Phát triển mạng lưới giao thông liên hoàn, bảo đảm kết nối vận tải đa phương thức

01:02, 08/02/2016

Đón người bạn đi xa về ăn Tết vào ngày cuối đông, chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng Thành Nam khi màn đêm buông xuống. Phía đông nam Thành phố Nam Định, cầu Tân Phong sừng sững vắt ngang dòng sông Đào trở nên rực rỡ hơn dưới ánh đèn màu, làm tôn thêm vẻ hiện đại của Thành phố Dệt đang ngày càng năng động, vươn lên những tầm cao mới.

Cầu Tân Phong là một trong số những công trình trọng điểm mới trên địa bàn tỉnh được hoàn tất đưa vào sử dụng trung tuần tháng 1-2016. Với ý nghĩa là một trong những công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao năng lực kết nối giao thông vùng, Bộ GTVT đã quyết định bố trí, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư hơn 463 tỷ đồng để xây dựng cầu Tân Phong hiện đại. Còn nhớ trước đây từng nghe cán bộ giao thông vẽ ra hình ảnh trên dòng sông Đào, ngoài cầu Đò Quan sẽ xây thêm một số cầu, giống như sông Xen ở Pa-ri, để phát triển thành phố về phía nam, hướng biển, từng có đôi chút hoài nghi bởi muốn thế sẽ cần đầu tư rất lớn và cần những tấm lòng, tâm huyết dành cho Thành Nam nhiều lắm bởi quê hương còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn. Nhưng đến Xuân này định hướng ấy, mơ ước ấy đang dần thành hiện thực. Cùng với người bạn xa quê lâu năm, chúng tôi có cơ sở để cùng tưởng tượng về Thành phố Nam Định nằm bên dòng sông Đào thơ mộng với bờ bắc là phố cổ, bờ nam là những khu đô thị, thương mại, du lịch sinh thái trẻ trung hiện đại, năng động, sẽ không chỉ có cầu Đò Quan, cầu Tân Phong, mà sẽ mọc lên những cây cầu mới nữa... Gần 1,5km đường dẫn từ cầu Tân Phong đến Quốc lộ 21 cũng sắp hoàn tất 100% khối lượng thi công. Tuyến đường nối cùng với cầu Tân Phong khép kín đường vành đai 1 mới của Thành phố Nam Định, rút ngắn được 10km so với tuyến vành đai cũ, thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại. Đồng thời, giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng. Cùng với cả nước, năm 2015 Nam Định tiếp tục bứt phá về phát triển hạ tầng giao thông theo hướng kết nối vùng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn Trung ương, ODA… để hoàn thiện và đầu tư mới nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Trong giai đoạn 2010-2015, nhiều công trình hạ tầng giao thông huyết mạch trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng như: các Quốc lộ 21, 21B kéo dài, 37B, 38B; các tỉnh lộ 485, 488, 488B, 488C, 489, 490C… Người dân cũng tích cực đóng góp xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được 5.456km đường GTNT, 5.703 cầu, cống dân sinh, 5.319km đường trục nội đồng. Sự đổi thay đó đã tạo lực hút đầu tư phát triển công nghiệp, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Giao thông phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh chụp tại tuyến Quốc lộ 21B Nam Định - Phủ Lý, thuộc địa bàn Thành phố Nam Định).
Giao thông phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh chụp tại tuyến Quốc lộ 21B Nam Định - Phủ Lý, thuộc địa bàn Thành phố Nam Định).

Là địa phương có tiềm năng giao thông đường thủy (vận tải đường sông và ven biển) nên ngành GTVT xác định được tầm quan trọng trong việc phát triển vận tải hàng hóa đường thủy về lâu dài là giải pháp bền vững, giảm gánh nặng chi phí vận chuyển, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, cũng là để bảo vệ kéo dài tuổi thọ cho công trình giao thông đường bộ. Do vậy ngành đã tập trung tham mưu với tỉnh quan tâm kết hợp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các loại hình giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển), hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Trong đó, tỉnh đã chú trọng thu hút nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng vận tải đường thủy. Năm 2015, tỉnh đã đưa vào khai thác cụm công trình cải tạo, chỉnh trị cửa Lạch Giang. Đây là cụm công trình lớn nhất về đường thủy nội địa được đầu tư trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ thuộc Dự án WB6, gồm 8 hợp phần xây dựng với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng. Công trình luồng qua cửa Lạch Giang có khả năng thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước bằng hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho các tàu pha sông biển có trọng tải 1.000-3.000 tấn đến được các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến được các cảng trên sông Ninh Cơ (Nam Định) và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình). Trước khi có công trình này, các tàu ra vào cảng phải phụ thuộc rất nhiều vào thủy triều, những dòng chảy không dự đoán được và những yếu tố tác động đến hoạt động, sự an toàn của tàu nằm ngoài tầm kiểm soát của các chủ tàu và chủ hàng. Công trình được đưa vào sử dụng góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nằm trong chuỗi hợp phần của dự án, một loạt bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: bến Kinh Lũng trên sông Đào quy mô bến loại I thuộc địa phận xã Đại Thắng (Vụ Bản) và Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); bến Ninh Mỹ trên sông Ninh Cơ quy mô bến loại II thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) và xã Hải Giang (Hải Hậu); bến đò Bùi, đò Cựa Gà qua sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Phương Định (Trực Ninh) và xã Xuân Hồng (Xuân Trường); nâng cấp, sửa chữa bến phà Đống Cao trên Quốc lộ 37B vượt sông Đào qua địa bàn hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư 20,7 tỷ đồng. Các điểm vượt sông được cải tạo mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực, tăng cường ATGT. Nhờ định hướng đúng trọng tâm nên hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của tỉnh đã và đang tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy.

Theo đồng chí Lê Nguyên Khính, Giám đốc Sở GTVT: Để góp phần kết nối các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh với các tỉnh lân cận, tăng khả năng kết nối giữa đường bộ với đường thủy, ngành GTVT sẽ sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc khởi công xây dựng cầu Thịnh Long và đường hai đầu cầu; điểm đầu giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km202+400 thuộc địa phận xã Hải Châu (Hải Hậu), điểm cuối giao cắt với tỉnh lộ 490C tại Km40+706 địa phận xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và đầu tư công trình đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ Thị trấn Thịnh Long đến KCN Dệt may Rạng Đông ngay trong đầu năm 2016. Ngành GTVT cũng đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các cầu Bến Mới qua sông Đáy, cầu Cồn Nhất qua sông Hồng, cầu Đống Cao qua sông Đào, cầu Ninh Cường qua sông Ninh Cơ; xây dựng Cảng sông Nam Định mới trên sông Hồng, đường trục chính Khu kinh tế Ninh Cơ và thực hiện phân kỳ đầu tư Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 490B theo tiêu chuẩn đường cao tốc... Tập thể cán bộ, công chức, lao động ngành GTVT sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng với tỉnh tập trung triển khai thực hiện những công trình sẽ được khởi công, hoàn thành trong những năm tới hiệu quả, đúng kế hoạch nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com