Ông Điện là hàng xóm, vừa mới nghỉ hưu, buồn nên buổi tối hay sang nhà tôi uống trà, nói chuyện thời sự. Bẵng đi mấy hôm mới lại thấy ông sang chơi. Lần này ông chủ động chuyển đề tài sang kể chuyện cưới. Chả là ông vừa mới về dự mấy đám cưới ở quê.
Ông kể, hôm vừa rồi ông nhận được hai giấy mời dự tiệc cưới của hai người bạn đang công tác ở huyện giờ đã là thông gia, thời gian cách nhau một ngày và đều tổ chức tại một nhà hàng. Trên đường về, ông dự định sẽ chỉ dự tiệc cưới của bên nhà trai, còn bên nhà gái chỉ sang uống trà và có quà chúc mừng. Nhưng rồi “kế hoạch” của ông phải thay đổi. Bạn ông giờ đã có nhà ở ngay phố huyện, điều kiện kinh tế khá giả nên việc tổ chức tiệc cưới cho con “hoành tráng” không khác gì các đám cưới trên thành phố. Dẫu chỉ là tiệc cưới “ở quê” nhưng cũng trang hoàng phông màn, đèn hoa rực rỡ, cũng có chụp ảnh, quay ca-mê-ra và bố mẹ dẫn chú rể, cô dâu đi chúc rượu chào khách mời. Tại đây, ông gặp lại nhiều người là bạn bè, đồng nghiệp hồi ông còn đang công tác ở huyện. Bạn bè cùng thời với ông vốn trọng tình, lâu ngày mới gặp lại nên ai cũng vồn vã mời ông tới nhà chơi rồi cùng dự tiệc cưới bên nhà gái hôm sau. Vui bạn, vui bè nên ông ở lại. Đêm ấy, ông nghỉ ở nhà một người bạn. Nghĩ đến bữa tiệc cưới hôm sau bên nhà gái đối tượng khách mời, các món ăn rồi “kịch bản” bố mẹ cô dâu dẫn cô dâu, chú rể đi chào khách lặp lại như bên nhà trai, ông thấy “oải” và thận trọng thăm dò bạn: “Bố mẹ cô dâu, chú rể đều công tác ở huyện, chỗ thân tình, đều có chung đối tượng khách mời, sao họ không tổ chức tiệc cưới chung cho gọn nhẹ, đỡ dềnh dàng?”. Thật không ngờ người bạn cũng trăn trở giống ông: “Nếu tổ chức tiệc cưới chung như ông nói thì còn gì bằng, vừa đỡ mệt cho gia chủ, vừa đỡ mệt cho khách mời(!). Ai cũng nghĩ làm thế là đúng, nhưng đây là quê, vấn đề tư tưởng còn nặng nề lắm; việc tổ chức đám cưới như thế nào có liên quan đến cả cộng đồng, anh em, họ hàng nên mình không thể làm khác. Ông ở xa không sao chứ chúng tôi ở quê, đến mùa cưới cũng mệt lắm. Nếu họ mời dự tiệc cưới mà mình không đi ăn, chỉ đến mừng, hôm sau thái độ gia chủ sẽ khác ngay vì cho là mình không nhiệt tình, tình cảm(!)”.
Nghe ông Điện kể chuyện, tôi liên tưởng đến tâm trạng của những người “làm công ăn lương”, người đã nghỉ hưu, người lao động nghèo… khi nhận những tấm thiếp mời dự tiệc cưới hoành tráng. Bởi, ngoài sự mệt mỏi khi phải ngồi cùng mâm với những người chưa hề quen biết, còn là vấn đề tiền mừng đám cưới thế nào(?). Sao họ không nghĩ cho người khác nhỉ?
Đức Linh