra công tác BVMT đối với một số cơ sở đang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các xã, thị trấn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tổ chức rà soát, thống kê, yêu cầu các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN Nghĩa Sơn và các làng nghề lập và tổ chức thực hiện phương án BVMT theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Phải có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về BVMT theo quy định; yêu cầu các cơ sở phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải và xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải công nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất trước khi thải ra ngoài môi trường; thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu quan trắc, giám sát, báo cáo công tác BVMT định kỳ hàng năm theo quy định; rà soát đối tượng và triển khai việc thu phí xả nước thải theo quy định. UBND huyện dự kiến bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các xã, thị trấn rà soát, tổ chức xây dựng, lắp đặt, đảm bảo đến năm 2023 toàn bộ hệ thống đường trục xã, đường dong, ngõ xóm được lắp đặt đèn điện chiếu sáng; đồng thời sắp xếp, phân bổ kịp thời, hợp lý nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, kiểu mẫu, nâng cao, để các địa phương lồng ghép thực hiện hiệu quả công tác cải tạo cảnh quan, BVMT. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch, bố trí quỹ đất 7ha tại thị trấn Rạng Đông để chủ động mặt bằng sạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt  tập trung công nghệ hiện đại./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com