Năm 2009, nhờ tiếp cận được nguồn vốn 120 từ kênh Trung ương Đoàn, anh Lê Văn Thuấn ở xóm 16, xã Hải Long (Hải Hậu) được vay 96 triệu đồng đầu tư mua máy bào, gỗ, trang thiết bị để mở xưởng mộc. Hiện nay, xưởng mộc của anh rộng 1.000m2, với nhiều máy móc hiện đại như 3 dàn máy SNSY dùng để đục các sản phẩm gỗ, tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm đồ thờ như tượng Phật, hoành phi, câu đối, kiệu, tranh tứ bình, tranh đồng… do xưởng mộc của anh sản xuất đã có mặt trên thị trường các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh… Sản phẩm của xưởng làm đến đâu, hết đến đó, nhiều khi khách phải đặt hàng trước hàng tháng. Còn ở xã Yên Phong (Ý Yên) hai anh Nguyễn Đức Huân và Nguyễn Quang Hiếu nhận đấu thầu 8.000m2 đất hoang hoá, đầu tư đào ao nuôi thủy sản. Các anh chia thành 4 ao nuôi thả cá thịt và cá quả. Năm 2012, từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn, 2 anh đã được vay 100 triệu đồng mở rộng trang trại xây kè bờ, kè ao, đầu tư thêm sản xuất, mở rộng chuồng trại phục vụ chăn nuôi… Đến cuối năm, mẻ cá đầu tiên các anh thu được 8 tạ cá quả và 1 tấn cá thịt, trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Anh Huân cho biết, sau khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa các anh đã đấu thầu thêm đất, thuê máy đào ao, máy hút bùn để mở rộng diện tích. Ngoài nuôi trồng thủy sản 2 anh còn đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn, gà và trồng chuối, thanh long dọc diện tích ao nuôi.
Anh Lê Văn Thuấn, xóm 16, xã Hải Long (Hải Hậu) bên dây chuyền SNSY dùng để đục các sản phẩm gỗ. |
Đến nay, các tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh được tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn với tổng số vốn đạt 1 tỷ 373 triệu đồng. Với việc xác định đúng đối tượng thanh niên thực sự có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp, hướng dẫn các hộ thanh niên xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã bước đầu mở ra cơ hội lập nghiệp cho nhiều thanh niên. Đồng chí Dương Thanh Huệ, Trưởng ban Thanh niên - Nông thôn - Công nhân - Đô thị của Tỉnh Đoàn cho biết: Hiện nay, nguồn vốn cho thanh niên vay để lập nghiệp tương đối lớn, tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nếu thanh niên muốn vay được vốn thì phải có giấy phép kinh doanh và có tài sản thế chấp. Để tạo thuận lợi cho thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay, Tỉnh Đoàn đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng sản xuất kinh doanh cho thanh niên, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành đoàn việc định hướng, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn. Tỉnh Đoàn cũng tăng cường công tác quản lý giám sát việc thực hiện triển khai vốn vay, đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho đoàn viên thanh niên.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi cho đoàn viên thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cần tập trung chỉ đạo, định hướng, xây dựng và nhân rộng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa, góp phần tập hợp đoàn kết thanh niên, củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn - Hội vững mạnh./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân