Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe (SHLX) cơ giới đường bộ, trong đó có 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô các hạng và lái xe mô tô hạng A1 là: Trường Trung cấp nghề GTVT (Sở GTVT); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng) và Trường Trung cấp nghề Đại Lâm; 2 cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 là: Trường Trung cấp nghề số 8 (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và Trường Trung cấp nghề số 20 (Bộ CHQS tỉnh). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của ngành GTVT, công tác đào tạo và sát hạch lái xe của các cơ sở đã bảo đảm quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra, thời gian qua cho thấy, một số cơ sở chưa thực sự quan tâm bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; việc quản lý học viên chưa chặt chẽ; chất lượng đào tạo thực hành lái xe có lớp chưa bảo đảm quy định về thời gian học và số km tập lái của mỗi học viên…
Sát hạch lái xe ô tô tại Trường Trung cấp nghề GTVT Nam Định (Sở GTVT). |
Nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, SHLX cơ giới đường bộ, đầu năm 2012, Sở GTVT đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng, quy trình đào tạo của Bộ GTVT. Văn phòng Sở GTVT, Phòng Quản lý vận tải - Phương tiện người lái, Thanh tra sở và các đơn vị liên quan có biện pháp tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, SHLX, không để xảy ra tiêu cực trong công tác sát hạch, bảo đảm kết quả sát hạch trung thực, chính xác. Thanh tra Sở GTVT cử cán bộ giám sát có năng lực, phẩm chất tăng cường giám sát đột xuất các kỳ SHLX. Các cơ sở đào tạo, các trung tâm SHLX chủ động tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình và thời gian đào tạo, bảo đảm đủ thời lượng học lý thuyết và số km thực hành, tổ chức kiểm tra kết thúc môn học và lưu trữ đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tổ chức tuyển sinh không vượt quá lưu lượng đào tạo, số học viên mỗi hạng không vượt quá số xe tương ứng, số học viên/lớp không vượt quá quy định; thực hiện kế hoạch bố trí giáo viên và xe tập lái đúng chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp chứng chỉ nghề bảo đảm chất lượng. Các cơ sở đào tạo đã chủ động khắc phục khó khăn, đầu tư bổ sung thiết bị, nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Trung cấp nghề GTVT hiện đã đầu tư 6 phòng học lý thuyết; 2 sân tập lái diện tích 10 nghìn m2 thảm bê tông, 51 xe tập lái và phục vụ sát hạch. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên cũng được nhà trường chú trọng thực hiện; đồng thời tăng cường nội dung giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp của người lái xe. Năm 2012, nhà trường đã đào tạo 11.500 lái xe mô tô hạng A1 và 2.100 lái xe ô tô các hạng. Năm 2013, nhà trường tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp với quy trình đào tạo; xây nhà hiệu bộ với diện tích 1.107m2; tập trung giải phóng mặt bằng khu đất 2,1ha để đáp ứng yêu cầu đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Các cơ sở đào tạo lái xe đều đầu tư xây mới phòng học, bổ sung thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng xe tập lái đáp ứng tốt công tác dạy và học lái xe, đồng thời chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, các quy định mới liên quan đến công tác đào tạo, SHLX. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cũng từng bước nâng cao chất lượng. Năm 2012, các cơ sở đào tạo toàn tỉnh đã khai giảng 91 khoá lái xe ô tô, 272 khoá lái xe mô tô hạng A1, cấp 48.833 giấy phép lái xe các hạng, trong đó cấp mới 32.019 giấy phép lái xe mô tô hạng A1; 5.396 giấy phép lái xe ô tô các hạng.
Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung kiểm tra, đôn đốc các cơ sở đào tạo, SHLX tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực, quy trình đào tạo lý thuyết và thực hành theo Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7-11-2012 của Bộ GTVT. Theo đó, các cơ sở cần chú trọng thực hiện quy định điều chỉnh tăng số km thực hành trên đường và số giờ học thực hành lái xe trong hình; thường xuyên duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, đặc biệt là xe sát hạch, thiết bị chấm điểm tự động. Lưu trữ các tài liệu và kết quả sát hạch của học viên theo quy định. Thường xuyên bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy lý thuyết và thực hành theo quy định./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý