Minh Thuận bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

06:12, 06/12/2014

Xã Minh Thuận (Vụ Bản) là một vùng đất cổ. Trên địa bàn xã, thôn nào cũng có đền, chùa, miếu cổ kính với hình ảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình” đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của người dân. Qua phát hiện khảo cổ học, nơi đây từng là vùng đất tịch điền của các vua thời Lý - Trần.

Một góc thôn Phu, xã Minh Thuận.
Một góc thôn Phu, xã Minh Thuận.

Những nét đẹp văn hóa truyền thống là sức mạnh nội lực để cán bộ, nhân dân trong xã tạo ra bước phát triển nhiều mặt trong cuộc sống hôm nay. Di tích lịch sử - văn hóa đình Hướng Nghĩa thuộc thôn Hướng Nghĩa được xây dựng từ năm 1112, thời Lý. Đình quay hướng tây trên một khu đất cao, có kiến trúc kiểu chữ "nhị". Xung quanh đình là những hàng cây lâu năm tỏa bóng mát cùng hệ thống tường bao bảo vệ. Theo các sắc phong và bài vị thờ tại đình Hướng Nghĩa thì nơi đây thờ 3 vị thần có nhiều công lao với dân, với nước, gồm: Hậu Tắc Hoàng đế là vị thần có công dạy dân cách thức trồng trọt các loại cây. Câu Mang Đại Vương là một danh tướng thời Hùng Vương. Đương Chu Đại Vương là người có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đình Hướng Nghĩa luôn được nhân dân địa phương trân trọng gìn giữ. Hiện tại, nơi đây vẫn gìn giữ được nhiều di vật có giá trị như: hệ thống sắc phong, ngai và bài vị thờ 3 vị thần, đại tự, câu đối gỗ... Ngoài ra, ở các thôn Phú Vinh, Phú Cốc, Phú Lão có hệ thống đền, chùa tập trung tạo thành một quần thể di tích khá dày đặc. Chùa thôn Phú Cốc còn bia ghi sự tích đúc tượng chuông đồng thời Lê Cảnh Hưng. Đền thôn Phú Lão còn những di vật nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê thế kỷ XVIII, có hương án, đôi hạc gỗ thời Lê. Đền thôn Phú Vinh còn giữ được nhiều bia hậu thời Nguyễn ghi tên những người giúp đỡ người dân trong thôn khi gặp nạn đói, người đóng góp xây dựng đền, chùa. Các thôn Phú Lão, Phú Vinh có phủ thờ Công chúa Quế Hoa, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Thôn Bịch có đền thờ Câu Mang Đại Vương thời Hùng Vương và đền thờ tướng quân Lê Khai thời Đinh. Thôn Duyên Trường có đền, chùa, phủ, điện. Tại điện thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão còn lưu giữ bản phả kỷ về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn của đền Bảo Lộc, chép năm Tân Sửu (1901)… Hằng năm, vào những ngày hội thôn, ở các đình, chùa trên địa bàn xã đều thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia. Tại đình Hướng Nghĩa thường diễn ra lễ hội vào các dịp: Tết Nguyên đán, Tết Thượng Nguyên, Tết Đoan Ngọ... Cứ ba năm một lần, từ mồng 1 đến mồng 5 tháng 8 (âm lịch), thôn vào khóa "nhập tịch" xướng ca tại đình, có biểu diễn hát chèo, lễ rước kiệu quanh thôn làm rộn rã không khí làng quê. Ở các thôn dịp đầu năm đều tổ chức hội xuân mang ý nghĩa cầu phúc an lành, mùa màng tươi tốt. Lễ vật tế thần còn giữ được nhiều nét văn hóa ẩm thực bản địa. Ở thôn Bịch có loại bánh lễ đặc biệt gồm chè kho, bánh dày nướng. Bánh dày nặng khoảng 1,5kg được cắt lát rồi tạo hình voi, ngựa, gà, đầu rồng, tướng sĩ rồi đem nướng phồng, sau đó tô các màu sắc sặc sỡ để đưa lên mâm hoa quả cúng lễ. Thôn Phú Cốc còn lưu truyền lệ “trục quyên” (bắt đuổi cuốc) làm lễ tế thần đầu năm; lễ tịch điền đều cúng Thần Nông - Hậu Tắc bằng ba chân giò dựng đứng trên đặt một miếng thịt dài tượng trưng cho bộ gầu sòng tát nước. Những thuần phong mỹ tục và các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở xã Minh Thuận vẫn được bảo lưu qua các hương ước, các lệ làng, các tập tục trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội... Theo lệ các làng trước đây, khi có người đi thi hương, thi hội… làng đều cấp tiền cho ăn học, nếu thi đỗ, làng cấp tiền thưởng và tặng phẩm để khao vọng. Hiện nay, truyền thống khuyến học tiếp tục phát triển mạnh. Ở cả 10 thôn trong xã đều có quỹ khuyến học; nhiều dòng họ như họ Bùi thôn Phú Lão xây dựng được quỹ khuyến học hơn 100 triệu đồng, nhiều con cháu dòng họ đỗ đạt cao được khắc vào bia đá ở nhà thờ họ.

Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Minh Thuận đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, xã có 7/10 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; hằng năm số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” luôn đạt trên 90%. Tiêu biểu cho phong trào là các thôn: Đống Đất, Phú Cốc. Thôn Đống Đất là đơn vị đầu tiên của xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” năm 2001. Gần 15 năm qua, tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn được giữ vững; tình làng, nghĩa xóm luôn gắn kết; thôn không có trẻ em bỏ học, người vi phạm pháp luật; hằng năm 95% số hộ trong thôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Thôn Phú Cốc có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu làm kinh tế giỏi như hộ các ông: Trần Ngọc Khánh, Trần Văn Toàn ứng dụng KHKT trồng các cây rau màu năng suất cao thu trên 100 triệu đồng/1ha; ông Trần Đăng Khôi, phát triển nuôi gà công nghiệp mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Các gia đình trong xã với truyền thống lao động cần cù luôn giúp đỡ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế. Cuộc sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 3,2%.

Trên nền tảng những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, đã tạo động lực để người dân xã Minh Thuận nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com