Cần chấm dứt tình trạng ăn xin tràn lan

09:02, 19/02/2016

Hiện nay trên địa bàn Thành phố Nam Định tình trạng người ăn xin tồn tại rất “phổ biến”.  Họ có mặt ở khắp mọi nơi, từ các ngã ba, ngã tư đến khu vực chợ, các di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo, quán ăn, nhà hàng, công viên… Hình ảnh này gây phản cảm, thậm chí “phiền hà” cho nhiều người khi tham gia giao thông, đi chơi, đi lễ hội làm mất mỹ quan đô thị.

Cổng Chùa Vọng Cung (TP Nam Định) là nơi tập trung của rất nhiều người ăn xin.
Cổng Chùa Vọng Cung (TP Nam Định) là nơi tập trung của rất nhiều người ăn xin.
Hằng ngày tại một số tuyến đường trong thành phố như: ngã tư đường Trần Hưng Đạo đoạn trước cổng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định và khu vực Cửa Đông, ngã tư đường Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Du, người tham gia giao thông thường xuyên bắt gặp hình ảnh của 1 thanh niên cụt chân dáng người to béo hoặc 1 ông, bà cụ khoảng trên dưới 60 tuổi đang “lê lết” dưới lòng đường cầm chiếc nón rách chìa ra xin tiền người đi đường. Tuy nhiên, họ thường không ở “lỳ” tại một địa điểm mà di chuyển khắp các ngã ba, ngã tư trong thành phố. Đội quân “cái bang” trên rất đa dạng nhưng chủ yếu là người già, phụ nữ, người tàn tật (hoặc giả tàn tật)… Ngoài những đối tượng ăn xin trên còn có một loại hình ăn xin khác bắt gặp dễ nhất tại nhiều điểm chợ trong thành phố là những người mù (hoặc giả mù), bị cụt chân tay, thanh niên trẻ khỏe dẫn theo 1 em bé đi thành “cặp đôi” đẩy loa thùng hát rong xin tiền khách đi chợ. Họ luồn lách mọi ngõ ngách trong những khu chợ như Mỹ Tho, Lý Thường Kiệt, Hoàng Ngân, chợ Rồng, Diên Hồng, Hạ Long, hát hoặc bật nhạc xin tiền. Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực chợ Diên Hồng tập trung khá nhiều những người ăn xin kiểu này. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ từ 6h30-9h30 sáng, ngồi ở giữa chợ chúng tôi có thể đếm được không dưới 5 cặp đi xin tiền bằng hình thức trên. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện những người ăn xin giả dạng làm thương, bệnh binh đi xin tiền. Những người này thường ngồi trên xe lăn phía trước ghi biển hiệu thương binh. Ngoài ra còn có những đối tượng giả dạng tu hành đi khất thực. Đội quân ăn xin tại khu vực ngã ba, ngã tư, chợ… ngày thường đã đông đúc, ngày Tết càng đông hơn. Đặc biệt là khi mùa Khai ấn Đền Trần đang đến rất gần. Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khu di tích - lịch sử Đền Trần - Chùa Tháp hiện đã thấy thấp thoáng bóng “cái bang” về làm ăn mùa lễ. Và hình ảnh quen thuộc nhiều năm trở lại đây khi mùa lễ hội chính Đền Trần bắt đầu là la liệt những người ăn xin ngồi thành dẫy với đủ mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ, nam giới… trong đó đa số là phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Nhiều phụ nữ trẻ bồng bế thêm cả con nhỏ, con bị bệnh tật đến để cầu mong sự thương cảm của khách thập phương. Hầu hết những người ăn xin qua tiếp xúc đều lấy lý do gia cảnh nghèo, con cái bệnh tật hoặc già yếu, mất sức lao động để mọi người rủ lòng thương. “Bình thường nhìn thì bò lê vậy thôi, lát nữa vãn người, không còn ai nữa là họ lại đứng dậy đi xe máy, còn bọn trẻ thì lóc cóc rời khỏi đây cùng với những người bế ẵm chúng”, anh Đặng Hữu Châu, một người bán nước ở khu vực Đền Trần cho biết. Dạo xe một vòng ở các khu vực đền chùa, công viên nổi tiếng ở thành phố dịp này còn dễ dàng nhận thấy số lượng người ăn xin đã tăng lên đáng kể. “Ngón nghề” quen thuộc của họ là nằm, ngồi vật vã nhằm đánh vào lòng thương của những người hảo tâm. Ghi nhận tại Phủ Dầy những ngày này cũng cho thấy đội quân ăn xin đã có mặt. Họ nằm la liệt hai bên cổng phủ, chìa tay, chìa nón để xin tiền người đến hành lễ trong ngày đầu năm. Nhiều người còn tràn xuống đường quỳ gối, kéo chân khách tạo nên cảnh tượng hết sức khó coi... Anh Lê Văn Hoan, một du khách đến thắp hương ở Phủ Dầy ngao ngán: “Đi chùa thắp hương là để cầu cho một năm mới an lành nhưng ngán nhất là cảnh người ăn xin bủa vây mình. Nhiều lúc làm ngơ không cho thì lương tâm cắn rứt, còn cho một người thì nhiều người khác kéo đến. Bực nhất là có người khỏe mạnh, trai trẻ vẫn đi ăn xin”... 
 
Mặc dù có mặt ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây khó chịu cho những người xung quanh nhưng để dẹp được nạn ăn xin không phải là chuyện một sớm một chiều. Ngoài những mảnh đời bất hạnh, khó khăn thật sự cần giúp đỡ thì đa phần người ăn xin do lười lao động, quen cách sống ỉ lại. Bên cạnh đó, còn có những người bị bọn chăn dắt ép buộc đi ăn xin để thu lợi bất chính. Thực tế cho thấy, người ăn xin phần đông xuất thân từ nhiều tỉnh, thành phố gồm nhiều thành phần từ người già cho đến thanh niên, trẻ em lại thường xuyên di chuyển nên việc xử lý họ thường không dễ dàng. Hơn nữa, các hình thức, đối tượng ăn xin ngày càng biến tướng, nhiều chiêu trò để che mắt chính quyền khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng trên cần sự chung tay phối hợp của nhiều ngành chức năng. Thiết nghĩ, thành phố nên đẩy mạnh tuyên truyền người dân không cho tiền người ăn xin, làm từ thiện đúng nơi, đúng đối tượng tránh để các đối tượng này lợi dụng. Về lâu dài, thành phố cũng cần nghiên cứu các biện pháp: tập trung người ăn xin, lang thang cơ nhỡ vào một địa chỉ xã hội, hướng nghiệp, dạy nghề để họ có thể tự kiếm sống. Đặc biệt, vấn đề phối hợp với các tỉnh, thành phố, huyện để xử lý hết sức cần thiết vì rất đông trong số người lang thang, ăn xin đến từ địa phương khác. Bên cạnh đó, cần xử lý mạnh tay đối với những kẻ chăn dắt lợi dụng người hành nghề ăn xin để trục lợi. 
 
Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, người Việt thường động lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp đỡ những người sa cơ lỡ vận, người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, những người có số phận không may mắn. Tuy nhiên, lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác để trục lợi, để không phải lao động mà vẫn có thể kiếm sống là việc làm không thể chấp nhận được, đáng bị lên án. Vì vậy, với tình trạng người ăn xin xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết, mùa lễ hội, đề nghị các cơ quan, ban, ngành cần có những biện pháp xử lý mạnh tay, dứt điểm hơn. Có như vậy mới dẹp được tình trạng người ăn xin tràn lan, trả lại hình ảnh đẹp cho thành phố văn hiến./.
 
Bài và ảnh: Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com