Huyện Trực Ninh hiện có gần 20 vạn dân, trong đó có gần 94.500 người trong độ tuổi lao động và hằng năm có khoảng 2.800 người bước vào độ tuổi lao động. Để người lao động có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định. |
Hằng năm, huyện đã tổ chức đào tạo và đào tạo lại nghề, tạo việc làm mới cho 2.500-3.000 lao động; trong đó, chủ yếu là các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan, bẹ chuối, dệt may, chiếm từ 60-65%; các ngành nghề sản xuất công nghiệp chiếm 20-25%; còn lại là các ngành nghề sản xuất nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, thời gian qua công tác dạy nghề và tạo việc làm trên địa bàn huyện gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu thụ chậm… doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tình trạng người lao động mất việc làm tăng. Trước thực trạng này, năm 2014, huyện Trực Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vai trò của công tác đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tạo cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người lao động. Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện tổ chức khảo sát, điều tra về lực lượng lao động, nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 50 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN, 20 doanh nghiệp xây dựng, 140 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải… và trên 12 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp đã dần khôi phục và từng bước mở rộng quy mô sản xuất; nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may, thu hút khá đông người lao động. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch và lựa chọn những đơn vị như: Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp Nghề số 8, Trường Trung cấp Nghề Giao thông vận tải Nam Định, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nam Định… có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện Đề án 1956, trong năm 2014, huyện mở 16 lớp dạy nghề cho 435 lao động. Trong đó, có 8 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, gồm: 6 lớp may công nghiệp (210 học viên) và 2 lớp hàn điện (70 học viên); 8 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 160 học viên với các chuyên ngành chăn nuôi gà, vịt, chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, nuôi cá nước ngọt, cá ba sa, ếch… Bên cạnh đó, từ các chương trình dạy nghề của Phòng NN và PTNT, Hội Nông dân; Phòng Công thương, huyện đã có thêm 6 lớp đào tạo nghề với 210 lao động được học nghề. Chương trình, giáo án dạy nghề tập trung vào thực hành và các kỹ năng lao động; học lý thuyết đến đâu, thực hành đến đấy để nắm chắc nghề và tạo thu nhập ngay cho người lao động. Các lớp dạy nghề tổ chức tại các xã, thị trấn, thời gian dạy nghề phù hợp, tạo thuận lợi cho người học. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể trong huyện còn dạy nghề theo phương thức truyền nghề tại các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện. Sau khi được học nghề, gần 80% lao động có việc làm tại địa phương đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, cải thiện đời sống. Theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các lao động đã qua đào tạo nghề đều đáp ứng yêu cầu công việc.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Chỉ đạo các xã, thị trấn tạo thuận lợi để người lao động tham gia học nghề; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để người học nghề có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Qua đó tạo động lực thu hút nhiều người lao động học nghề, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch kinh tế theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Minh Tân