Thắp sáng niềm tin hoà nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật

09:04, 09/04/2013

Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy nghề cho 120 trẻ khuyết tật từ 12-16 tuổi, còn khả năng lao động và tiếp thu nghề. Trước khi đến Trung tâm, hầu hết các em đều chưa được học chữ, do sức khoẻ không tốt nên được gia đình chăm lo, hỗ trợ vệ sinh cá nhân. Do vậy trong khoá học 3 năm tại Trung tâm, các em được hướng dẫn cách giao tiếp, sinh hoạt cá nhân, tập luyện phục hồi chức năng, học chữ và học nghề. Đồng chí Vũ Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm hiện có 30 cán bộ, nhân viên, trong đó 65% có trình độ đại học, cao đẳng; các giáo viên được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật và đều có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Với mức trợ cấp ăn uống sinh hoạt của Nhà nước là 540 nghìn đồng/tháng/cháu, mặc dù giá cả thị trường có nhiều biến động song Trung tâm đã tập trung quản lý và đổi mới công tác nuôi dưỡng để đảm bảo đủ dinh dưỡng, giúp trẻ khuyết tật có sức khoẻ học tập, tiếp thu nghề.

Học viên Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh thực hành may áo bảo hộ lao động.
Học viên Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh thực hành may áo bảo hộ lao động.

Trẻ khuyết tật được quản lý 24/24 giờ trong ngày, được hướng dẫn thực hiện giờ giấc học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý, được khám, lập sổ y bạ theo dõi sức khoẻ và được phân vào các lớp học chữ, học nghề phù hợp. Mặc dù bị câm, điếc, sức khoẻ hạn chế nhưng với nỗ lực của cả cô và trò, sau khoá học, các em đều biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia và biết thể hiện cảm xúc với người xung quanh. Qua tìm hiểu thực tế về khả năng tiếp thu nghề và thực hành nghề khi ra trường, Trung tâm đã lựa chọn hai nghề chính để đào tạo là nghề may, nghề mộc. Hiện nay, Trung tâm có 15 lớp, mỗi lớp khoảng 10 em. Cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy, gắn học lý thuyết với thực hành và tận tình hướng dẫn các em từng kỹ năng thao tác. Do được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, trang bị kiến thức văn hoá cơ bản đến việc chỉ bảo tận tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên nên các em tiếp thu nghề khá nhanh, từ đó thắp lên trong các em khát khao được làm chủ chính mình, có nghề để tự nuôi sống bản thân, hoà nhập cộng đồng. Nhờ đó, hằng năm, 100% các em đều đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ đạt khá, giỏi luôn chiếm trên 70%. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Tiêu biểu như các em: Nguyễn Thị Hải, 18 tuổi ở xã Nam Cường (Nam Trực), ra trường năm 2012 đã đi làm may tại cơ sở may tư nhân; Vũ Văn Tụ, 18 tuổi, quê ở xã Trực Thắng (Trực Ninh) làm mộc ở tại quê hương; Nguyễn Thị Linh, 17 tuổi ở xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Trần Thị Hoà, 19 tuổi, ở Thị trấn Gôi (Vụ Bản) làm may… thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Nhiều em sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định. Theo tin của các em báo với Trung tâm, đến nay 26/36 em ra trường năm 2011; 15/21 em ra trường năm 2012 đã có việc làm, thu nhập ổn định.

Năm 2012, Trung tâm đã được tỉnh đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng khu phục hồi chức năng; bổ sung trang thiết bị dạy nghề may, nghề mộc với quy mô dạy nghề mỗi khoá cho 70 học sinh. Ngoài ra, Trung tâm còn nhận được sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể trong tỉnh, một số tổ chức nhân đạo, từ thiện trong nước, nước ngoài và các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, động viên các em. Tuy nhiên, để giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có sự quan tâm chung sức hỗ trợ của cả cộng đồng. Các doanh nghiệp cần quan tâm tiếp nhận người khuyết tật làm việc. Các gia đình có con em bị khuyết tật còn khả năng lao động cần đưa con em đi học chữ, học nghề, trang bị kiến thức kỹ năng sống cần thiết và nghề phù hợp để các em có thể tự lập trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com