Để công nghệ thông tin phát huy hiệu quả trong dạy và học

08:04, 10/04/2013

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành, Sở GD và ĐT đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT ở các tổ chức, cơ sở giáo dục. Các trường THPT đều được trang bị máy tính có nối mạng (nội bộ và internet), bảo đảm tối thiểu dưới 20 học sinh/máy tính. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố đều kết nối internet và quy định mỗi trường ở các cấp học, bậc học trang bị ít nhất 2 máy tính, 1 máy in, webcam, điện thoại và kết nối internet phục vụ việc quản lý và giảng dạy. Ngoài ra, Sở GD và ĐT khuyến khích các trường tiểu học, THCS đầu tư trang thiết bị CNTT, khuyến khích giáo viên ứng dụng CNTT trong soạn giáo án và giảng dạy. Trong năm học 2012-2013, Sở GD và ĐT đã hoàn chỉnh trang thông tin điện tử của ngành trở thành trung tâm thông tin quản lý giáo dục và triển khai các ứng dụng CNTT; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý giáo dục, đồng thời khuyến khích các phòng GD và ĐT, các cơ sở giáo dục lập trang thông tin điện tử riêng phục vụ công tác chuyên môn. Các thiết bị hiện đại phục vụ việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy như máy chiếu đa năng, bảng thông minh tương tác, trang thiết bị tổ chức hội thảo, phổ biến công tác trực tuyến giữa Sở GD và ĐT với các phòng GD và ĐT và cụm trường THPT đang được tích cực đầu tư. Sở GD và ĐT đã thành lập tổ chuyên trách CNTT xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống thông tin chuyên ngành và website. Bên cạnh việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên và đội ngũ chuyên trách về CNTT, ngành tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý CNTT từ Sở GD và ĐT đến các trường, đưa công tác quản lý CNTT vào nền nếp, đồng thời khuyến khích giáo viên tham gia đóng góp các bài giảng điện tử (E-Learning), khai thác thư viện bài giảng điện tử…, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Việc soạn và dạy bằng giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu, trao đổi nghiệp vụ qua email, các diễn đàn giáo dục nội bộ hoặc của Bộ GD và ĐT… được triển khai ở khắp các đơn vị, trường học. Trong các tiết dạy có ứng dụng CNTT, bài giảng của giáo viên được thể hiện khá sinh động, với các hình ảnh, sơ đồ, mô hình giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, hứng thú với môn học. Nhờ ứng dụng CNTT, nhiều giáo viên đã thành công trong đổi mới phương pháp dạy học. Các trường đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và thư viện điện tử gồm các loại giáo trình, sách giáo khoa điện tử, bài giảng, đề thi trắc nghiệm, thí nghiệm ảo…, giúp học sinh và giáo viên có thể khai thác kiến thức bổ ích liên quan đến việc dạy và học, hoặc tham gia các cuộc thi, các “sân chơi” trí tuệ trực tuyến ở một số môn học. Nhiều trường còn tổ chức, hướng dẫn học sinh thu thập tài liệu, quay phim, chụp ảnh các di tích lịch sử, các danh nhân ở địa phương để làm tư liệu, tổ chức diễn đàn trên mạng để giáo viên và học sinh thảo luận bài học một cách tích cực, chủ động, góp phần xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở các trường.

Học sinh Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) trong giờ học Tin học.
Học sinh Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh) trong giờ học Tin học.

Đến nay, 100% trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc dạy tin học trong nhà trường, các trường tiểu học đưa môn Tin học là một trong hai môn học tự chọn của học sinh. Hầu hết cán bộ quản lý và phần nhiều giáo viên đã sử dụng máy tính phục vụ công tác quản lý và dạy học. Khối THPT có tối thiểu một phòng máy với 35 máy tính, có ít nhất 2 máy chiếu, 1 máy tính xách tay, 1 bảng thông minh. Tất cả các trường đã kết nối internet, nhiều trường có tổ bộ môn trang bị máy tính riêng. 100% các trường trực thuộc, các phòng GD và ĐT, trung tâm GDTX lập địa chỉ email để phục vụ công tác quản lý. Nhiều trường THPT tạo hộp thư điện tử cho học sinh lớp 12 để tiếp nhận thông tin thi và tuyển sinh. Đặc biệt, mỗi năm học đã có hàng nghìn tiết dạy có ứng dụng CNTT và hàng nghìn giáo án điện tử chất lượng được chia sẻ trên website các trường để cán bộ, giáo viên tham khảo, áp dụng, tạo bước ngoặt quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học của hệ thống trường học trong tỉnh. Toàn ngành đã kết hợp tranh thủ các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia đưa tin học vào nhà trường và hoạt động xã hội hóa giáo dục nên số trường học được trang bị máy vi tính ngày càng tăng. Việc triển khai đồng bộ hoạt động đưa tin học vào nhà trường, góp phần giúp học sinh học môn tin học ngày càng tiến bộ. Hằng năm, nhiều học sinh giành nhiều giải cao qua các cuộc thi giải toán, Olympic tiếng Anh qua mạng internet khu vực phía Bắc và toàn quốc.

Để thực hiện tốt việc dạy học bằng CNTT, yêu cầu giáo viên không chỉ sử dụng thành thạo máy vi tính, mà còn biết ứng dụng CNTT một cách sáng tạo vào việc soạn giáo án và giảng dạy. Tuy nhiên, một số giáo viên có tuổi đời cao khi ứng dụng CNTT vào bài giảng không có sự đổi mới, phương pháp dạy vẫn theo lối truyền thụ một chiều, không chú ý đến trình độ học sinh dẫn đến học sinh không theo kịp bài giảng. Ở nhiều trường học dù đã trang bị phòng máy, phòng đa năng, nối mạng internet, máy chiếu, máy quét nhưng không ít giáo viên còn lúng túng và thụ động khi ứng dụng CNTT vào bài giảng, trong khi một số giáo viên trẻ lại lạm dụng CNTT, trong soạn giáo án, chưa phân định được bài học nào cần ứng dụng CNTT, bài nào nên dùng phương pháp giảng truyền thống. Bên cạnh đó, một số trường học do cơ sở vật chất chưa đồng bộ nên việc ứng dụng CNTT còn mang tính hình thức và chưa được sử dụng thường xuyên trong giảng dạy. Vì vậy, để triển khai ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ở từng bậc học đạt hiệu quả cao, các trường cần động viên giáo viên phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu sáng tạo, tham gia viết phần mềm, thiết kế, soạn giáo án điện tử, bài giảng điện tử, tập hợp sưu tầm các kho tư liệu để chia sẻ, trao đổi thông tin; thống nhất phần mềm soạn giảng hợp chuẩn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



sim đẹp tại kho sim tam hoa 555 tại khosim.com in decal Tư vấn mua Máy quét 3D cao cấp iphone 15

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com