Là lực lượng chuyên trách trong công tác truy bắt đối tượng truy nã, nhất là đối tượng thực hiện tội phạm bỏ trốn trong nước hoặc có tin trốn ra nước ngoài, hoặc truy tìm tung tích nạn nhân, người mất tích, vật chứng liên quan đến vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh) đã dần ghi dấu ấn qua từng chuyên án tầm nã. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm ngày càng hiệu quả, số đối tượng truy nã bị bắt giữ năm sau đều cao hơn năm trước.
Lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển với nhiều thành tích nổi bật trong công tác tầm nã đối tượng phạm pháp đưa về quy án. Năm 2010, trước yêu cầu đòi hỏi của công tác truy bắt đối tượng phạm tội bỏ trốn, Bộ Công an được Chính phủ đồng ý cho thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ở Công an các tỉnh là Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Theo đó, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh ngày càng hiệu quả, số đối tượng truy nã bị bắt giữ năm sau đều cao hơn năm trước. Tính từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã bắt, vận động đầu thú 165 đối tượng truy nã, góp phần làm giảm số đối tượng truy nã từ 268 đối tượng (năm 2010) xuống còn 204 đối tượng truy nã. Trong đó có nhiều đối tượng truy nã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, lẩn trốn lâu năm, có đối tượng thậm chí đã làm giả lý lịch, thay tên đổi họ và được tuyển dụng vào làm việc trong các tổ chức xã hội.
Điển hình như chuyên án 313T, truy bắt đối tượng Nguyễn Ngọc Đương (SN 1979), trú tại thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, can tội trộm cắp tài sản. Nguyễn Ngọc Đương là đối tượng hình sự, nghiện ma túy, cờ bạc. Hắn có 2 lệnh truy nã của Công an huyện Xuân Trường (Nam Định) và Công an huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Khi đang bị Công an huyện Văn Lâm truy nã về tội đánh bạc, Đương tiếp tục sang Nam Định, liên kết với 6 đối tượng ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên thành lập nhóm thực hiện nhiều vụ trộm cổ vật tại các đình, đền, chùa, nhà thờ họ. Nhóm do Đương cầm đầu đã gây ra hàng chục vụ trộm cổ vật. Tháng 6-2012, 6 đối tượng trong nhóm đều đã bị công an bắt, chỉ mình Đương trốn thoát và bị truy nã. Lực lượng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công an các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên truy tìm manh mối của Đương qua các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau hơn một năm truy tìm, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nam Định đã bắt được Đương khi hắn đang lẩn trốn tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
|
Phòng Cảnh sát truy nã (Công an tỉnh) triển khai phương án bắt đối tượng truy nã. |
Hay như vụ truy bắt đối tượng Phạm Hữu Dũng (SN 1967), trú tại 71 Minh Khai, phường Nguyễn Du, Thành phố Nam Định. 25 năm về trước, vào cuối năm 1991, do mâu thuẫn trong việc sửa chiếc đài radio, Phạm Hữu Dũng đã đâm chết anh hàng xóm Lâm Văn Thanh. Sau khi gây án, Phạm Hữu Dũng liền bỏ trốn. Gia đình Dũng cũng bán nhà và chuyển đến nơi ở mới song không khai báo cắt chuyển khẩu tại địa phương nên quá trình truy tìm Dũng gặp rất nhiều cản trở. Nhiều năm lần tìm tung tích Dũng không có kết quả, vụ án tưởng như đã chìm vào quên lãng. Thế nhưng, với các trinh sát truy nã, tấm hình nhận dạng của Phạm Hữu Dũng, cùng với hàng loạt câu hỏi về y luôn hiện hữu trong đầu. Cứ mải miết truy tìm, cho đến cuối năm 2012, các trinh sát đã bắt giữ Phạm Hữu Dũng khi hắn đang sinh sống cùng gia đình và vợ con tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh...
Đại tá Nguyễn Ích Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh cho biết: Trên thực tế, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú, nhất là khi chúng đã cao chạy xa bay và tạo được vỏ bọc an toàn. Sau nhiều năm lẩn trốn, hình dáng của bọn chúng cũng đã đổi thay, các mối quan hệ cũng đã khác xưa rất nhiều. Trong khi đó, không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với Công an vận động người thân quay về chịu án. Có những chuyên án, các trinh sát phải kiên trì giáp mặt với gia đình đối tượng cả chục lần mà vẫn chưa thấy một tín hiệu hợp tác. Những cánh cửa vẫn đóng sập, rồi những lời xua đuổi, miệt thị của gia đình đối tượng “ném” vào trinh sát với ánh mắt hằn học. Song những cản trở đó lại chính là động lực giúp lực lượng Cảnh sát truy nã thêm kiên trì, quyết tâm truy bắt đến cùng. Nhiều lần trăn trở lật lại từng trang hồ sơ vụ án, nghiên cứu kỹ nhân thân, hoàn cảnh gia đình từng đối tượng truy nã và thẳng thắn nhìn nhận lại những lần vận động gia đình đối tượng không thành, đơn vị rút ra kinh nghiệm: Bắt truy nã quan trọng nhất là “chiến thuật tình cảm”. Người trinh sát phải là một chuyên gia vận động, phải tạo được niềm tin với người thân của đối tượng để họ làm cầu nối tác động đến người phạm tội. Phần lớn các trường hợp ra đầu thú là nhờ có sự tác động rất lớn từ phía gia đình và người thân của các đối tượng bị truy nã, đặc biệt là những người có uy tín với đối tượng.
Với phương châm ấy, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh đã dần khẳng định thương hiệu qua từng năm và được các cấp, ngành ghi nhận với 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Bằng khen của Bộ Công an, 8 Giấy khen của Tổng cục Phòng chống tội phạm, gần 10 Bằng khen của UBND tỉnh và trên 40 Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh.
Có thể đánh giá rằng, từ khi thành lập Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, công tác truy nã tội phạm đã đạt hiệu quả cao hơn trước, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay./.
Bài và ảnh: PX15 (Công an tỉnh)