Hỗ trợ chính sách BHXH cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

08:03, 27/03/2020

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có: Nhóm về BHXH; nhóm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Những giải pháp này được xem là động lực quan trọng để giúp cộng đồng DN và người lao động vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19.

Hệ lụy từ dịch bệnh COVID-19

Ngày 18-3-2020, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định có văn bản gửi BHXH tỉnh đề nghị tạm dừng đóng tiền BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 9-2020; không tính lãi phạt chậm nộp các khoản chưa đóng. Đồng chí Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty nêu nguyên nhân: Từ đầu năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã tác động đến nền kinh tế trong nước và trực tiếp ảnh hưởng đến ngành Dệt may Việt Nam. Bởi Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu và cũng là thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ yếu của Tổng Công ty. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định bị ảnh hưởng, nhiều bộ phận sản xuất phải ngừng chờ việc..., Tổng Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, đến ngày 23-3, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định có 892 lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN; Tổng Công ty nợ hơn 1,5 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN.

Công ty Cổ phần May Nam Hà khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Công ty Cổ phần May Nam Hà khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp dệt may bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam chia sẻ: Tại tỉnh ta, các doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may, với đặc điểm vốn đầu tư lớn, sử dụng lao động nhiều song lợi nhuận thấp, do sức mua thấp, “cung” vượt quá “cầu” nên hầu hết các doanh nghiệp càng sản xuất càng thua lỗ. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chỉ tính riêng trong lĩnh vực kéo sợi, dệt vải, khăn mặt, do sức mua giảm, Công ty hoạt động xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), tự tìm kiếm thị trường và xuất khẩu trực tiếp nên gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ, giá nguyên liệu không ổn định. Căn cứ đơn đặt hàng và tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Công ty đã ra quyết định thông báo cho toàn thể cán bộ, công nhân về điều chỉnh sản xuất, cắt giảm thời gian làm việc. 

Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến ngày 1-3-2020, tổng số nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN trong toàn tỉnh là hơn 329 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng với số tiền lớn như: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Đường (Hải Hậu) nợ hơn 6 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bảo Linh (Ý Yên) nợ 2 tỷ 787 triệu đồng, Công ty TNHH KG VINA (Xuân Trường) nợ 1 tỷ 223 triệu đồng, Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu) nợ 2 tỷ 502 triệu đồng, HTX Toàn Thắng (thành phố Nam Định) nợ 2 tỷ đồng... Một trong những nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và doanh thu của các doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Tất Trang, Giám đốc Công ty THHH Một thành viên Mai Linh Nam Định cho biết: Do nguy cơ lây lan của dịch COVID-19 nên hầu hết lái xe của Công ty không có việc làm; doanh thu thụt giảm; Công ty khó khăn về tài chính nên chưa đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Hiện tại, Công ty nợ trên 225 triệu đồng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Công ty đã có văn bản gửi BHXH tỉnh xem xét giãn nộp và không tính lãi đến tháng 8-2020. Theo ông Nguyễn Mạnh Hào, Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo AMES chi nhánh Nam Định, hoạt động trên lĩnh vực đào tạo tư nhân, từ đầu năm đến nay, Công ty dừng mọi hoạt động, không có doanh thu để chi trả hoạt động và tiền lương cho người lao động. Do đó, Công ty có văn bản gửi ngành BHXH đề xuất tạo điều kiện cho đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN giúp doanh nghiệp “vượt khó” trong thời gian tạm dừng hoạt động.

"Chìa khóa" góp phần giúp doanh nghiệp "vượt khó"

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong và ngoài nước làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp bị giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm…, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, tỉnh ta đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp, người lao động vượt qua những khó khăn.

Đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, ngày 17-3, BHXH Việt Nam đã ban hành Văn bản số 860/BHXH-BT về việc “Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Theo đó, giao BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động. Trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6 năm 2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020 dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; đồng thời hàng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Khoản 1, Điều 88 của Luật BHXH quy định: Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng. Đồng chí Nguyễn Trung Thực, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh cho biết: Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất), BHYT và BHTN là 32% quỹ tiền lương. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ lệ 22%, bằng trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ.

Như vậy, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động hỗ trợ không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người lao động, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ “kép” mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com