Đường tới trường thi quốc tế

11:02, 12/02/2016

Năm học 2014-2015, tỉnh ta có 2 học sinh tham dự các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế ở các môn Sinh học, Vật lý và đã vinh dự mang về cho quê hương, đất nước một Huy chương Vàng và một Huy chương Đồng. Thành tích đó đã một lần nữa khẳng định chất lượng dạy và học của ngành GD và ĐT nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) nói riêng.

Góp mặt trong các đội tuyển dự thi Ô-lim-pích quốc tế năm qua có 2 học sinh tiêu biểu của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chiếc nôi đã đào tạo hàng nghìn học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Đó là các em Phạm Minh Đức, đội tuyển môn Sinh học và Đinh Thị Hương Thảo, đội tuyển môn Vật lý. Niềm vui của tỉnh, của những người thầy, người cô, gia đình các em trong các kỳ thi học sinh giỏi năm nay đã được nhân lên gấp bội khi sau nhiều năm phấn đấu, lần đầu tiên tỉnh ta có được tấm Huy chương Vàng ở môn Vật lý. Với những người “cầm quân” các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đã phát hiện, bồi dưỡng để các em trở thành những học sinh giỏi quốc tế thì đây là một kết quả không nằm ngoài sự mong đợi. Bởi, thời gian đào tạo, bồi dưỡng các đội tuyển là sự khổ công của cả thầy và trò. Ý thức rõ được công việc của mình, những người thầy giỏi được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ đã không quản ngày đêm, thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, nhạy cảm trước cái mới, tận tâm với học trò. Trong những năm gần đây, phần lớn những người làm lãnh đội học sinh giỏi đều là những giáo viên trẻ vốn là học sinh cũ của trường. Và trong 2 đội tuyển học sinh giỏi của trường năm 2015 có học sinh góp mặt trong các đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế cũng là 2 giáo viên trẻ làm lãnh đội - những người “cầm quân”, bồi dưỡng học sinh trở thành những học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đó là các thầy cô: Trần Thị Thanh Xuân, Nguyễn Văn Huyên. Theo các thầy cô, con đường ngắn nhất để một học sinh đạt được kết quả học tập tốt nhất phải là tự học, tự nghiên cứu. Nhưng để các em tự học, tự nghiên cứu phải thắp lên được trong các em sự say mê, hứng thú đối với môn học. Và, người thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đó ở các em không ai khác chính là những người thầy đang trực tiếp giảng dạy. Hơn nữa, chính trong quá trình tự tìm tòi, học hỏi, các em càng được củng cố và tăng thêm niềm say mê trong môn học. Vì vậy, ngoài những kiến thức truyền dạy, các thầy cô còn tìm cách hướng dẫn, định hướng trong quá trình tự học của học sinh. Tâm sự về hành trình hai lần đến với trường thi quốc tế của mình (năm 2014 Phạm Minh Đức cũng đã đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi Sinh học quốc tế), Đức chia sẻ: Là học sinh chuyên Toán, để được vào đội tuyển môn Sinh học của trường em cũng gặp không ít vất vả khi cùng lúc phải học cả các môn khác trong khối chuyên Toán và Sinh. Được sự phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ của cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, em đã học tốt hơn và bồi đắp được những kiến thức môn Sinh mà mình cần phải có để có thể đi thi quốc gia, quốc tế… Khi nói về học trò của mình, cô giáo Trần Thị Thanh Xuân cho biết: Mỗi học sinh giỏi đều phải có tư duy logic, đặc biệt là với các môn khoa học tự nhiên. Trong quá trình được phân công giảng dạy môn Sinh học ở lớp em Đức, tôi nhận thấy em có sự đam mê, một học sinh có tư duy rất “sáng”. Chính vì thế tôi đã thuyết phục em từ môn Toán sang môn Sinh. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự động viên của gia đình và thầy cô và quyết tâm của em nên chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt kết quả rất tốt. 
Các em Đinh Thị Hương Thảo, Phạm Minh Đức (thứ nhất và thứ ba từ trái sang) trong lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia, quốc tế năm 2015 của tỉnh.
Các em Đinh Thị Hương Thảo, Phạm Minh Đức (thứ nhất và thứ ba từ trái sang) trong lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia, quốc tế năm 2015 của tỉnh.
Đối với Đinh Thị Hương Thảo, năm 2015 là năm vô cùng ý nghĩa, bởi dù mới đang học lớp 11 chuyên Lý, em đã hai lần “đem chuông đi đánh xứ người” và đã đạt được những thành tích thật vẻ vang, với tấm Huy chương Bạc tại kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp đó là tấm Huy chương Vàng tại kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế. Em cũng được bình chọn là thí sinh nữ tài năng nhất của kỳ thi quốc tế này. Thảo cho biết, con đường đến với trường thi quốc tế đối với em thật tự nhiên và không có nhiều vất vả, dù trước khi bước vào cuộc thi em cũng lo lắng bởi tại kỳ thi quốc tế, em sẽ phải “đọ sức” với rất nhiều bạn bè ở các nước khác nhau, trong đó có nhiều “cường quốc” mà việc học và thực hành môn Vật lý được thuận lợi và tiên tiến hơn rất nhiều. Thế nhưng, ai cũng hiểu để có được thành tích đáng tự hào đó thì không có gì là “tự nhiên” cả mà xuất phát từ chính sự nỗ lực vươn lên trong học tập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường của Thảo. Ông Đinh Viết Hiền, bố của Thảo chia sẻ: “Thảo học quên cả ăn, biệt danh “Thảo còi” cũng xuất phát từ việc cháu gầy quá. Năm lớp 10, gia đình mới để cháu tự đi xe đạp đến trường. Nhà tôi chất đầy sách, phần lớn là sách Vật lý cháu nhờ thầy cô mua từ Hà Nội về để tự đọc hằng ngày”. Tuy nhiên, khi chia sẻ về việc học của mình, Thảo cho biết, mình không hề “vất vả” như thế. Hằng ngày, ngoài thời gian học trên lớp, về nhà em vẫn dành thời gian xem ti vi, chơi với em gái và chỉ làm thêm bài đến 23h là đi ngủ. Những hôm học khuya quá chỉ là “quên” mất thời gian mà thôi. Không chỉ dành thời gian cho môn Vật lý mà em đều chú ý học và đạt điểm cao ở tất cả các môn học. Nhìn những tấm giấy khen của Thảo treo trên tường mới biết, em đã từng liên tiếp giành các giải thưởng cao từ bậc tiểu học và THCS. Đến năm lớp 10 em giành Huy chương Vàng trong kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đầu năm 2015, là học sinh lớp 11 tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Thảo lại đoạt giải nhì và sau đó chính thức lọt vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đi thi học sinh giỏi khu vực châu Á và quốc tế. Trong hành trình đến với những tấm huy chương danh giá, Thảo nói, em muốn cảm ơn nhiều đến các thầy, cô giáo của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhất là thầy giáo Nguyễn Văn Huyên, lãnh đội đội tuyển học sinh giỏi Vật lý, người đã luôn ở bên động viên em trong học tập cũng như trong cuộc sống. Có được những cuốn sách quý, những tài liệu hữu ích để phục vụ cho việc học tập phần lớn đều do thầy cho mượn và định hướng để em đọc. Trong những ngày em tập huấn tại Hà Nội, thầy liên tục gọi điện, lên thăm, động viên em giữ gìn sức khỏe và bình tĩnh, tự tin trong kỳ thi. Và em cũng không quên chia sẻ cảm xúc của mình đối với các thầy, cô giáo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã bồi dưỡng cho em thêm nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết trong 3 tuần tập huấn tại đây. Trong hành trình đến với trường thi quốc tế, các em đều khẳng định: Dẫu hôm nay, trên tấm huy chương mà chúng em được nhận không có tên các thầy giáo, cô giáo thì trong tâm khảm chúng em vẫn vẹn nguyên niềm kính phục, biết ơn những người đã dìu dắt, nâng đỡ trong suốt chặng đường chinh phục những đỉnh cao tri thức…
 
Mỗi học sinh giỏi trở về từ đấu trường Ô-lim-pích quốc tế đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung lại, các em đều có lòng ham học và sự quyết tâm, nỗ lực hết mình và trên hết, các em đã được hun đúc, truyền ngọn lửa đam mê môn học từ những người thầy. Với Đinh Thị Hương Thảo, em sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nghề buôn bán nhỏ, vì vậy, em đã sớm biết tự xây dựng cho mình một lịch học và sinh hoạt ổn định. Bố mẹ không bao giờ phải kiểm tra bài vở của em, kể từ khi em còn học tiểu học. Giống như Thảo, Đức cũng tự học và tự quyết định lịch học của mình và các em đều chưa bao giờ phải đi học thêm ngoài nhà trường. Bố mẹ các em đều cho biết, trong suốt quá trình học tập của con, gia đình hầu như không phải nhắc nhở và cũng không giúp được gì trong việc kèm cặp dạy dỗ mà tự các cháu đã có ý thức, ham học từ nhỏ. Thêm vào đó, các cháu lại được học trong môi trường giáo dục tốt, được sự quan tâm, chăm lo hết lòng của nhà trường và các thầy, cô giáo. Và để làm nên những tấm huy chương đó phải kể đến việc quan tâm, phát hiện nuôi dưỡng, khuyến khích tài năng của tỉnh đối với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các thầy, cô giáo dạy đội tuyển học sinh giỏi và các em. Kể từ khi Quỹ Khuyến học khuyến tài Lương Thế Vinh của tỉnh được thành lập, quỹ đã khen thưởng, động viên giáo viên và học sinh giỏi, nhất là giáo viên, học sinh giỏi tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tỉnh cũng cấp kinh phí cho giáo viên làm lãnh đội các đội tuyển học sinh giỏi và tạo điều kiện để gia đình các em được đi cùng đến các nước tổ chức kỳ thi quốc tế. Trong đó, riêng với tấm Huy chương Vàng của Đinh Thị Hương Thảo, em đã được quỹ và các đơn vị, cá nhân động viên với số tiền hơn 100 triệu đồng...
 
Một mùa xuân nữa đã về! Với ý chí nỗ lực, sự quyết tâm của mỗi học sinh, của ngành GD và ĐT và Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, của gia đình các em và với sự đặc biệt quan tâm của tỉnh trong việc “Đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” của tỉnh, thời gian tới tỉnh ta sẽ tiếp tục có những học sinh giỏi quốc tế làm rạng danh cho quê hương “đất học”./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com